Điều kỳ diệu đến từ 'những mảnh gan đỏng đảnh'
Với 40 ca ghép gan cho bệnh nhi, trong đó có hơn 20 ca tự chủ hoàn toàn về kĩ thuật, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam, trong đó có những ca đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp.
Để tạo nên những dấu mốc đó là rất nhiều trăn trở, nỗ lực, quyết tâm của các y bác sĩ của bệnh viện. Có nghe các bác sĩ chia sẻ về nghề, mới thấy hết “sự đỏng đảnh”, độ hack não của việc ghép gan cho bệnh nhi - một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng.
“Nếu không ghép gan, các cháu không còn đường sống”
Giờ đây, sau cuộc ghép gan ở Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, “chiến binh” Gạo – cậu bé 6 tuổi ở Đà Nẵng đã có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc bên bố mẹ. Khi mới sinh, Gạo lanh lợi, dễ thương với đôi mắt to tròn. Nhưng rồi một ngày, bố mẹ Gạo sững sờ khi biết con mình bị teo mật bẩm sinh. Quá trình xơ gan mật tiến triển sau đó khiến cậu bé phải gánh thêm các biến chứng của bệnh gan giai đoạn cuối. Từ một đứa trẻ bụ bẫm, Gạo dần sụt cân, chân tay teo dần cho đến lúc không còn đứng được nữa. Gạo bị vàng da, rối loạn đông máu và có biến chứng tim mạch. Sau chặng đường chữa bệnh cho con làm kiệt quệ cả về tài chính lẫn tinh thần, điểm dừng chân cuối của gia đình Gạo là BV Nhi Trung ương, bởi đây là nơi duy nhất chấp nhận ghép gan cho con.
Nhưng thử thách không chỉ dừng lại ở đó. Tình trạng rối loạn đông máu nặng do bệnh gan giai đoạn cuối của Gạo khiến ca đại phẫu dự kiến cần một lượng máu rất lớn, trong khi các chế phẩm máu Gạo cần đều thuộc nhóm máu hiếm AB+. Thật may khi có những cô bác hảo tâm cùng chung tay cho bé những giọt máu hiếm và một phần kinh phí phẫu thuật ghép gan từ nguồn gan hiến của mẹ. Ca đại phẫu đã mang lại cuộc đời thứ 2 cho Gạo. Giờ đây, Gạo đã ổn định dần và lên cân, đạp được xe và rất nhanh nhẹn.
Từ câu chuyện của bé Gạo, chúng tôi tìm gặp PGS.TS, bác sĩ Phạm Duy Hiền, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương - vị “tổng chỉ huy” vất vả nhất trong tất cả các ca ghép gan tại BV. Ông là người làm chính, chịu trách nhiệm chính về bệnh nhi, từ lúc cắt gan bệnh đến ghép gan và phụ trách hầu hết các miệng nối trong ca ghép. Có nghe bác sĩ Hiền chia sẻ mới thấy để ghép gan nhi trở thành kĩ thuật thường quy tại BV như hiện nay thì con đường ghép tạng nhi, trong có ghép gan cũng nhiều gập ghềnh và lắm chông gai.
Những ca ghép gan đầu tiên cho bệnh nhi trên thế giới được thực hiện từ những năm 1980. Còn ở BV Nhi, GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm là người định hướng và đặt nền móng đầu tiên cho việc ghép gan trẻ em từ năm 2005 với sự hỗ trợ của các chuyên gia Hàn Quốc. Nhưng thời điểm đó, các lĩnh vực hồi sức, điều trị sau ghép, chẩn đoán hình ảnh,… chưa đồng bộ; nhận thức của người hiến gan còn hạn chế và chưa sẵn sàng. Suốt nhiều năm sau đó, số ca ghép gan BV thực hiện được không nhiều, kĩ thuật ghép chưa phát triển. Từ năm 2018 trở lại đây, trước tình trạng bệnh nhi cần ghép gan ngày một lớn, các bác sĩ ở BV Nhi Trung ương đẩy mạnh ghép gan, nỗ lực cứu các cháu. “Thời điểm cách đây 5 năm, PGS.TS Trần Minh Điển – hiện là Giám đốc BV Nhi Trung ương là người rất quyết tâm để đẩy mạnh ghép gan nhi. Điều đó tạo động lực rất lớn cho chúng tôi. Bởi nếu không ghép gan, các cháu không còn đường sống”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Đầu năm 2021, các y bác sĩ của BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận kĩ thuật ghép gan từ BV Trung ương Quân đội 108. Sau quá trình tiếp cận, phối hợp tham gia từng phần của quy trình kỹ thuật với các chuyên gia trong và ngoài nước, đến nay, BV đã làm chủ toàn bộ quy trình thăm dò trước ghép, kỹ thuật ghép, gây mê, hồi sức, góp phần mở ra nhiều hy vọng mới cho các gia đình có con bị suy gan giai đoạn cuối.
Với PGS.TS Phạm Duy Hiền, ca ghép gan đầu tiên do anh thực hiện vô cùng đáng nhớ: “Lúc đó không có ai đứng cạnh tôi nữa, tôi là người chịu trách nhiệm chính, người làm chính trong ca ghép. Tôi không còn nghĩ đến điều gì khác, tập trung, nỗ lực hết sức cho cuộc phẫu thuật. Bên ngoài trời rất lạnh, nhưng trong phòng mổ, tôi cảm nhận được mồ hôi rịn ra dọc sống lưng. Rồi sau đó, ca nọ nối tiếp ca kia, cảm giác căng thẳng ban đầu tan đi, bản lĩnh vững vàng dần lên. Bây giờ, chúng tôi đã quen với ca mổ kéo dài từ 10-12 tiếng đồng hồ. Ghép tạng, trong đó có ghép gan đã trở thành kĩ thuật thường quy”.
