Điều không thể nhân nhượng

Ước nguyện đau đáu của người dân Palestine về một nhà nước độc lập vẫn còn quá xa vời, thậm chí là càng lúc càng trở nên xa vời trong những năm qua. Song, ít nhất, giấc mơ ấy vẫn đã và đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, bất chấp những 'sự đã rồi' trên thực tế...

Việc cả một gói nghị quyết về Palestine được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua ngày 2-12, dù thế nào, cũng thể hiện rõ sự phản đối của công luận thế giới đối với những hành động đơn phương và mang tính áp đặt, quanh Jerusalem.

"Vô nghĩa" và "không có hiệu lực"

Ngày 30-11, cùng lúc với những cuộc họp định kỳ của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Trung Đông, Palestine tổ chức kỷ niệm 74 năm ngày mảnh đất quê hương của họ bị chia cắt.

Tấm bản đồ thể hiện sự mất mát của những phần lãnh thổ được quy định thuộc Palestine theo thời gian một lần nữa lại được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như một tiếng kêu than vô vọng. Và gửi đến toàn thế giới, Mohammed El Kurd - một nhà văn, nhà hoạt động xã hội Palestine nổi tiếng - nhắc nhở: "Vấn đề không phải là người ta không quan tâm, mà là chuyện không có hành động nào". Như một sự sẻ chia và như một cách thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine, Đại Hội đồng LHQ đưa ra quan điểm của đa số theo cách không thể rõ ràng hơn.

Nhà văn, nhà hoạt động xã hội Mohamed El Kurd đã nói lên sự công phẫn của người dân Palestine.

Trong nghị quyết mang tên "Giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine" - nghị quyết nhận được nhiều sự ủng hộ nhất với 147 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 13 phiếu trắng, Đại Hội đồng LHQ tái khẳng định lời kêu gọi đạt được một nền hòa bình bao trùm, hợp lý và bền vững tại Trung Đông. Cụ thể, Đại Hội đồng LHQ kêu gọi Israel ngừng mọi hành động đơn phương tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine và kêu gọi các nước không thừa nhận bất cứ thay đổi nào về các đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967, đồng thời không hỗ trợ hay ủng hộ các hoạt động xây nhà định cư trái phép trên các phần đất chiếm đóng.

Trong nghị quyết song song có tên "Jerusalem", Đại Hội đồng LHQ một lần nữa khẳng định: Mọi hành động mà Israel - bên chiếm đóng - nhằm áp đặt luật pháp, quyền tài phán và hành chính của mình lên thành phố linh thiêng Jerusalem là bất hợp pháp. Đại Hội đồng LHQ dẫn lại một thông cáo của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2015 về Jerusalem, để nhấn mạnh: Một giải pháp bao trùm, chính đáng và bền vững đối với vấn đề thành phố Jerusalem cần tính đến các quan ngại chính đáng của cả hai bên Palestine và Israel.

Một nghị quyết khác về "Ủy ban Thực thi các quyền bất khả xâm phạm của người Palestine" yêu cầu ủy ban này của LHQ tăng gấp đôi nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập một khuôn khổ đa phương mở rộng, hướng tới khôi phục các nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình trong vấn đề Palestine.

Bên cạnh đó, trong nghị quyết mang tên "Cao nguyên Golan", Đại Hội đồng LHQ tuyên bố: Quyết định của Israel nhằm áp đặt luật pháp, quyền tài phán và hành chính tại Cao nguyên Golan bị chiếm đóng của Syria là "vô nghĩa và vô hiệu", đồng thời yêu cầu Israel rút khỏi vùng lãnh thổ này.

Và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guteress, trước thềm các cuộc thảo luận của Đại Hội đồng, làm rõ: "Những vi phạm dai dẳng về quyền của người Palestine, cùng việc mở rộng các khu định cư Israel, có nguy cơ làm xói mòn giải pháp hai nhà nước".

Như vậy, giải pháp ấy, bất chấp mọi nỗ lực "bức tử", vẫn sẽ là giải pháp chính thức được LHQ thừa nhận.

Lửa vẫn cháy dưới chân thành

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour cảm ơn các quốc gia đã ủng hộ gói nghị quyết và nhấn mạnh rằng những nghị quyết này là cần thiết và thỏa đáng, nhằm mang lại niềm tin và sự ủng hộ đối với nhân dân Palestine. Ông cũng kêu gọi LHQ chấp thuận tư cách quốc gia thành viên cho Palestine, đồng thời buộc Israel phải chịu trách nhiệm về việc đã từ chối rút khỏi đường biên giới trước năm 1967.

