Điều ngỡ ngàng từ kết luận thanh tra dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2
Kết quả thanh tra dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức vừa được công bố khiến mọi người phải ngỡ ngàng.
Không phải là những thiệt hại khủng khiếp đã gây ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mà chính cái cách để xảy ra sai phạm mới là điều khiến cho không ít người bất ngờ.
Hầu như tất cả sai phạm đều lộ thiên
Dự án chưa được phê duyệt đã có chủ trương thuê tư vấn nước ngoài (một cách có chủ đích), đơn vị tư vấn lập dự án công ty VK Group (Vương quốc Bỉ) đã được xác định khi chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu…
Theo Thanh tra Chính phủ, việc trình, phê duyệt kế hoạch tuyển chọn, kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc 2 dự án cũng có những vi phạm nghiêm trọng.
Qua thanh tra cũng cho thấy, việc lập, thẩm tra chi phí thuê tư vấn nước ngoài lập dự án trong dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư cũng không có cơ sở, cao hơn nhiều lần tính theo định mức quy định…
Hầu như tất cả các sai phạm này đều lộ thiên, đơn giản và dễ hiểu mà bất cứ một người dân bình thường nào cũng có thể nhận thức được.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Phủ Lý, Hà Nam) có tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng sau 6 năm khánh thành nay vẫn bị bỏ hoang. Ảnh: Trọng Tùng
Cứ ngỡ công trình nghìn tỷ bị hoang phí là do những khó khăn từ cơ chế chính sách nào đó, điều mà người ta vẫn viện cớ đổ lỗi, nhưng hóa ra sai phạm và hậu quả lại xuất phát ngay từ trong quá trình triển khai dự án, những quy định có thể gọi là tối thiểu của Nhà nước đã không được chấp hành nghiêm túc.
Chưa nói đến những biểu hiện vụ lợi rồi đây sẽ được cơ quan điều tra làm rõ nhưng những sai phạm rõ ràng đã được chỉ ra đã nói lên thói vô trách nhiệm, sự cẩu thả và kể cả sự vô cảm khi sử dụng những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân mà Nhà nước đang phải chắt chiu, tính toán dành cho đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội.
Có một thực tế đáng lo ngại từ trước đến nay qua hoạt động thanh tra là: Tìm ra sai phạm khó 1 thì kết luận trách nhiệm để xảy ra sai phạm đó thuộc về ai khó gấp 10 và xử lý người có trách nhiệm còn khó hơn cả trăm lần!
Điều này thường được giải thích rằng những dự án, công trình bỏ hoang, đội vốn, lãng phí kém hiệu quả phần lớn được thực hiện qua nhiều năm, với quá nhiều cơ quan tham gia và qua nhiều “đời lãnh đạo”.
Đó là cách nói xuê xoa, qua chuyện mà thôi, bởi vì dự án, công trình quy mô nào cũng có và được lưu lại đầy đủ hồ sơ tài liệu, trong đó có ý kiến tham mưu, phê duyệt, quyết định… của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm, thông qua những thủ tục chặt chẽ được quy định trong các văn bản pháp luật.
Ai, làm gì, khi nào và làm như thế nào đều có thể dễ dàng xác định.
Đã chỉ rõ những “địa chỉ”
Không thể phủ nhận rằng việc nhận định, đánh giá trách nhiệm của một người trong một công việc cụ thể nào đó với nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động không phải là điều dễ dàng. Nhưng không thể đổ lỗi cho cơ chế hay sự thiếu vắng các quy định mà dẫn tới việc không thể kết luận và xử lý những người có hành vi vi phạm.
Điều đáng mừng là kết luận thanh tra lần này đã chỉ rõ những “địa chỉ” của sự vi phạm một cách rành rẽ và cụ thể cũng như tính chất, mức độ và hậu quả của các sai phạm đó. Điều này đáp ứng yêu cầu ngày càng “mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” của hoạt động quản lý nói chung và công tác thanh tra nói riêng trong điều kiện tinh gọn bộ máy tổ chức.
Pháp luật chỉ thực sự hiện diện khi đi cùng các quy định là biện pháp bảo đảm thực hiện, trong đó có việc xử lý trách nhiệm (hành chính, hình sự…) khi xảy ra vi phạm.
Không phải tự nhiên Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phải coi chống lãng phí “tương đương với phòng, chống tham nhũng” mà một trong những biện pháp cụ thể là “đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Tinh thần chỉ đạo đó đã được quán triệt, thực hiện và phát huy hiệu quả tức thì, ngay sau khi có lời hiệu triệu của Tổng Bí thư về phòng, chống lãng phí, một trong 7 nhiệm vụ, giải pháp để đất nước chuyển mình bước sang kỷ nguyên mới.
Ngày 15/1, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng và 9 bị cáo khác liên quan vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" được xác định là hơn 55,8 tỷ đồng tại dự án Hạc Thành Tower, quy định tại khoản 3, điều 219, Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo đã chịu những bản án hình sự nghiêm khắc và điều quan trọng là phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại do những hành vi gây thất thoát, lãng phí gây ra.
Đó là những vụ việc thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí nhằm bảo vệ tài sản công, bảo vệ nguồn lực cho sự phát triển đất nước và lấy lại niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới.
Người dân đang mong chờ việc xử lý trách nhiệm trong thời kỳ “hậu thanh tra” dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức đối với những tập thể và cá nhân đã để xảy ra lãng phí.
Việc xử lý không chỉ có mục đích trừng phạt, mà quan trọng hơn, nó sẽ là lời cảnh báo nghiêm khắc có tác dụng phòng ngừa hiệu quả cho những người được giao quản lý, sử dụng tài sản, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, chống “căn bệnh trầm kha” lãng phí tài sản công đã tồn tại từ rất nhiều năm nay.