Điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc dạy học bằng tiếng nước ngoài là GV

Khi được tiếp cận các ngữ liệu môn học dưới hình thức ngôn ngữ nước ngoài, học sinh sẽ có điều kiện lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Rà soát việc thực hiện Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác, trong thời gian qua, cho thấy, bên cạnh những ưu điểm khi triển khai, việc dạy và học bằng ngoại ngữ tại một số địa phương và các cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục,để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, các trường ngoài công lập được đánh giá là nhanh chóng bắt kịp mục tiêu nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người học. Tuy nhiên, phía nhà trường cũng gặp phải không ít khó khăn, cần có thêm hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại.

 Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Albert Einstein (Hà Tĩnh) trong tiết học Toán bằng tiếng Anh. Ảnh: NTCC.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Albert Einstein (Hà Tĩnh) trong tiết học Toán bằng tiếng Anh. Ảnh: NTCC.

Thuận lợi, khó khăn đan xen khi triển khai dạy và học bằng tiếng nước ngoài

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Lộc - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, hiện tại, thành phố Cần Thơ có một số cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đang tổ chức dạy các môn Khoa học tự nhiên, Toán bằng tiếng Anh và vẫn giảng dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong thời gian tới, phía Sở Giáo dục và Đào tạo có định hướng phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh; tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh; mở rộng quy mô tổ chức dạy một số môn học bằng tiếng Anh, vì hiện tại, việc này mới chỉ đang đang triển khai đối với môn Khoa học tự nhiên và Toán.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở cũng đang chờ thêm chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện nhiệm vụ "tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Điều này cũng được nêu trong Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

 Ông Huỳnh Thanh Lộc - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Ông Huỳnh Thanh Lộc - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Gia Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Albert Einstein (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Việc thực hiện giảng dạy một số môn học bằng tiếng nước ngoài ở các cơ sở giáo dục phổ thông góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh.

Khi được tiếp cận các ngữ liệu môn học dưới hình thức ngôn ngữ nước ngoài, học sinh sẽ có điều kiện lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên, góp phần cải thiện năng lực ngoại ngữ.

Trường hiện đang triển khai dạy Toán bằng tiếng Anh cho đối tượng học sinh tiểu học, với mong muốn cung cấp một phần ngữ liệu bằng tiếng Anh góp phần nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho các em.

Về cơ bản, học sinh của nhà trường có kỹ năng tiếng Anh tương đối tốt để tiếp cận chương trình".

 Thầy Nguyễn Gia Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Albert Einstein (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Gia Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Albert Einstein (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Trên thực tế, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để triển khai việc dạy học bằng tiếng nước ngoài.

Đề cập đến vấn đề này, thầy Phạm Ngọc Nam - Hiệu trưởng Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký (Bình Dương) cũng cho biết: “Tại trường, việc giảng dạy bằng tiếng nước ngoài có nhiều thuận lợi, nhờ học sinh tiếp cận ngôn ngữ từ sớm, được gia đình đầu tư, quan tâm trong việc học ngoại ngữ, nhằm định hướng cho các em đi du học ở các nước như Canada, Pháp, Singapore.

Điều này giúp học sinh phát triển ngôn ngữ tự nhiên và được tạo điều kiện để trở thành công dân toàn cầu trong thời đại mới. Một số em sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, Anh... sau đó trở về nước và học tập tại trường, nên môi trường học tập tiếng Anh của nhà trường tương đối đa dạng.

Bên cạnh đó, nhà trường có một trung tâm ngoại ngữ, giúp cho việc giảng dạy tiếng Anh tăng cường theo chuẩn Cambridge và luyện thi IELTS được thuận lợi, giảm chi phí cho phụ huynh và học sinh”.

Thầy Phạm Ngọc Nam thông tin thêm, để đáp ứng đúng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường hiện tại đảm bảo ở mức tối thiểu về các tiêu chí như phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học hiện đại và các khu vực hỗ trợ khác như thư viện, sân chơi.

