Điều Mỹ lo lắng về Global Hawk thành sự thật
Những lo lắng của Mỹ sau khi một chiếc RQ-4 Global Hawk bị Iran bắn hạ và thu hầu hết các bộ phận hồi tháng 6/2019 gần như đã thành hiện thực.
Truyền thông Iran vừa gây bất ngờ khi công bốn hình ảnh đang vận chuyển phần thân sau của một chiếc máy bay mới có thiết kế và kích thước giống hệt máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ từng bị Iran bắn rơi trên Vịnh Ba Tư.
Đánh giá về hình ảnh được tiết lộ, chuyên gia quân sự Mỹ Thomas Newdick cho biết, đây là phần thân sau của chiếc máy bay rất giống với Global Hawk nhưng không thấy có dấu hiệu của hệ thống động cơ được trang bị.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng đây có thể là một thành phần cấu trúc riêng biệt mà động cơ chưa được lắp ráp.
Ngoài ra, cánh tản nhiệt cùng các bánh lái có thể di chuyển được thiết kế thẳng đứng hơn trên nguyên bản máy bay của Mỹ. Sự khác biệt này có thể phục vụ việc di chuyển trên đường dễ dàng hơn.
Hiện cả Không quân Mỹ và quân đội Iran vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về sự xuất hiện phần thân sau của chiếc máy bay được cho là bản sao từ Global Hawk.
Máy bay không người lái hạng nặng RQ-4 Global Hawk trở thành phương tiện trinh sát tầm xa của Không quân Mỹ trong tất cả các khu vực xung đột có lực lượng Mỹ tham gia trong gần 20 năm qua từ Trung Đông, Afghanistan, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Phi.
Nhưng ngay sau khi bị Iran bắn hạ hồi tháng 6/2019 và thu được hầu hết các bộ phận, Bộ Quốc Mỹ đã thông báo về kế hoạch khá bất ngờ, bước đầu sẽ có 2/3 số lượng UAV Global Hawk (21 trong tổng số 35 chiếc) bị cho nghỉ hưu sớm.
Đây là quyết định rất khó khăn của các nhà lãnh đạo Mỹ bởi hiện nay, RQ-4 đang là phương tiện trinh sát chủ lực của Mỹ và giá thành mỗi chiếc bằng 2 tiêm kích tàng hình F-35.
Quyết định được đưa ra nhưng người Mỹ không có một lời giải thích rõ ràng nào về nguyên nhân thực sự cho quyết định của mình. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sự cố Global Hawk bị Iran bắn hạ và thu được những thành phần quan trọng có liên quan trực tiếp đến số phận của phi đội RQ-4.
Và kịch bản này tương tự với trường hợp của chương trình UAV tuyệt mật khác của Không quân Mỹ là RQ-170 và Iran vẫn là thủ phạm. Chiếc RQ-170 bị Iran dùng đòn tấn công áp chế điện tử thu giữ hồi năm 2011.
Kể từ khi chiếc RQ-170 bị Iran thu giữ, các chuyên gia hàng đầu nước này đã bắt đầu nghiên cứu thiết kế khí động học tàng hình của loại UAV thuộc hàng bí mật số 1 này của Không quân Mỹ. Trong tháng 2/2013, một đoạn video đã cho thấy rằng Iran đã truy cập được một số dữ liệu được lưu bên trong chiếc máy bay với mệnh danh "Quái thú Kandahar" RQ-170.
Sau một vài tuyên bố không có căn cứ, các hình ảnh được Iran tiết lộ là bằng chứng đầu tiên cho thấy rằng, họ đã tìm được một điều gì đó thú vị như các ổ đĩa cứng nằm bên trong chiếc UAV.
"Tất cả bộ nhớ và hệ thống máy tính của máy bay này đã được giải mã và một số tin tốt đã được công bố, không chỉ RQ-170 mà còn cả việc các lực lượng của chúng tôi đã thực hiện xong việc đảo ngược kỹ thuật của chiếc máy bay không người lái này", Phó Tư lệnh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khi đó là ông Hossein Salami nói với hãng thông tấn Fars News.
Hiện Iran đã sản xuất thành công loạt UAV tương tự chiếc RQ-170 và chúng đã từng xuất hiện trên chiến trường Syria nhưng không rõ có tham gia làm nhiệm vụ hay không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, sau khi bản sao RQ-170 được công bố, Mỹ gần như đã ngừng toàn bộ chương trình RQ-170 để đảm bảo an ninh dù đây là chương trình vũ khí mang nhiều kỳ vọng của Lầu Năm Góc.
Sau RQ-4 Global Hawk và RQ-170, lực lượng IRGC cũng dùng đòn áp chế ép hạ cánh thành công và thu giữ ít nhất một chiếc UAV RQ-11, một chiếc Scan Eagle và một chiếc máy bay tấn công không người lái hạng nặng RQ-9 - tất cả đều của Mỹ. Đây rõ ràng là thiệt hại quá lớn với Mỹ.
Và sự lo lắng của người Mỹ ngay từ khi RQ-4 Global Hawk bị bắn hạ thành hiện thực khi Iran tiết lộ một phần chiếc UAV cỡ lớn đang phát triển giống hệt RQ-4.