Điều tiết cung - cầu lao động

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế là điểm nhấn quan trọng trong năm 2023

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường nhưng thị trường lao động, việc làm trong nước những ngày đầu năm tương đối ổn định, dự báo sẽ sớm phục hồi, nhất là từ nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Chính phủ cần có chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm.

Tuyển số lượng lớn

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước đang bước vào cuộc đua tuyển lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Hiện không chỉ đơn hàng phổ thông mà những đơn hàng cao cấp, yêu cầu phức tạp cũng đang được các đối tác chuyển sang Việt Nam. VITAS dự báo thị trường sẽ sớm phục hồi vào quý II và III/2023 và các đơn hàng tăng trở lại. "Do vậy, nhiều DN ngay từ đầu năm đã tuyển dụng thêm nhân lực chất lượng, đáp ứng các đơn hàng cao cấp từ phía đối tác" - đại diện VITAS cho hay.

Thị trường lao động khởi sắc ngay từ những ngày đầu năm mới

Thị trường lao động khởi sắc ngay từ những ngày đầu năm mới

Nhằm hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, người lao động (NLĐ) tìm kiếm việc làm sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Hà Nội ngày 9-2 đã phối hợp với trung tâm DVVL 9 tỉnh, thành: Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức phiên giao dịch việc làm (GDVL) trực tuyến. Sự kiện này có 158 DN tham gia tuyển dụng 55.759 lao động. Riêng Bắc Giang có nhu cầu tuyển 44.789 người.

Tại phiên GDVL đầu năm do Trung tâm DVVL TP Đà Nẵng tổ chức, 82 DN đăng ký tham gia tuyển hơn 4.850 lao động. Trong đó, lao động phổ thông chiếm gần 2.400 vị trí; còn lại, gần 1.500 vị trí yêu cầu trình độ từ sơ cấp đến đại học. Đa số DN tuyển dụng thuộc các lĩnh vực may mặc, công nghệ, dịch vụ…

Tại TP HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết tính hết ngày 1-2, toàn thành phố có hơn 94% DN hoạt động trở lại, với số lượng lao động đạt trên 98%. Qua khảo sát, 499 DN có nhu cầu tuyển trong quý I hơn 14.300 lao động, trong đó lĩnh vực may mặc - da giày 5.000 lao động, điện - điện tử 2.200 lao động, hóa nhựa 800 lao động... Trong tháng 2 này, Trung tâm DVVL thành phố tổ chức sàn GDVL trực tuyến kết nối các tỉnh ĐBSCL, Trung tâm DVVL Thanh niên TP HCM phối hợp các đơn vị trên địa bàn tổ chức chương trình "Tiếp sức NLĐ"...

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, có hơn 85% DN hoạt động trở lại, trên 93% NLĐ đã quay lại làm việc. Sau Tết, Bình Dương ghi nhận hơn 150 DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 15.000 lao động.

Ưu tiên lao động có tay nghề

Ngay từ ngày làm việc đầu năm sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu tất cả đơn vị thuộc ngành, trong năm 2023 và những năm tới cần tập trung xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Cùng với đó, tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. "Hai vấn đề này phải tiến hành đồng bộ. Xây dựng thị trường lao động đúng nghĩa phải bắt đầu từ những việc nhỏ và hành động phải thật nhanh chóng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo dự báo của Bộ LĐ-TB-XH, trong quý I và II/2023, thị trường tiếp tục ghi nhận sự thiếu hụt về lao động, chủ yếu diễn ra ở những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, giày da, túi xách; một số ngành nghề có mặt hàng xuất khẩu và chủ yếu là ở DN có vốn đầu tư nước ngoài. Còn DN dân doanh và khu vực nhà nước sẽ không thiếu lao động. Các DN sử dụng lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề với nhu cầu tuyển mới khoảng 400.000 lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định thiếu lao động chủ yếu ở các DN phía Nam, nhất là tại TP HCM và các Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… Về cơ bản, thị trường lao động cả nước tương đối ổn định cả về quy mô và chất lượng. Tình trạng thiếu hụt lao động chỉ là cục bộ, do vậy việc điều tiết cung - cầu lao động cho phù hợp là vấn đề quan trọng trong lúc này.

Theo kháo sát của Navigos Group, trong thời gian tới, nhất là từ quý II năm nay, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng mạnh trong các ngành như: công nghệ thông tin, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kinh doanh - bán hàng; marketing; tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch; khách sạn...

Khôi phục thị trường lao động

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay, các DN tuyển dụng nhiều chỉ tiêu và lực lượng lao động tìm kiếm việc làm rất đông. Tình hình thị trường việc làm sau Tết sôi nổi, đã tăng hơn so với thời điểm cuối năm 2022. "Phiên GDVL ngày 9-2 có rất nhiều NLĐ tìm kiếm việc làm và các DN cũng đến để tuyển dụng ở hệ thống 15 sàn GDVL. Đây là tín hiệu tốt để khôi phục thị trường lao động, kết nối DN và NLĐ" - ông Thành nói.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/dieu-tiet-cung-cau-lao-dong-20230210193732433.htm