Điều kiện kinh doanh: Vẫn 'phép vua thua lệ làng'

Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tư là pháp luật đặc thù của Việt Nam và số lượng thông tư hiện quá đồ sộ, tạo rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy định kiểm dịch thủy sản gây khó khăn cho doanh nghiệp

Quy định kiểm dịch thủy sản gây khó khăn cho doanh nghiệp

Hôm nay (29-3), VCCI tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2021. Ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI cho biết, bên những nỗ lực của cơ quan Nhà nước trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Bởi, trong những đề xuất cắt giảm, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có”… rất nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.

Đáng chú ý, hiện tại đang xuất hiện xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực trong hoạt động soạn thảo chính sách.

“Chúng tôi nhìn thấy xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Điểm đáng lưu ý, ở một số ngành, nghề trước đây được đánh giá cao về cải cách điều kiện kinh doanh, hiện nay đề xuất áp dụng lại các điều kiện kinh doanh trước đã xóa bỏ. Hoặc một số chính sách chúng tôi nhận thấy vẫn tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Điều này cho thấy nghịch lý: trong khi Chính phủ đang có nhiều đợt tổng rà soát cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thì những chính sách soạn thảo mới lại đang tạo ra những rào cản, gánh nặng mới cho doanh nghiệp. Câu hỏi về tính đồng bộ trong hoạt động cải cách thể chế cũng như tính hiệu quả trong giám sát các chính sách về kinh doanh đã được đặt ra. Đây sẽ trở thành thách thức cho hoạt động xây dựng chính sách cải thiện môi trường kinh doanh”- Chủ tịch VCCI nói.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh những bất cập trong chất lượng của Thông tư, công văn. Đây là 2 loại văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Những chính sách cởi mở, cải cách ở văn bản cấp luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng sẽ khó trở thành hiện thực, nếu quy định tại thông tư, hướng dẫn thực tiễn ở công văn không truyền tải được tinh thần tiến bộ trên”- Chủ tịch VCCI nói.

Chẳng hạn như có nhiều thông tư vẫn ban hành điều kiện kinh doanh – điều bị cấm theo Luật Đầu tư 2014, 2020; các quy định tại thông tư chưa minh bạch, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, hay các công văn ban hành quy phạm pháp luật, nội dung hướng dẫn tại công văn chưa phù hợp…

Chỉ ra những điểm bất cập cụ thể trong pháp luật kinh doanh năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) nói: “Thông tư là pháp luật đặc thù của Việt Nam trong khi các nước khác thì không. Thông tư nhiều hơn cả Luật. Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, ngành nhưng tác động rất lớn, quy trình ban hành lại ít minh bạch hơn, nhưng chất lượng văn bản lại thấp. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định Thông tư không được đặt ra điều kiện kinh doanh, không được đặt thêm thủ tục hành chính nhưng thực tiễn thì ngược lại”.

Bên cạnh đó, pháp luật kinh doanh còn nhiều quy định chưa phù hợp, như quy định cố định số giờ làm thêm lên đến 60 giờ/tháng, hoặc 200-300 giờ/năm sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp có công nhân F0, F1 khi phải hoàn trả đơn hàng đúng hạn.;

Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận một số giấy tờ khó khăn như: lưu hành với nguyên liệu thuốc. Giấy này có hiệu lực 5 năm, nhiều doanh nghiệp hết hạn giấy phép trong bối cảnh dịch bệnh, muốn gia hạn thì phải làm hồ sơ tương đối phức tạp, thậm chí không thực hiện được.

“Phép vua thua lệ làng, nhiều địa phương ban hành cách thức khác nhau. Chúng tôi quan sát việc phản ứng chính sách của cấp cơ sở năm 2021 thì thấy tình trạng cát cứ còn phổ biến, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Theo thống kê của VCCI, cứ 1 luật thì có 6,8 Nghị định; 1,8 Quyết định của Thủ tướng nhưng có tới 25,8 Thông tư và 1,9 Thông tư Liên tịch. Chưa kể, số trang, số điều luật trong từng văn bản rất lớn. Việc lạm dụng ban hành thông tư xảy ra phổ biến tại một số lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, thuế…

Đại diện cho doanh nghiệp, bà Trần Hoàng Yến- Phó văn phòng đại diện VASEP tại Hà Nội cũng chỉ ra điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp tồn tại lâu năm trong lĩnh vực thủy sản. Đó là là quy định kiểm dịch thủy sản của Bộ NN&PTNT. VASEP đã kiến nghị các nội dung này từ năm 2016 đến nay, song điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn được đặt trong các Thông tư 26/2016; Thông tư 36/2018 và Thông tư 11/2021.

Bình luận về dòng chảy pháp luật kinh doanh trong năm qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Thông tư là điển hình của quy định thiếu công khai, thiếu ổn định, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ giữa bộ này, bộ kia, thiếu tính khả thi ngay cả với các Bộ làm ra quy định, thiếu tiên liệu, không dự báo được và thiếu trách nhiệm giải trình.

Cùng lắm nếu quy định nào đó gây khó khăn cho doanh nghiệp thì Bộ trưởng xin lỗi trước Quốc hội là xong. Chế tài nội bộ trong cơ quan chịu trách nhiệm rất ít. Đây là nguyên nhân khiến chất lượng văn bản không cao”.

Vân Hằng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dieu-kien-kinh-doanh-van-phep-vua-thua-le-lang-post499934.antd