Diệu kỳ Xuân phương Nam
Nếu như cái rét ngọt chớm xuân vừa đủ làm cho đôi má thiếu nữ ửng màu hoa đào là nét đặc trưng làm nên phong vị Tết miền Bắc thì sắc mai vàng, màu nắng mật chính là nét kỳ diệu của mùa Xuân miệt vườn ở phương Nam…
Em nói, nỗi nhớ Tết quê mình lạ lắm, nhiều khi cứ da diết, đắm say nhung nhớ ngay cả khi đang sống trong lòng nó. Như năm nay, em đang về quê mẹ ăn Tết mà sao lòng vẫn dào dạt nhớ nhung. Phải chăng em đang nhớ những cái Tết xưa trong ký ức?
Em bảo, Tết miền Tây rậm rịch bắt đầu từ tháng Chạp, khi các gia đình lục tục đi tuốt lá mai để cây trổ bông đúng Tết. Nhưng không khí tết nhất chỉ thực sự náo nhiệt và sôi động từ những ngày 23 tháng Chạp, khi các nhà đã hoàn tất việc làm cỗ tiễn ông Táo về trời. Lúc này cũng chỉ còn có một tuần là sang năm mới bảo sao mà không cập rập? Thời gian chẳng đợi ai. Vậy nên những chuyến xe chở những người con xa quê cứ hối hả mang tình yêu, nỗi nhớ về quê mẹ để cái Tết được đủ đầy, sum họp.
Nếu như người dân miền Bắc chơi đào, chơi quất dịp Tết đến Xuân về thì với người dân miền Tây Nam Bộ quê em, Tết hiện hữu bằng chậu mai vàng rực và những chậu bông vạn thọ nở bừng bừng bên hiên.
Cây mai vàng với sức sống bền bỉ thể hiện khát vọng vững vàng theo năm tháng, vươn sức sống để đâm chồi nảy lộc, là nét tượng trưng cho phẩm chất nhẫn nại, kiên trì và can đảm trước mọi khó khăn thử thách. Bông mai vàng tượng trưng cho vẻ đẹp sang trọng, cao quý, như thành quả rực rỡ sau những nỗ lực phấn đấu. Còn cúc vạn thọ tượng trưng cho tuổi thọ, sức khỏe dồi dào.
Ngày Tết, ngoài mai và cúc để chơi kiểng, trên bàn thờ gia tiên của người dân Nam Bộ quê em bao giờ cũng có mâm ngũ quả với đầy đủ mãng cầu, dừa, đu đủ, sung, xoài… tượng trưng cho mong muốn thịnh vượng.
Theo như cách nói bây giờ thì mâm ngũ quả đó là thể hiện mong muốn của gia chủ: “cầu vừa đủ xài” (từ dừa phát âm người miền Nam hiểu nghĩa là vừa) hoặc “cầu vừa đủ sướng” (sung là sung sướng). Tất nhiên, còn phải kể đến cặp dưa hấu đỏ hoặc vàng thì mới đủ năm loại quả thờ (ngũ quả).
Cỗ Tết của người Nam Bộ thì rất phong phú tùy theo gia cảnh và phong tục hoặc khẩu vị nhưng tựu trung có 3 món không thể thiếu là thịt kho tàu, bánh tét và dưa kiệu.
Tết ở miệt vườn giản dị hơn nhiều so với phố thị nhưng sự đầm ấm, vui tươi thì không hề kém. Nếu như ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đều có đường hoa, hội hoa xuân nổi tiếng với quy mô lớn thì miệt vườn cũng có những chợ hoa, cồn hoa nhỏ thôi nhưng cũng đủ đẹp và rực rỡ để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa cảnh hoặc nhu cầu thăm thú, check-in.
Vài năm gần đây, dân thành phố và du khách có xu hướng du xuân miệt vườn Nam Bộ. Không chỉ khách, người dân miệt xứ cũng bắt theo “trend” khi một số đầu tư làm du lịch nhà vườn, số khác tự thưởng cho mình chuyến du xuân vui vẻ.
Ngày Xuân thong dong, còn gì tuyệt vời hơn khi vừa được ngắm chợ nổi nhộn nhịp trên sông Hậu, đi dưới vườn cây trĩu quả thưởng thức trái cây miệt vườn nức tiếng thơm ngon…
Đặc biệt, sau chuỗi ngày triền miên cỗ bàn ngày Tết, không gì sung sướng hơn khi được thưởng thức một bữa tiệc ngọt ngào hương vị đồng quê với những món ăn dân dã như ốc, ếch, lươn, chuột đồng hay lẩu mắm cá đồng… Giữa không gian hương đồng cỏ nội, nhấp môi một xị gụ nhỏ cũng đủ để vui quên lối về…
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ket-noi/dieu-ky-xuan-phuong-nam-488872.html