Điều kiện để phát triển

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đáng chú ý, quý II-2020 là thời điểm thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19, số lao động có việc làm là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý I-2020 và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước; là mức giảm về việc làm cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Thực tế, dịch Covid-19 đã làm “đứt gãy” các chuỗi sản xuất toàn cầu. Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu thiếu nguyên liệu hoặc bị hủy đơn hàng. Hàng loạt ngành dịch vụ vốn tạo ra nhiều việc làm, như hàng không, du lịch, lưu trú… bị đình trệ. Đương nhiên, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể hoạt động, hệ lụy là lao động mất việc làm, giảm thu nhập.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tận dụng mọi cơ hội, cơ cấu lại sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thúc đẩy liên kết trong nước để khắc phục những “đứt gãy” từ thị trường bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất sản phẩm; san sẻ nguyên liệu, khách hàng để có thể duy trì việc làm cho người lao động… Trong khó khăn, thách thức, hầu hết doanh nghiệp đều coi lao động là tài sản lớn, phải giữ bằng được.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp; khơi thông thị trường nội địa; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế. Hàng loạt gói hỗ trợ tài chính được triển khai giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn. Bởi thực tế giữ được hoạt động của doanh nghiệp là bảo đảm ổn định nền kinh tế, giữ việc làm, thu nhập cho hàng triệu người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp 2,73% trong nửa đầu năm 2020, mức thấp khi so với tình trạng thất nghiệp chung trên thế giới, là điều đáng ghi nhận.

Tuy vậy, câu hỏi tỷ lệ người lao động mất việc sẽ tăng hay giảm trong những tháng cuối năm 2020 còn để ngỏ. Bởi diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, trước hết doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì các phương án ứng phó với dịch bệnh, chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ, đào tạo lao động sẵn sàng đáp ứng cơ hội mới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Mặt khác, tranh thủ cơ hội từ thị trường trong nước để thúc đẩy sản xuất, với tinh thần “3 yêu cầu” và “3 giữ” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đầu tháng 5 vừa qua. Đó là, không trông chờ, ỷ lại; tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất. Và giữ lao động; giữ thị trường; giữ bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực, quyết tâm phát triển. Thực tế, tinh thần này đã được cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả trong tháng 5 và 6 vừa qua. Chủ động tái cơ cấu sản xuất, không trông chờ, ỷ lại, doanh nghiệp giữ được lao động, thị trường. Đó cũng là điều kiện để doanh nghiệp duy trì hoạt động, phát triển.

Cùng với đó, doanh nghiệp vẫn rất cần các chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng với tinh thần “doanh nghiệp không xin tiền, chỉ cần cơ chế”. Sự hỗ trợ này cần kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, công bằng; là bệ đỡ cho doanh nghiệp hoạt động, tận dụng cơ hội kinh doanh… Từ đó, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì việc làm và tạo ra cơ hội việc làm mới cho người lao động.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/973983/dieu-kien-de-phat-trien