Điều tra lại án tử của Hồ Duy Hải vì hàng loạt mâu thuẫn trong chứng cứ
Hơn 10 năm bị kết án tử hình, việc điều tra lại sẽ làm sáng tỏ những tình tiết chưa được công bố của vụ án giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An)
VKSND Tối cao vừa kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã xét xử bị án Hồ Duy Hải tử hình về tội "Giết người", "Cướp tài sản", để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Người mẹ cạn nước mắt
"Hành trình 12 năm kêu oan của tử tù Hồ Duy Hải giờ đây bước sang một trang mới và nhiều hy vọng hơn" - luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP HCM), người tham gia hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, xúc động nói.
Luật sư Phong cho biết đầu tháng 11-2019, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) tìm đến ông với khuôn mặt tiều tụy để nhờ tiếp tục soạn đơn cầu cứu. Nhiều năm trước khi gặp bà Loan, ông liên tục thấy nước mắt người mẹ chảy dài nhưng gần đây dường như đã khô cạn. "Chị khóc thành tiếng nhưng không còn thấy nước mắt nữa. Có lúc chị quẫn trí tự tử để minh oan cho con trai. Đến trưa 2-12, chị Loan mới chính thức nhận được quyết định VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm liên quan đến vụ án con trai mình. Nhưng lần này, chị không ngất xỉu như những đợt trước. Chắc có lẽ chị vui trong mệt mỏi. Dẫu sao hành trình kêu oan đã có hồi âm" - luật sư Phong kể.
Theo ông, để có được ngày hôm nay người mẹ này đã vất vả hơn 11 năm với không biết bao nhiêu lần đón xe ra Hà Nội kêu oan. Ngày 23-11-2014 (trước thi hành án tử 12 ngày), ông nhận được cuộc gọi điện thoại từ bà, nói rằng chỉ còn vài ngày nữa sẽ phải nhận xác con. Nói chưa hết câu, đầu dây bên kia nghe tiếng xôn xao rằng bà đã ngất. Rối rắm, ông chẳng biết làm sao đành gọi điện thoại khắp nơi, trong đó nhờ sự hỗ trợ từ luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM. May sao sự tác động đó đã dẫn đến việc Chủ tịch nước yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ.
Một xúc cảm khác khiến ông nhớ mãi đó là ngày cận Tết âm lịch 2017 bỗng dưng nhận được cuộc gọi bất ngờ từ bà Loan. "Gia đình tôi vào thăm Hải. Nó buồn và hỏi "Chủ tịch nước minh oan con chậm vậy?". Rồi thắc mắc Huỳnh Văn Nén có người nhận tội còn Hải thì chẳng có ai. Trong cuộc gọi bà cứ khóc…" - luật sư Phong nói.
Theo luật sư Phong, bà Loan ít khi gọi trực tiếp cho ông mà chủ yếu là cô ruột của Hải. Nhưng lần này mẹ của tử tù chỉ muốn trải lòng với ông cho đỡ đau buồn và tiếng nấc nghẹn ấy khiến ông ám ảnh mùa Tết năm đó. Điều thôi thúc ông là khi thấy cảnh một thanh niên chỉ 23 tuổi hơn 11 năm tay tra vào còng, biệt giam hết tuổi thanh xuân. Trong khi người mẹ bán hết nhà cửa chạy vạy khắp nơi tìm cách cứu con.
Kháng nghị giống đơn kêu oan
Điều khiến ông vui mừng khi quyết định kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét trả hồ sơ điều tra lại. Những tình tiết nêu ra đề nghị cơ quan công an điều tra lại giống đến 90% đơn kêu oan của gia đình Hồ Duy Hải.
Theo luật sư Phong, tại kết quả giám định từng kết luận các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải. Đây được cho là tình tiết ngoại phạm và cần làm rõ nhất. Người có tên Nguyễn Văn Nghị qua lời khai của Cao Hoàng Tuấn Anh - người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng - cần được làm rõ. Đêm xảy ra vụ án, Nghị có đến Bưu điện Cầu Voi và cơ quan điều tra có lấy lời khai. Tuy nhiên danh sách nhân chứng lại không đưa vào. Tất cả các tình tiết liên quan đến người này đều rút khỏi hồ sơ vụ án.
Ngoài ra, theo đơn kêu cứu của gia đình Hải, có dấu hiệu bịa đặt ra lời khai của nhân chứng duy nhất Đinh Vũ Thường và dùng làm căn cứ kết tội. Trong bản cáo trạng kết tội Hồ Duy Hải viết: "Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện" tại thời điểm gây án. Nhưng khi xét xử, tòa án đã không hề triệu tập nhân chứng duy nhất và rất quan trọng này tham gia phiên tòa.
Trong biên bản ghi lời khai, nhân chứng Đinh Vũ Thường chỉ khai "nhìn thấy một thanh niên, và không thể nhận diện được". Làm việc với luật sư năm 2011, nhân chứng Đinh Vũ Thường khẳng định "không nhìn thấy Hồ Duy Hải tại hiện trường" như trong bản án và cáo trạng đã nêu. Cơ quan điều tra cũng không tiến hành nhận dạng và nhân chứng Đinh Vũ Thường cũng không hề quen biết Hồ Duy Hải thì làm sao có thể nhận ra đó là Hồ Duy Hải. Cơ quan điều tra kết luận Hồ Duy Hải đã dùng dao cắt cổ hai nạn nhân nhưng thực tế không thu được tang vật nào như vậy.
Diễn biến vụ án
Theo hồ sơ vụ án, ngày 13-1-2008, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị cắt cổ tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Tháng 3-2008, Hồ Duy Hải bị bắt và cơ quan công an xác định đây là hung thủ duy nhất của vụ án. Phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cùng tuyên Hải tử hình về tội "Giết người", "Cướp tài sản".
Ngày 24-10-2011, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.
Ngày 5-12-2014, TAND tỉnh Long An dự định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải. Trước đó 1 ngày, vào ngày 4-12-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu tạm dừng thi hành án.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dieu-tra-lai-an-tu-cua-ho-duy-hai-20191202230832313.htm