Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ chặt chẽ hơn

Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ bắt buộc thương nhân sở hữu kho chứa, tăng ràng buộc dự trữ, bổ sung chế tài xử phạt. Song song đó là mở rộng chính sách hỗ trợ và ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp có vùng nguyên liệu... dự kiến sẽ được áp dụng trong lĩnh vực xuất khẩu gạo từ 2026.

Các quy định về kho chứa, dự trữ được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn đối với thương nhân đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh – Đ.Hải

Các quy định về kho chứa, dự trữ được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn đối với thương nhân đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh – Đ.Hải

Chính phủ đang Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Nghị định 01/2025/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Dự kiến sau khi hoàn tất Nghị định này sẽ ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn trong quý II/2025.

Nghị định sửa đổi lần này tập trung quy định cụ thể điều kiện kinh doanh, khắc phục tình trạng “đăng ký ảo”, đảm bảo nguồn hàng phục vụ xuất khẩu và ổn định thị trường nội địa.

Theo đó, quy định thương nhân sở hữu kho chứa thóc, gạo thay vì được thuê như trước. Đây là động thái nhằm loại bỏ hiện tượng doanh nghiệp chỉ thuê kho tạm thời để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận, nhưng không thực sự duy trì năng lực kinh doanh. Quy định này được áp dụng sau thời gian chuyển tiếp 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực.

Đối với cơ sở xay, xát, chế biến, thương nhân vẫn được phép thuê, nhưng phải có hợp đồng tối thiểu 5 năm, rõ ràng về pháp lý. Đồng thời, thương nhân không được cho thuê lại các cơ sở đã kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, dự thảo lại yêu cầu thương nhân mới được cấp phép phải duy trì tối thiểu 1.250 tấn gạo dự trữ trong vòng 45 ngày sau khi nhận Giấy chứng nhận. Mức dự trữ này được tính toán tương đương 5% sản lượng xuất khẩu trung bình 6 tháng – mức yêu cầu đang áp dụng với thương nhân có thành tích xuất khẩu.

Đáng chú ý, Dự thảo bổ sung chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ dự trữ và không báo cáo kịp thời. Trường hợp thương nhân không gửi báo cáo sau 45 ngày kể từ khi bị đôn đốc hoặc thay đổi thông tin nhưng không điều chỉnh Giấy chứng nhận sẽ bị thu hồi. Sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị thu hồi, doanh nghiệp mới được xem xét cấp lại.

Đối với thời gian xem xét thu hồi giấy phép, Dự thảo Nghị định mới quy định, thương nhân không đứng tên trên tờ khai hải quan xuất khẩu trong 12 tháng liên tục (thay vì 18 tháng như hiện hành) sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận. Cách tính này chỉ ghi nhận hoạt động xuất khẩu trực tiếp, loại bỏ các trường hợp khai báo ủy thác nhằm “giữ giấy phép” mà không có năng lực thực tế.

Song song với việc sửa đổi Nghị định, Chính phủ và Bộ Công Thương hiện cũng đang rà soát toàn bộ các quy định hướng dẫn, bao gồm Thông tư 30/2018/TT-BCT, hướng tới đồng bộ, minh bạch và giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp. Một số điều kiện báo cáo cũng đã được điều chỉnh từ hàng tuần sang hàng tháng, giảm áp lực hành chính.

Việc triển khai kiểm tra, hậu kiểm theo Bộ Công Thương dự kiến sẽ được giao cho các đoàn liên ngành, phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công Thương địa phương và Hiệp hội ngành hàng, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long – khu vực tập trung phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Riêng đối với các chính sách ưu tiên về tiếp cận các hỗ trợ tài chính, tín dụng, Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung quyền ưu tiên tiếp cận chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, tín dụng ưu đãi đối với thương nhân có vùng nguyên liệu, hệ thống kho bãi, logistic đồng bộ.

Thực tế hiện nay, ngành hàng lúa gạo được các ngân hàng thương mại tập trung nhiều ưu đãi về tiếp cận vốn vay. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị sản xuất gạo; nhất là các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, hệ thống kho bãi và logistic đồng bộ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu mua và tạm trữ lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, đồng thời xem xét mở rộng hạn mức và thời hạn cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực và hệ thống kho chứa.

Song song đó, ngành Ngân hàng các địa phương cũng đã khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối với doanh nghiệp, phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam để thông tin kịp thời về các chính sách tín dụng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 125.000 tỷ đồng. Riêng địa bàn các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau Ngân hàng Nhà nước khu vực này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong khu vực xem xét nâng hạn mức, thời hạn cho vay phù hợp với quy định đối với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong thu mua, chế biến, xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện vay vốn trung và dài hạn để đầu tư kho chứa, máy móc, thiết bị chế biến, bảo quản lúa gạo.

Năm 2025 xuất khẩu gạo có thể đạt 7,6 triệu tấn

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 4/2025, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,31 triệu tấn gạo, thu về 1,21 tỷ USD, tăng hơn 5% về lượng nhưng giảm 15% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu trung bình giảm còn 522 USD/tấn, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh gần 670 USD/tấn cuối năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ước tính năm 2025, Việt Nam có khoảng 7,54 triệu tấn gạo hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt 7,6 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm ngoái, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, thì ngoại tệ mang về vẫn tích cực.

Về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, theo số liệu từ VietstockFinance, tổng doanh thu thuần của 10 doanh nghiệp gạo niêm yết trên sàn chứng khoán đạt gần 8.700 tỷ đồng trong quý I/2025, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lợi nhuận ròng bình quân giảm 23%, xuống gần 47 tỷ đồng.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dieu-kien-kinh-doanh-xuat-khau-gao-se-chat-che-hon-164629.html