Nhà trường tiếp tục bổ sung và xây dựng để ngày càng đáp ứng tốt nhất cho việc giảng dạy và học tập. Số học sinh khi học tiếng Anh được chia nhỏ, không quá 20 em/lớp.

Thầy Nguyễn Minh Hiếu - Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Thái Bình Dương - còn gọi Trường Phổ thông Thái Bình Dương (Thành phố Cần Thơ) cho biết: “Nhà trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có chuyên môn, tạm thời đáp ứng nhu cầu dạy học bằng tiếng nước ngoài, hướng tới việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Bên cạnh việc đảm bảo số lượng tiết học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo nhà trường chủ động bổ sung thêm các tiết học tiếng Anh tăng cường để giúp học sinh có nhiều thời gian rèn luyện”.

Có thể thấy, lãnh đạo các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên đánh giá cao việc dạy học bằng tiếng nước ngoài và nhà trường có những điều kiện thuận lợi để triển khai.

Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn đến từ thiết bị dạy học, áp dụng công nghệ số hay việc kiểm tra, đánh giá.

Quyền Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình Dương thông tin, các dụng cụ thí nghiệm cho chương trình giảng dạy Cambridge IGCSE tại trường còn nhiều hạn chế, chủ yếu sử dụng trang thiết bị (có chức năng tương tự) từ chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận kết quả học tập đối với các môn học, nội dung và chương trình giáo dục dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong thời gian qua tại Trường được tổ chức dưới 2 hình thức:

Một là, đánh giá năng lực học sinh do nội bộ giáo viên giảng dạy, nhà trường xây dựng bài kiểm tra và tự tổ chức theo định kỳ.

Hai là, tổ chức thi cấp chứng chỉ, nhà trường phối hợp các trung tâm được cấp phép theo quy định. Tuy nhiên, chi phí đăng ký cho mỗi đợt thi, ví dụ như kỳ thi IGCSE là không hề thấp.

 Thầy Phạm Ngọc Nam - Hiệu trưởng Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký (Bình Dương) (thứ ba từ trái sang). Ảnh: NVCC.

Thầy Phạm Ngọc Nam - Hiệu trưởng Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký (Bình Dương) (thứ ba từ trái sang). Ảnh: NVCC.

Để triển khai, trước hết, cần phải có đội ngũ giáo viên đủ chuẩn

Tại Khoản 1, Điều 5 của dự thảo Nghị định có nêu: “Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4, giáo viên trung học phổ thông phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương”.

Thầy Nguyễn Minh Hiếu cho hay, theo quy định trên, đội ngũ giáo viên của Trường Phổ thông Thái Bình Dương chưa đáp ứng đạt chuẩn.

Cụ thể, ở bậc tiểu học đang có 2/3 (tương đương khoảng 66,6%), trong đó 1 giáo viên đạt trình độ B2, 1 giáo viên đạt trình độ B1 và 1 giáo viên chưa thi chứng chỉ. Ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, có 3/6 (tương đương 50%), trong đó 2 giáo viên đạt trình độ B2, 1 giáo viên đạt trình độ B1 và 3 giáo viên chưa thi chứng chỉ.

Theo vị Quyền Hiệu trưởng, để tất cả giáo viên đạt được 100% chuẩn theo yêu cầu trong dự thảo Nghị định, nhà trường phải xây dựng kế hoạch và có lộ trình phấn đấu thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo tình hình thực tế; áp dụng một số chính sách chính sách khuyến khích, động viên giáo viên tham gia nâng chuẩn; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian học tập, điều kiện học tập, quỹ tài chính học tập, chính sách tăng lương, khen thưởng.

 Thầy Nguyễn Minh Hiếu - Quyền Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình Dương (Cần Thơ). Ảnh: NTCC.

Thầy Nguyễn Minh Hiếu - Quyền Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình Dương (Cần Thơ). Ảnh: NTCC.

Tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Albert Einstein, việc dạy Toán bằng tiếng Anh đã được triển khai từ năm 2018: Đối với học sinh lớp 1 (từ học kỳ 2), khi học sinh đã làm quen với tiếng Anh, đủ để tiếp cận ngữ liệu.

