Điều kiện để doanh nghiệp công nghệ cao nhận hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư
Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, đảm bảo thực hiện dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng… sẽ nhận hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư…
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (gọi tắt là Quỹ), các đối tượng được đề xuất nhận hỗ trợ của Quỹ gồm có: (1) Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; (2) Doanh nghiệp công nghệ cao; (3) Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; (4) Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Ngoài ra, đối tượng (1), (2), (3) phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng; Đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; đồng thời đảm bảo điều kiện về tình hình thực hiện dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp thuộc đối tượng (4) đáp ứng điều kiện có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Trong đó, điều kiện về tình hình thực hiện dự án đối với doanh nghiệp thuộc các đối tượng (1), (2), (3) hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; Doanh nghiệp thuộc đối tượng (4) hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.500 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh điều kiện giải ngân, dự thảo cũng nêu rõ Quỹ hỗ trợ tối đa 50% đối với chi phí doanh nghiệp thực tế đã chi trong năm cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam trên cơ sở hồ sơ xin hỗ trợ hợp lệ được phê duyệt.
Phạm vi chi phí được hỗ trợ bao gồm: Chi đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn ở trong nước, ở nước ngoài (chi thuê giảng viên, báo cáo viên, thuê tư vấn và hợp tác, liên kết với các chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực quản lý, quản trị sản xuất, đội ngũ kỹ thuật, công nghệ; tổ chức cho học viên thực hành theo các hình thức: thí nghiệm, trình diễn mô hình, diễn tập thực tế; đi khảo sát thực tế tại doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; các chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khác (nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về phát triển nhân lực của doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, còn có hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Cụ thể, Quỹ hỗ trợ tối đa 0,5% giá trị gia tăng của sản phẩm có giá thành từ 4 triệu đồng trở lên. Hỗ trợ đặc biệt tối đa 1,5% giá trị gia tăng của sản phẩm có giá thành từ 4 triệu đồng trở lên đối với doanh nghiệp đạt tất cả các điều kiện sau: Doanh thu trên 200 nghìn tỷ đồng; nhân lực trên 10.000 người; tỷ lệ giá trị gia tăng trên 30%.
Dự thảo nêu rõ, Quỹ hỗ trợ tối đa 50% đối với các loại chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội. Phạm vi chi phí được hỗ trợ bao gồm: tất cả các khoản chi phí trực tiếp cho việc đầu tư các công trình: y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình khác theo quy định về công trình hạ tầng xã hội của pháp luật về xây dựng, phục vụ cho dự án đầu tư thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ.