Điều không bình thường
Sách giáo khoa (SGK) là cụ thể hóa của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT). Vì thế người dân kỳ vọng và mong mỏi các bộ SGK ra đời có chất lượng và sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, bộ SGK lớp 1 vốn đã có nhiều chuyện 'lùm xùm', nay lại thêm chuyện giữa chừng, 'bỏ bộ sách này lấy bộ sách khác', khiến dư luận lại tiếp tục băn khoăn, bức xúc.
Như chúng ta đã biết, 4 bộ SGK lớp 1 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) được Bộ GDĐT phê duyệt đưa vào các nhà trường, đó là: (1) Kết nối tri thức với cuộc sống, (2) Chân trời sáng tạo, (3) Cùng học để phát triển năng lực và (4) Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Cùng với bộ SGK Cánh Diều của hai NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM, nhiều địa phương đã chọn các bộ NXB GDVN để dạy học cho học sinh lớp 1, với thị phần khoảng gần 70% của cả nước.
Ngày 9/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký Quyết định phê duyệt 3 bộ SGK lớp 2 gồm: Bộ Cánh Diều và các bộ sách số (1), số (2) của NXB GDVN được sử dụng trong các cơ sở GDPT. Như vậy so với năm học này, SGK lớp 2 thiếu 2 bộ là bộ sách số 3 và bộ sách số 4 của NXB GDVN. Đây là điều rất không bình thường của NXB GDVN lẫn hoạt động quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.
Trước hết, nói về nội bộ NXB GDVN và hậu quả xã hội qua việc hợp nhất các bộ SGK. Tại công văn “KHẨN” số 1326, ngày 2/7/2020, do ông Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB GDVN ký thì hợp nhất 4 bộ SGK thành 2 bộ. Về bản chất cũng như thực tế khi hợp nhất này được thực hiện theo phương thức : bộ sách (1) hợp nhất bộ sách (3) thành bộ sách (1) còn bộ sách (2) hợp nhất bộ sách (4) thành bộ sách (2) . Như vậy không gọi là hợp nhất mà các bộ sách (3) và bộ sách (4) bị các bộ sách kia “nuốt”. Chúng tôi được biết, một số tác giả và cả chủ biên của các bộ sách (3) và bộ sách (4) có những tâm tư, rằng sách của họ là “con nuôi”, không phải là “con đẻ” như các bộ sách kia. Thực tế là những bộ sách bị bỏ rơi đã không thể hợp nhất, các tác giả đã đi tìm các NXB mới làm nơi liên kết xuất bản SGK. Điều đáng chú ý là trong công văn số 1326, có ghi câu kết “ Đối với các cá nhân đơn vị không tuân thủ, NXB GDVN sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng”. Chúng tôi không biết liệu NXB GDVN đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GDĐT chưa mà đã có “quyết tâm cao” thực hiện một chủ trương chưa thật thuyết phục ấy. Tại sao Bộ GDĐT, không bằng cái uy của mình để thuyết phục một số NXB có đủ điều kiện làm SGK (còn có 3 NXB nữa), nhưng hiện chưa làm, đứng ra thu nạp cả 2 nhóm tác giả SGK đang bơ vơ không tìm được ai liên kết?
Dư luận các trường có nhiều băn khoăn và tâm tư về sự “biến mất” của hai bộ SGK số (3) và số (4) và chắc chắn xã hội sẽ có nhiều câu trả lời tiêu cực khác nhau về sự khác thường này và rồi sẽ gây hoang mang bất an trong xã hội.
Lúc đầu, theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GDĐT đứng ra tổ chức bản thảo để làm riêng một bộ sách, tạm gọi là bộ sách công, nhằm chủ động đảm bảo được chủ trương đổi mới giáo dục và chỗ dựa cho các nhà trường, khi giữa ngã ba đường, không biết chọn bộ SGK tư nào cho học sinh trường mình.
Tuy nhiên do chưa tính được xa, Bộ GDĐT khi làm xong chương trình GDPT mới khởi động, tập hợp tác giả làm sách, lúc ấy đã muộn, là “hoàng hôn” trong khi các bộ SGK khác đã triển khai từ rất sớm, khi cùng với “bình minh” của Chương trình giáo dục tổng thể và môn học vừa bắt đầu. Việc phải trả lại hơn 16 triệu USD do không giải ngân được hạng mục xây dựng một bộ sách công là trách nhiệm người đứng đầu Bộ GDĐT, chứ không phải là thành tích đã tiết kiệm ngân sách, vốn là tiền vay của WB, cho Nhà nước.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dieu-khong-binh-thuong-556365.html