Điều kỳ diệu trong lồng ấp và sứ mệnh hồi sinh trẻ sinh non
Những đêm trắng canh từng nhịp tim hay giây phút hạnh phúc khi một em bé được cai máy thở là cảm xúc thường trực ở Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Hơn 14h, Trung tâm Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM, nhộn nhịp tiếng bước chân của nhân viên y tế và thân nhân.
Nơi đây chứng kiến những chuỗi ngày căng thẳng đến nghẹt thở của nhân viên y tế trong cuộc giằng co “sinh - tử”. Họ nỗ lực bảo vệ những em bé sinh cực non, sức đề kháng kém trước vô vàn bệnh lý nguy cơ.
Sinh non tháng, những em bé sinh cực non chịu nhiều thiệt thòi, đối diện hiểm nguy ngay từ khi cất tiếng khóc đầu đời. Đội ngũ y tế Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, không đơn thuần là cán bộ y tế chuyên môn, họ là những ông bố, bà mẹ của những em bé sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non.
Chuyện về em bé nặng 860 gram
Khi nhịp sống bên ngoài còn đang hối hả, khi những nhân viên y tế tất tả ngược xuôi với sứ mệnh ươm mầm sống, bên trong chiếc lồng kính, một cuộc “chiến đấu” với số phận cũng đang diễn ra.
Nhiều người gọi em là “hạt tiêu”, bởi cân nặng chỉ vỏn vẹn 860 gram. Bé được Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, đón nhận và điều trị do sinh non 25 tuần 5 ngày.
“Khoảnh khắc bé sinh non được cai máy thở, tăng cân, chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của chúng tôi”, BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - trải lòng khi nhìn ngắm “chiến binh nhí” ngủ ngoan trong lồng kính tại phòng Hồi sức sơ sinh (NICU).
Vài lần mỗi ngày, bác sĩ Hạnh tranh thủ thay trang phục vô trùng, rửa tay kỹ lưỡng, bước vào khu NICU để theo dõi quá trình phục hồi của những bé sinh non. Chị dừng lâu hơn tại lồng kính của trẻ sinh cực non, trong đó có “hạt tiêu”.
“Mỗi em bé sinh non đều là chiến binh nhí dũng cảm”, bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Do nguy cơ dọa sinh non, mẹ của “hạt tiêu” được khuyên đến theo dõi thai kỳ tại Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Suốt thai kỳ, thai phụ và thai nhi được chăm sóc từng li, từng tí trong điều kiện tốt nhất, dưới sự phối hợp của bác sĩ Trung tâm Sơ sinh.
“Chúng tôi đã theo dõi em bé từ giai đoạn bào thai và tiên lượng những nguy cơ sinh non có thể xảy ra ở trẻ này. Tất cả đều được chuẩn bị sẵn sàng, cả trang thiết bị máy móc lẫn lực lượng chuyên môn, trấn an tâm lý cho người nhà”, bác sĩ Hạnh kể lại.
Đúng như dự lượng, sau khi sinh, bé được các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, lập tức đưa về khu Hồi sức sơ sinh. Quãng đường di chuyển nhanh chóng bởi phòng sinh - phòng mổ và Trung tâm Sơ sinh được thiết kế nằm ngay cạnh nhau.
Do gặp tình trạng suy hô hấp, bé được cho thở máy và bơm thuốc trợ phổi. Thế nhưng chỉ sau 2 ngày cai máy thở, “hạt tiêu” không thể tự thở tự nhiên.
“Đây là thời điểm rất khó khăn, chúng tôi phải hội chẩn nhiều lần. Bởi nếu đặt ống thở lần hai, nguy cơ trẻ có thể không cai được máy, lúc này sẽ có nguy cơ viêm phổi bệnh viện, bệnh phổi mạn. Nhưng để bé gắng sức kéo dài là điều càng không thể. Sau khi thông báo với người nhà, họ bình tĩnh và tin tưởng tuyệt đối vào quyết định của chúng tôi”, bác sĩ Mỹ Hạnh nói.
May mắn, bé đáp ứng tốt với điều trị thở máy lần hai và diễn tiến khả quan hơn. Sau một tuần, bé cai máy thở thuận lợi, được thở máy không xâm lấn. Bé cũng được nuôi ăn qua đường tiêu hóa, tăng cân tốt hơn.
“Trong khoảnh khắc đó, mọi áp lực đều tiêu tan, niềm hạnh phúc của những bố mẹ và nhân viên y tế chỉ đơn giản như thế”, nữ bác sĩ vui mừng nói.
“Hạt tiêu” chưa phải là trẻ sinh non có cân nặng nhẹ kỷ lục được điều trị khỏe mạnh tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Nhưng nhờ kinh nghiệm chuyên môn vững vàng và sự phối hợp nhịp nhàng của đội ngũ nhân viên y tế Trung tâm Sơ sinh, thời gian điều trị cho em được rút ngắn tối đa.
Mỗi hành trình cứu sống một bé sinh non tháng là sự kỳ diệu và nỗ lực quên ngày đêm của nhân viên y tế Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Hành trình kỳ diệu của những em bé “vài trăm gram”
Với kinh nghiệm và tuổi nghề dày dặn, đội ngũ chuyên gia Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, đã được các đơn vị, người dân khắp mọi miền đất nước gửi gắm thai phụ dọa sinh non hoặc chuyển trẻ sinh non đến chăm sóc, điều trị.
