Điều ít biết về Tân Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử
Ít được nhắc tới trong vai trò là ứng cử viên tiềm năng, tuy nhiên bất ngờ đã xảy ra ở vòng bỏ phiếu thứ 4 khi Hồng y Robert Francis Prevost được chọn và trở thành Giáo hoàng Leo XIV, đánh dấu lần đầu trong lịch sử Giáo hội có lãnh đạo là người Mỹ.
Vòng bỏ phiếu thứ 4 của ngày thứ hai trong Mật nghị Hồng y đã chọn được Tân Giáo hoàng đó chính là Hồng y Robert Francis Prevost, người Mỹ.
Ngài đã trở thành Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo với tước vị Leo XIV.
"Cầu bình an đến các anh chị em", tân Giáo hoàng Leo XIV phát biểu lời đầu tiên từ ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter.
"Đây là lời chào đầu tiên từ Chúa Phục sinh, và tôi cũng muốn gửi lời chào bình an này tới trái tim và gia đình chúng ta", Giáo hoàng Leo XIV nói tiếp.
Giáo hoàng Leo XIV không giấu nổi sự xúc động khi vẫy tay chào đám đông ở quảng trường bên dưới ban công.
Ngài cũng phát biểu, bày tỏ lòng kính trọng đối với Giáo hoàng Francis quá cố, đồng thời kêu gọi mọi người nhớ đến di sản của người tiền nhiệm.
Sinh ra tại Chicago, Mỹ, Ngài thu hút sự quan tâm từ các đồng sự nhờ phong cách điềm đạm và sự ủng hộ đối với cố Giáo hoàng Francis, đặc biệt là cam kết của Ngài với các vấn đề công bằng xã hội.
Robert Francis Prevost sinh năm 1955 tại Chicago, Mỹ. Dù mang quốc tịch Mỹ, Ngài dành phần lớn cuộc đời sống và phục vụ ở nước ngoài, đặc biệt là tại Peru - nơi Ngài từng là nhà truyền giáo, linh mục giáo xứ, giảng viên thần học và sau này là giám mục.

Ngài cũng nhập quốc tịch Peru và trở thành một phần không thể tách rời của Giáo hội tại quốc gia Nam Mỹ này.

Là tu sĩ thuộc Dòng Augustinô, Ngài thụ phong linh mục năm 1982, lấy bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinas ở Rome, rồi gắn bó gần hai thập kỷ tại Peru.

Sau đó, Ngài đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Dòng Thánh Augustinô, đến với các cộng đoàn dòng tu khắp thế giới.

Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, Ngài giữ chức Tổng trưởng Bộ Giám mục - cơ quan quyền lực của Vatican phụ trách việc bổ nhiệm và giám sát các giám mục trên toàn cầu.

Theo New York Times, dù có xuất thân từ Mỹ, Giáo hoàng Leo XIV ít khi dùng tiếng Anh mà thường sử dụng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italy.

Giống như cố Giáo hoàng Francis, Giáo hoàng Leo XIV thể hiện cam kết với người nghèo, người di cư và trong cách hành xử gần gũi.

Năm ngoái, Ngài nói với trang tin chính thức của Tòa thánh Vatican rằng “một giám mục không nên là tiểu vương chỉ biết ngồi trong vương quốc của mình”.

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo, các Giáo hoàng lấy tông hiệu Leo thường được gắn với sự kiên định trong thời kỳ biến động.

“Cái tên Leo không có gì bất ngờ - nó biểu thị một giáo hoàng mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng”, linh mục và blogger Công giáo Ed Tomlinson bình luận trên Independent.

Dù có nhiều điểm tương đồng với người tiền nhiệm về sự gần gũi với người nghèo, Giáo hoàng Leo XIV có thể có phong cách điều hành kín đáo hơn.

Một số phát ngôn của Ngài trong quá khứ cũng cho thấy quan điểm bảo thủ hơn trong các vấn đề như hôn nhân đồng giới và gia đình phi truyền thống. Hình ảnh Giáo hoàng Leo XIV khi còn là linh mục Robert Francis Prevost và cố Giáo hoàng Jean Paul II.

Theo các nhà phân tích, việc chọn Giáo hoàng Leo XIV cho thấy các hồng y muốn duy trì phần nào tính kế thừa từ Giáo hoàng Francis, đồng thời đặt kỳ vọng vào nhà lãnh đạo có kinh nghiệm quốc tế và khả năng hàn gắn khác biệt trong lòng Giáo hội.

“Tôi rất xúc động khi thông điệp đầu tiên của ngài là về hòa bình thế giới. Điều đó chạm đến trái tim tôi”, anh Rodrigo Pinto, đến từ Guatemala, nói với New York Times về bài phát biểu của Giáo hoàng Leo XIV.

Nhiều lãnh đạo thế giới đã chúc mừng tân Giáo hoàng. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là "vinh dự lớn" với nước Mỹ và mong chờ được gặp Giáo hoàng Leo XIV.