Song, vấn đề tồn tại, cũng vẫn như bao nhiêu năm qua, là chuyện đi kèm với những gói nghị quyết ấy, thực ra LHQ không có khả năng áp đặt các chế tài cần thiết, nhằm bảo đảm rằng "những vi phạm dai dẳng" sẽ buộc phải chấm dứt.

Ước nguyện đau đáu của người dân Palestine.

Trước khi gói nghị quyết trên được thông qua, Ủy ban Thực thi các quyền không thể nhân nhượng của người Palestine nhấn mạnh trong báo cáo trước Đại Hội đồng LHQ: "Trách nhiệm của các quốc gia và các thực thể tư nhân không góp phần vi phạm các quyền con người của người Palestine, đặc biệt là về các khu định cư xây dựng trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem".

Báo cáo nêu rõ: Ủy ban không coi các quyết định đơn phương của những nước thành viên LHQ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là có hiệu lực. Ủy ban này cũng giữ lập trường tương tự đối với việc các nước chuyển các đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Báo cáo nhấn mạnh: "Ủy ban kêu gọi các quốc gia thành viên hủy bỏ những quyết định đó và tôn trọng hiện trạng lịch sử của các thánh địa ở Jerusalem, duy trì tình trạng pháp lý, nhân khẩu học cũng như tình trạng đa tôn giáo, đa văn hóa mang tính lịch sử của thành phố này".

Có lẽ, những phản ứng này phác họa khá rõ ràng bối cảnh địa chính trị thực tế, như một đoạn phim tóm tắt các diễn biến chính kể từ năm 2017 - khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô mới của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, đồng thời tác động để Washington đảo ngược chính quan điểm của mình, thừa nhận tính pháp lý của các khu định cư Do Thái cũng như các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng trên thực tế (ví dụ như Cao nguyên Golan).

Không chỉ vậy, ông chủ cũ của Nhà Trắng còn "bật đèn xanh" cho một kế hoạch hòa bình Trung Đông mới, đặt cơ sở trên 2 điểm mấu chốt: Thúc đẩy Israel bình thường hóa quan hệ với các nước thuộc thế giới Arab Hồi giáo (đến nay, lần lượt đã có Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất/U.A.E, Bahrain, Sudan và Morocco tham gia tiến trình này); và cũng có nghĩa là phớt lờ những quyền lợi hợp pháp của Palestine, âm thầm khai tử "Giải pháp hai nhà nước".

Rất dễ hiểu, khi gói nghị quyết mới nhất của Đại Hội đồng LHQ được thông qua, đại diện của Israel cho biết việc thông qua nghị quyết này đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế đang "trực tiếp kéo dài xung đột". Trong khi đó, cho dù đương kim Tổng thống Mỹ thể hiện những tư tưởng đối lập về chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm thì phái đoàn Mỹ cùng các quốc gia "noi gương" nước Mỹ dời Đại sứ quán đến Jerusalem cũng vẫn "phản đối các giải pháp một chiều không tính đến Israel", như Australia. Cách lập luận và những phản ứng này là tín hiệu cho thấy, bất chấp những gì đã được tái khẳng định, tình hình Trung Đông vẫn sẽ có khả năng gia tăng căng thẳng, thậm chí không loại trừ bùng nổ xung đột trong tương lai. Chỉ trong vòng một tháng qua, phía Palestine đã có 4 người chết và 90 người bị thương do va chạm với lực lượng An ninh Israel, trong khi phía Israel có 1 người thiệt mạng và 9 người bị thương. Trong quá khứ, những cuộc "chiến tranh đường phố" ở quy mô cục bộ là điều không hề xa lạ tại khu vực này, giữa Israel với Palestine, ví dụ như hồi mùa hè năm 2014.

Mảnh đất ấy vẫn luôn là một thùng thuốc súng. Như nhận xét của bà Comfort Ero - Phó Chủ tịch lâm thời của Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, Israel đã liên tục bác bỏ bất cứ đề xuất nào có liên quan đến "giải pháp hai nhà nước" và điều này khiến cộng đồng quốc tế cũng như cả hai bên xung đột đều đang mất dần niềm tin vào tiến trình hòa bình Trung Đông.

Khi niềm tin không còn và khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia là không thể nhân nhượng, tất yếu, phản kháng bằng bạo lực sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu, thay thế cho đàm phán và đối thoại. Không ai có thể kiến tạo hòa bình bằng những sự áp đặt bất công.

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/dieu-khong-the-nhan-nhuong-i637850/