Điều kiện để tổ chức chính trị- xã hội được hoạt động chương trình, dự án tài chính vi mô
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định quy định về chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Dự thảo Nghị định quy định rõ các điều kiện để được chấp thuận hoạt động chương trình, dự án tài chính vi mô. Theo đó, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ được chấp thuận hoạt động chương trình, dự án tài chính vi mô khi đảm bảo các điều kiện sau:
1- Là tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại Hiến pháp và các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại các cấp Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện; tổ chức phi chính phủ được thành lập theo quy định của pháp luật.
2- Được Bộ Ngoại giao đồng ý việc thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô đối với tổ chức phi chính phủ do Bộ Ngoại giao cấp Giấy đăng ký hoạt động. Được Bộ Nội vụ đồng ý việc thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô đối với tổ chức phi chính phủ do Bộ Nội vụ cho phép thành lập.
3- Có vốn hợp pháp thực hiện tài chính vi mô.
4- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
5- Người quản lý, điều hành chương trình, dự án tài chính vi mô có tối thiểu bằng đại học chuyên ngành về một trong những lĩnh vực kinh tế, ngân hàng, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh hoặc có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về hoạt động ngân hàng hoặc hoạt động tài chính vi mô.
6- Có các quy định nội bộ để thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô.
Trình tự chấp thuận hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô
Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ gửi trực tiếp (hoặc qua đường bưu điện) hồ sơ cho Ủy ban nhân dân có thẩm quyền nơi dự kiến triển khai thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền có văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền có văn bản yêu cầu tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ bổ sung đầy đủ hồ sơ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ về việc thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện hoặc trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của các chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức phi chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ về việc thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô và địa bàn triển khai chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ do Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ cấp phép.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ phải có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý bằng văn bản về việc thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô. Trường hợp không đồng ý, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ phải nêu rõ lý do. Quá thời hạn nêu trên, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân không có ý kiến thì coi như đồng ý.
Đối với trường hợp tại hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động chương trình, dự án tài chính vi mô đã có các văn bản cho phép của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không lấy lại ý kiến.
Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định chấp thuận, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ phải triển khai thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô. Sau thời hạn nói trên, quyết định chấp thuận triển khai thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô sẽ hết hiệu lực.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.