Trước đó, từ bệnh viện quốc tế, một em bé được “chuyển viện từ trong bào thai” đến Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Nhờ được chuyển viện an toàn cùng phác đồ “phút vàng” (biện pháp kỹ thuật cao cấp được thực hiện ngay trong những phút đầu tiên sau khi bé chào đời), em bé sinh cực non chỉ hơn 700 gram đã được nuôi sống.
Sau 3 tháng điều trị, trẻ khỏe mạnh, được trao về vòng tay của bố mẹ. Quá trình phát triển của bé cũng không ghi nhận di chứng bất thường.
Trước đó, bé sinh non nặng 1,3 kg cũng được chuyển đến Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, từ một bệnh viện sản lớn tại TP.HCM sau hơn 2 tháng không cải thiện tình trạng viêm phổi nặng, bị biến chứng não úng thủy do nhiễm trùng sơ sinh.
Bé được cứu sống trong gang tấc nhờ hệ thống máy móc tiên tiến và khu điều trị vô trùng, quan trọng nhất là chuyên môn vững vàng của bác sĩ Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Mới đây, một bé sinh non cũng được chuyển đến từ bệnh viện sản khoa khác tại TP.HCM. Bé đang được chăm sóc tại khoa Sơ sinh trong quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, tiên lượng hồi phục rất khả quan.
Những trường hợp này chính là chứng minh cho nỗ lực của bác sĩ Mỹ Hạnh cũng như đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Nỗ lực vì sứ mệnh chăm sóc trẻ sinh non
Thực tế, những ca bệnh từ đơn vị khác chuyển đến, bao gồm dọa sinh non hoặc trẻ sinh cực non, đều đặt bác sĩ trong tình huống khó khăn lẫn áp lực. Tuy nhiên, sự từ chối hay nản lòng chưa bao giờ là được thốt lên tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Mỗi em bé sinh non như một chiến binh trong hành trình của chính mình, nhưng em bé không thể chiến đấu đơn độc. Yếu tố chất lượng của cơ sở vật chất y tế cũng như chuyên môn của y bác sĩ chính là “trợ thủ” giúp các em thêm kiên cường.
“Chúng tôi có đầy đủ yếu tố thuận lợi nhất, đặc biệt là cơ sở vật chất được đầu tư ngang tầm quốc tế, chất lượng về con người lẫn tâm huyết của chủ đầu tư đã giúp các y bác sĩ đủ tự tin để điều trị cho những trường hợp này”, BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh chia sẻ.
Tất cả bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, đều xuất thân từ các bệnh viện nhi lớn, dày dặn kinh nghiệm. Không những thế, đội ngũ này vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu để cập nhật kiến thức mới nhất trên thế giới, xây dựng phác đồ điều trị tốt nhất cho trẻ sinh non.
BVĐK Tâm Anh TP.HCM trang bị hệ thống chuyển viện lồng ấp đa năng thông minh có máy thở. Đây là phương tiện chuyển viện trẻ sơ sinh hiện đại ít bệnh viện nào có được. Lồng ấp đa năng này đảm bảo bé hô hấp tốt, giữ ấm xuyên suốt quá trình di chuyển.
Hiện tại, Tâm Anh cũng là nơi đầu tiên có thế hệ máy thở phiên bản tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Lồng ấp và giường sưởi cũng là thế hệ hiện đại nhất. Đặc biệt, quy trình chống nhiễm khuẩn tuyệt đối với hệ thống nguồn nước RO là niềm tự hào của đội ngũ Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
“Một số bệnh viện nhi khác cũng được trang bị khá đầy đủ, nhưng một mô hình hoàn chỉnh theo chuẩn quốc tế thì chưa nơi nào đạt được. Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, những gì tốt nhất trên thế giới theo đề nghị của bác sĩ đã được lãnh đạo bệnh viện đáp ứng”, bác sĩ Hạnh tự hào nói.
Với sự lãnh đạo sáng suốt, linh động của TS.BS Cam Ngọc Phượng - vị thuyền trưởng của Trung tâm Sơ sinh và cũng là vị chuyên gia đầu tiên đưa phác đồ “giờ vàng, phút vàng cứu trẻ sinh non” về Việt Nam, trong tương lai, Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, sẽ còn phát triển hơn nữa, đặt mục tiêu trở thành Trung tâm Sơ sinh hàng đầu khu vực phía Nam và sẵn sàng ngang tầm quốc tế.
“Mục tiêu của chúng tôi là điều trị cho trẻ sơ sinh có tình trạng bệnh lý nặng và chăm sóc trẻ sinh cực non. Quan trọng là tập trung chăm sóc tốt nhất, đảm bảo không chỉ là cứu sống mà còn giúp các em phát triển một cách bình thường sau này. Bởi các con xứng đáng có tương lai tốt đẹp như những trẻ bình thường”, bác sĩ Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM - tâm huyết nói.
Đôi khi bác sĩ phải đối mặt nhiều trăn trở, cả về yếu tố chi phí điều trị lẫn áp lực phía gia đình. Tuy nhiên, với người bác sĩ, đặc biệt bác sĩ Trung tâm Sơ sinh, khi đối tượng khách hàng của họ chỉ non nớt như chồi xanh, mọi đắn đo đều được gạt bỏ sau cánh cửa phòng bệnh.
Hơn tất cả, hơi thở mạnh hơn từng phút, sự hồi phục và tăng cân từng ngày của những em bé sinh non chính là sức mạnh và động lực để các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, tiếp tục cống hiến, hoàn thiện hơn nữa cho sứ mệnh đặc biệt.