Hiện nay, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan là những nước phát triển mạnh về ghép gan cho bệnh nhi. Ở Nhật Bản tính đến nay đã thực hiện được trên 2.000 ca ghép gan nhi. Và Việt Nam cũng đã được điền tên trên bản đồ ghép tạng thế giới. Ê-kíp ghép gan của BV Nhi Trung ương đã không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, giúp người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật.
Thử thách
“Gan là một tạng “đỏng đảnh”, rất khó ghép. Ghép gan cho trẻ em lại càng khó, có thể nói là khó bậc nhất của ghép tạng, với những đòi hỏi khắt khe về cả trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật. Càng khó thì các y bác sĩ càng nỗ lực làm bằng được để giành giật sự sống cho nhiều em bé”, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật, BV Nhi Trung ương chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Thực tế nhu cầu ghép gan của bệnh nhi rất lớn do trẻ mắc nhiều bệnh lý khác nhau. Có đến 70-80% tổng số ca ghép gan ở BV Nhi TW do bệnh nhi bị xơ gan ứ mật. Còn lại là các trường hợp trẻ bị rối loạn chuyển hóa, mắc các bệnh lý ác tính như ung thư gan, ung thư đường mật. Thậm chí có trường hợp trẻ bị ngộ độc do uống nhầm thuốc, mà hay gặp nhất là trẻ em bị ngộ độc thuốc Paracetamol khi uống quá liều dẫn đến hôn mê phải ghép gan cấp cứu.
“Trước mỗi ca ghép gan, chúng tôi phải tính toán đủ đường, ở cả phía người cho và người nhận gan”, PGS Hiền cho biết. Về phía người cho, sẽ có 2 nguồn gan hiến từ người chết não và từ người hiến sống. Khi không có nguồn gan hiến từ người chết não, hoặc có nguồn gan nhưng không phù hợp với bệnh nhi, thì chủ yếu sẽ lấy gan từ người hiến sống để ghép, thường là bố mẹ và người thân của bệnh nhi. Ở các nước tiên tiến trên thế giới cũng vậy, khi không có nguồn gan hiến từ người chết não, khi tính mạng bệnh nhi đang ngàn cân treo sợi tóc thì cha mẹ thường hiến gan cho con. Bệnh nhi còn nhỏ, có bé chỉ nặng 6-7kg nên chỉ nhận được một phần gan hiến. Do đó, các bác sĩ tiến hành chia gan hiến, thường lấy thùy gan trái của người lớn để ghép. Cuộc ghép gan cho bệnh nhi là một cuộc chiến cân não, bởi các cấu trúc mạch máu, đường mật của trẻ rất bé, non nớt và dễ sang chấn, được nối dưới kính lúp hoặc kính hiển vi điện tử. Do đó, ghép gan nhi đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, phải có kiến thức chuyên sâu về ngoại nhi.
“Chúng tôi phải giải thích cho các bố mẹ lợi ích của việc ghép gan, bởi nếu không ghép thì không cứu được em bé. Nhưng phải đảm bảo rằng gan của người cho sau hiến cũng khỏe mạnh. Ví dụ người bố hiến một phần gan cho con, mà bố là lao động chính trong gia đình. Sau khi hiến gan cho con, bố lại bị chảy máu, suy gan, dò mật, nguy hiểm đến tính mạng thì ai sẽ là người nuôi con”, PGS Nguyễn Phạm Anh Hoa giải thích.
Trước khi phẫu thuật, phải tiến hành siêu âm, chụp cắt lớp, dựng hình để tính toán rất kĩ xem người cho và người nhận gan có hợp nhau về nhóm máu, nhóm miễn dịch, về kích thước gan, mạch máu hay không. Phải xác định trước các nguy cơ có thể xảy ra trong và sau ghép để cùng tìm các giải pháp tốt nhất vượt qua các nguy cơ đó.
Ê-kíp thực hiện một ca ghép gan gồm chuyên gia ở các khoa gan mật, ngoại tổng hợp, gây mê, hồi sức ngoại, trung tâm xét nghiệm cận lâm sàng, ngân hàng máu, chẩn đoán hình ảnh,… Phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình để đạt kết quả tối ưu. Sau ghép gan, các y bác sĩ phải theo dõi, hướng dẫn người nhà bệnh nhi tuân thủ tuyệt đối các quy trình bác sĩ đưa ra. Khi tái khám định kỳ cho bệnh nhi phải làm xét nghiệm để đánh giá chức năng của khối ghép có tốt hay không, siêu âm lại xem các mạch máu, đường mật có “chạy” tốt hay không, em bé lên cân thế nào, có cần phải điều chỉnh thuốc không… Việc viết thu hoạch, đánh giá lại kết quả, rút kinh nghiệm ngay sau mỗi ca ghép gan và sau tất cả các ca ghép được các y bác sĩ trong ê-kíp thực hiện nghiêm túc nhằm nâng cao trình độ ghép gan.
PGS.TS Phạm Duy Hiền đánh giá các ca ghép gan nhi tới thời điểm này đều có kết quả tốt. Sức khỏe của trẻ sau ghép diễn biến tốt, chức năng khối ghép dần ổn định, có trường hợp trẻ ghép gan về sau không cần phải dùng thuốc thải ghép. Nhờ đó, ngày càng nhiều bệnh nhi được hồi sinh nhờ sự quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ BV Nhi Trung ương cùng sự yêu thương của gia đình, người thân đã hiến một phần gan để cứu sống con mình.