Điều kiện để lao động đã bỏ trốn được quay lại làm việc tại Hàn Quốc

Trong năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục gia tăng là yếu tố thuận lợi cũng như tiền đề cho việc triển khai thực hiện các chương trình xuất khẩu lao động trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 159.986 người, đạt 133,3% kế hoạch năm 2023 (120.000 lao động xuất cảnh), đây là con số lớn nhất trong hơn 10 năm qua. Một số thị trường trọng điểm và truyền thống có số lao động sang làm việc tăng trưởng mạnh mẽ là Nhật Bản với hơn 80.000 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) trên 58.000 lao động, Hàn Quốc hơn 11.000 lao động…

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Kế hoạch năm 2024 mà Cục Quản lý lao động ngoài nước đặt ra là đưa được 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong đó một số thị trường trọng điểm, truyền thống là Nhật Bản: 63.000 người; Đài Loan (Trung Quốc): 48.000 người; Hàn Quốc: 8.500 người. Chúng ta vẫn tiếp tục khai thác những thị trường tiềm năng với các loại hình công việc an toàn, phù hợp và thu nhập cao đối với người lao động.

PV: Thưa ông, đối tượng nào được đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS? Chi phí theo chương trình này được quy định như thế nào?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Điều kiện và đối tượng đăng ký tham gia Chương trình EPS được nêu chi tiết trong Công văn số 1064/TTLĐNN-TCLĐ ngày 29/12/2023 của Trung tâm Lao động ngoài nước. Theo đó, người lao động phải đáp ứng điều kiện chung (tuổi từ 18 đến 39, không có án tích, chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, ....); riêng ngành nghề nông nghiệp, ngư nghiệp có áp dụng điều kiện bổ sung để ưu tiên một số đối tượng thường trú tại các huyện nghèo, xã khó khăn, dân tộc thiểu số (đối với ngành nông nghiệp) và thường trú huyện ven biển và hải đảo (đối với ngành ngư nghiệp).

Sau khi thi đỗ qua 02 vòng thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, được chủ sử dụng lao động lựa chọn và ký hợp đồng, người lao động mới đóng chi phí xuất cảnh bằng tiền việt tương đương 630 USD và 390.000 (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, chi phí dịch vụ xin visa và chi phí xin visa) người lao động nộp chi phí này cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm; ký quỹ 100.000.000 đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, khoản tiền ký quỹ được nhận lại cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn hợp đồng (chỉ ký quỹ sau khi ký hợp đồng đưa đi với Trung tâm Lao động ngoài nước).

PV: Công ty nào được phép đưa người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Hiện nay, Hàn Quốc đang tiếp nhận lao động Việt Nam và cấp thị thực (visa) làm việc theo một số loại hình như sau:

- Visa E9: dành cho lao động phổ thông theo Chương trình EPS (đơn vị phái cử là Trung tâm LĐNN).

- Visa E-10: thuyền viên tàu đánh cá gần bờ (các doanh nghiệp phái cử có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có chấp thuận đăng ký hợp đồng của Bộ LĐ-TB&XH).

- Visa E-8: Lao động thời vụ thực hiện theo Thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương của hai nước (đơn vị đưa đi do UBND tỉnh/TP các địa phương ký kết thỏa thuận chỉ định).

- Visa E-7: Lao động kỹ thuật - ngành đóng tàu Hàn Quốc (doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có hợp đồng cung ứng lao động được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận).

Như vậy, tùy mục đích và hình thức đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị/doanh nghiệp phái cử có chức năng để tránh bị lừa đảo. Riêng đối với Visa E-10 và E-17 qua các doanh nghiệp dịch vụ, người lao động cần kiểm tra kỹ thông tin về giấy phép dịch vụ của doanh nghiệp và hợp đồng đã được chấp thuận bởi Cục QLĐNNN- Bộ LĐ-TB&XH hay chưa (có đăng tải công khai danh sách chấp thuận hợp đồng trên trang web của Cục: dolab.gov.vn).

PV: Người lao động sang Hàn Quốc làm việc nhưng bỏ trốn và bị bắt, sau bao lâu lại được quay trở lại?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Theo quy định của phía Hàn Quốc, người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, khi bị bắt và trục xuất về nước sẽ bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc trong thời gian 05 năm.

Trường hợp người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhưng tự nguyện đăng ký về nước trong thời gian phía Hàn Quốc thực hiện chính sách ân hạn (miễn xử phạt) theo từng thời kỳ đối với người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước được tham gia dự thi Chương trình EPS để quay trở lại làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc.

Vì vậy, người lao động đã từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có nguyện vọng đăng ký tham gia Chương trình EPS cần kê khai thông tin cụ thể, rõ ràng (theo mẫu kê khai) với cơ quan lao động địa phương tổ chức tiếp nhận hồ sơ để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể.

Thu Hà/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dieu-kien-de-lao-dong-da-bo-tron-duoc-quay-lai-lam-viec-tai-han-quoc-post1072948.vov