Tuy nhiên, hiện tại, lãnh đạo trường chưa có kế hoạch triển khai việc giảng dạy này đến các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vì chưa có giáo viên đủ điều kiện và chương trình, tài liệu phù hợp với học sinh ở địa phương.

Vị Hiệu trưởng lý giải: “Điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc dạy học bằng tiếng nước ngoài là đội ngũ, rất khó để có được giáo viên có đủ cả trình độ về chuyên môn và ngôn ngữ để thực hiện.

Hiện nay, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Albert Einstein chỉ có 5 giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Sư phạm (Trường Đại học Vinh) và Khoa Sư phạm (Trường Đại học Hà Tĩnh).

Nhà trường tuyển dụng thêm các giáo viên được đào tạo ngành sư phạm Toán, có kỹ năng sử dụng tiếng Anh ở mức B2 (thông qua kiểm tra nội bộ).

Ngoài ra, nhà trường đào tạo cho một số giáo viên là cử nhân ngành sư phạm tiếng Anh các mô-đun về Toán ở cấp tiểu học để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy”.

Để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, Hiệu trưởng Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký đã đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyển dụng và đào tạo: Tuyển giáo viên có trình độ phù hợp, đồng thời cung cấp các khóa bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, đặc biệt là giúp giáo viên nước ngoài nắm được tâm-sinh lý của các em học sinh trong quá trình giảng dạy.

Thứ hai, chính sách đãi ngộ: Cần xây dựng chính sách lương, thưởng và phúc lợi hấp dẫn để thu hút và giữ chân giáo viên.

Thứ ba, phát triển chuyên môn: Hỗ trợ giáo viên tham gia các khóa học nâng cao, hội thảo chuyên ngành và chương trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy.

 Học sinh Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký học tập cùng giáo viên người nước ngoài. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký học tập cùng giáo viên người nước ngoài. Ảnh: NTCC.

Mong muốn mở rộng cơ hội liên kết quốc tế để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Nhận xét về dự thảo Nghị định, thầy Phạm Ngọc Nam bày tỏ: “Dự thảo Nghị định về việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài đã có những bước tiến trong việc tạo hành lang pháp lý rõ ràng và thuận lợi cho việc triển khai chương trình song ngữ tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, vẫn cần cải thiện một số khía cạnh như: tiêu chuẩn chất lượng giáo viên, nguồn lực hỗ trợ tài chính cho các trường ngoài công lập và mở rộng cơ hội liên kết quốc tế để nâng cao chất lượng dạy và học.

Việc điều chỉnh này sẽ giúp dự thảo mang tính khả thi và hiệu quả hơn khi triển khai thực tế.

So với Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg, dự thảo Nghị định đã có những điều chỉnh nhằm tăng tính khả thi và cải thiện hệ thống quản lý. Điểm nổi bật là việc chú trọng hơn vào quy định quyền lợi cho người học, mở rộng sự hỗ trợ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Trong dự thảo này, nhà trường quan tâm đến những nội dung như chính sách tuyển sinh, chất lượng đào tạo hoặc cơ hội phát triển chuyên môn của giáo viên. Vì những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy và học tập tại trường”.

Song song với đó, Hiệu trưởng Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký cũng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ chính sách để nâng cao năng lực ngoại ngữ, liên kết giáo dục đào tạo với nước ngoài triển khai thuận lợi, đặc biệt là với các trường ngoài công lập. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đào tạo giáo viên chất lượng cao, tăng cường các chương trình bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giảng dạy bằng ngoại ngữ.

Thứ hai, hỗ trợ tài chính và chính sách, Nhà nước có thể cung cấp các ưu đãi về thuế và tài trợ cho trường liên kết quốc tế để giảm chi phí học phí.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh các chương trình trao đổi giáo viên, học sinh và tài liệu học tập với các trường đối tác nước ngoài

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dieu-kien-quan-trong-nhat-de-thuc-hien-viec-day-hoc-bang-tieng-nuoc-ngoai-la-gv-post245637.gd