Đưa sản phẩm OCOP Hà Nội vươn xa

Số lượng sản phẩm OCOP được TP Hà Nội đánh giá, phân hạng vào cuối năm nay dự kiến sẽ hơn 2.000 - vượt mục tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025 trước 1 năm

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã đánh giá, phân hạng được 1.657 sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm"), gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 742 sản phẩm 4 sao, 914 sản phẩm 3 sao - đạt gần 83% kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025.

Sớm về đích

Trong tháng 9 đầu năm 2024, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Hội đồng OCOP) cấp huyện thuộc 12 quận, huyện ở Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 150 sản phẩm OCOP. Trong đó, 11 sản phẩm đạt 3 sao và 39 sản phẩm tiềm năng 4 sao đang chờ Hội đồng OCOP thành phố tiến hành đánh giá, phân hạng.

Dự kiến đến hết năm 2024, Hà Nội sẽ đánh giá thêm khoảng 510 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt được trong giai đoạn 2021-2024 là 2.167 - vượt mục tiêu của chương trình là đến hết năm 2025, thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm. Kết quả này cho thấy Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển sản phẩm OCOP.

Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Huệ, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm và Nông sản sạch Sóc Sơn, cho biết sản phẩm chả cá thát lát Huệ Dương đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Từ khi sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP, công ty được nhà nước hỗ trợ nhiều về truyền thông, quảng bá, tham gia xúc tiến thương mại, kết nối thị trường… Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP còn có điều kiện thuận lợi để đưa vào hệ thống các siêu thị lớn vì bảo đảm nguồn gốc và chất lượng.

Dù Chương trình OCOP của Hà Nội đi đúng hướng, về đích trước 1 năm song số lượng sản phẩm 5 sao được công nhận đến nay còn rất ít. Toàn thành phố mới có 6 sản phẩm được Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (tương ứng với tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quốc tế).

Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP của Hà Nội được công nhận cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường, từ đó xây dựng chỗ đứng vững chắc. Theo bà Dương Thị Huệ, một trong những khó khăn của công ty bà là mở rộng quy mô sản xuất - một phần do việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi không dễ, nguồn nguyên liệu cá thát lát chủ yếu ở miền Tây…

Sản phẩm OCOP Hà Nội được giới thiệu tại một sự kiện

Sản phẩm OCOP Hà Nội được giới thiệu tại một sự kiện

Tạo sự khác biệt

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh - Chế biến nông sản Bảo Minh, cho rằng muốn phát triển chuỗi sản phẩm OCOP bền vững, rất cần sự tham gia của các "nhà": Nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất - chế biến, nhà bán lẻ, ngân hàng và cơ quan truyền thông. "Việc tham gia của các bên liên quan sẽ tạo nên quá trình hoàn hảo cho sản phẩm OCOP vươn xa" - bà nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opMart Hà Đông (Hà Nội), các chủ thể OCOP cần kể câu chuyện về sản phẩm, vì đây là sự khác biệt để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cần chú trọng thiết kế bao bì bắt mắt, thu hút khách hàng. Saigon Co.op sẽ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch, từ đó làm gia tăng giá trị.

Sản phẩm OCOP Hà Nội được giới thiệu tại một sự kiện

Sản phẩm OCOP Hà Nội được giới thiệu tại một sự kiện

Về phía cơ quan quản lý, Sở Công Thương TP Hà Nội nhấn mạnh sẽ thường xuyên rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối với các kênh phân phối bán lẻ, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố để cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối nhằm tổ chức tiêu thụ theo nhu cầu. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, như: triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết về lâu dài, sở sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối với các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm. Sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên mua sắm.

Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT - Sở NN-PTNT Hà Nội, thành phố đã có quy hoạch về vùng chuyên canh tập trung. Vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần bám sát quy hoạch này; các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển vùng sản xuất.

Sở NN-PTNT TP Hà Nội cho rằng ngoài những vùng nguyên liệu tốt, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm - đây là yếu tố quyết định.

Sản phẩm OCOP Hà Nội được giới thiệu tại một sự kiện

Sản phẩm OCOP Hà Nội được giới thiệu tại một sự kiện

Tăng cường sản phẩm OCOP 5 sao

TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao sẽ đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Vì vậy, trong 2 năm 2024-2025, Hà Nội tập trung rà soát, hỗ trợ các sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao để trình Hội đồng OCOP quốc gia công nhận, bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra.

Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại những sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực; tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá. Mặt khác, tăng cường xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ hiện đại, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dua-san-pham-ocop-ha-noi-vuon-xa-196241003191552863.htm