Điều kiện cần

Với nhóm ngành đào tạo giáo viên cần có chuẩn mực nhất định. Vì thế, cần thiết phải có điểm sàn cho ngành sư phạm...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Bộ GD&ĐT mới ban hành quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2023 (điểm sàn) đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.

Theo đó, điểm sàn từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành này cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Cụ thể, các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học có điểm sàn là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm. Ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm.

Thực tế, từ nhiều năm trước, Bộ GD&ĐT đã quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với các ngành. Tuy nhiên, theo xu hướng tự chủ, cơ sở giáo dục đại học đã tự xác định điểm sàn cho mình. Từ năm 2018, bên cạnh nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn cho nhóm ngành đào tạo giáo viên. Quy định này đã được luật hóa.

Để đảm bảo khách quan, chính xác và công bằng, Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng điểm sàn. Hội đồng có trách nhiệm tham mưu tư vấn, phân tích dữ liệu để lựa chọn, thống nhất điểm sàn phù hợp cho cả hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên.

Với nhóm ngành đào tạo giáo viên, để trở thành thầy, cô giáo tương lai, cần có chuẩn mực nhất định. Vì thế, cần thiết phải có điểm sàn cho ngành sư phạm. Thứ nữa, lâu nay chúng ta vẫn coi các cơ sở đào tạo giáo viên như những “máy cái”. Do đó, việc đảm bảo chất lượng đầu vào sư phạm là điều kiện cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Nghĩa là, những ai muốn trở thành sinh viên sư phạm và sau này là giáo viên thì phải có năng lực tối thiểu. Điều này được thể hiện thông qua điểm sàn.

Sư phạm là ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà qua nhiều thế hệ. Do đó cần phải có ngưỡng tối thiểu xét tuyển đầu vào để sàng lọc, đảm bảo thí sinh có đủ năng lực học tập, công bằng giữa các cơ sở đào tạo trong cùng một ngành/chuyên ngành, cũng như đảm bảo chất lượng chung cho sản phẩm đào tạo ở khối ngành này.

Song cũng cần hiểu tường minh rằng, điểm sàn không phải là điểm trúng tuyển. Điểm sàn được hiểu là điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ. Nghĩa là, thí sinh phải đạt được từ mức điểm sàn trở lên mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Theo logic này, điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sẽ không được thấp hơn và thông thường cao hơn điểm sàn.

Không phải ngẫu nhiên mà xã hội đặt niềm tin vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Song để bồi đắp cho niềm tin ấy, cần chú trọng đến hệ thống các trường sư phạm, mà ở đó chất lượng đầu vào, đầu ra được coi là mắt xích quan trọng.

Nói như GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, hệ thống trường sư phạm được coi là “công nghiệp nặng” của ngành Giáo dục. Khi chất lượng sư phạm không tốt và chất lượng nhà giáo không đảm bảo thì đừng nói đến chất lượng giáo dục. Do đó, cần quan tâm, đầu tư nguồn lực và có chính sách, biện pháp để “nâng chất” các trường sư phạm.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-kien-can-post647995.html