Điều tra: Người bán hàng rong bị 'làm luật' - Bài 2: Giáp mặt thanh niên chạy xe lôi thu tiền bảo kê

Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã đưa người tên Ninh về trụ sở để làm rõ việc các tiểu thương bị 'làm luật', đồng thời điều tra về hành vi cho vay lãi nặng của người này.

Đều đặn hằng tháng, nam thanh niên tên Hà Thọ Ninh thu tiền xe lôi, xe ba gác, xe đẩy của người bán hàng rong ở khu vực chợ mới Long Thành (thị trấn Long Thành, Đồng Nai) và người bán mặc định trả tiền để yên thân.

Khi giáp mặt với thanh niên này, Ninh cho biết mình cũng chỉ là một người bán hàng rong, thừa nhận việc đi thu tiền “làm luật”...

 Ngày 24-10, Ninh gặp và yêu cầu chúng tôi đóng tiền “làm luật”. Ảnh trong bài: MINH HẬU - MINH TRÍ

Ngày 24-10, Ninh gặp và yêu cầu chúng tôi đóng tiền “làm luật”. Ảnh trong bài: MINH HẬU - MINH TRÍ

Thu hộ “mấy ông”

Ngày 24-10, khi chúng tôi chạy xe lôi bán bưởi ở khu vực cửa Tây số 5, chợ mới Long Thành, Ninh cũng đang chạy xe lôi bán bí đỏ. Thấy chúng tôi, Ninh bước tới “làm luật”. “Cái này của “mấy ông” chứ có phải của em đâu” - Ninh nói.

Ninh tỏ ra biết điều, lịch sự khi xưng anh - em với chúng tôi và cho biết mình từng đi trại (tức đi tù) về. “Cái này là của người ta, chẳng qua mình đi lấy giùm thôi. Người ta không cho thì mình chịu... Anh em ở chợ thì chung chi giống như người ta cho nó dễ coi, có vậy thôi. Phải không? Cái này không phải của mình” - Ninh nói tiếp.

Ninh cho biết xe lôi của chúng tôi trước đây do một người khác đứng bán và đã đóng 1,5 triệu đồng nhưng không thể miễn. “Anh là người mới, do tháng đầu ra bán nên chỉ cần đóng 1 triệu đồng thôi” - Ninh nói và cương quyết không giảm tiền. Ninh chốt: “Hai xe này đóng 2 triệu đồng đi” dù chúng tôi có nài nỉ, phân bua thế nào.

Ninh thông báo tiền sẽ đóng vào ngày 15 hằng tháng, việc tìm chỗ đứng bán thì tự sắp xếp và chỉ ở xung quanh thị trấn Long Thành.

Ninh cũng nhắc nhở: “Đóng tiền thì đóng nhưng khi “mấy ông” đi xe tới thì mình tránh tránh tí. Nói chung vuốt mặt nể mũi. Lâu lâu “mấy ông” mới đi”.

Qua một lúc trò chuyện, Ninh cho biết Ninh bán ở chợ đã lâu, quê miền Trung.

“Ai cũng phải đóng, tháng nào cũng phải đóng. Đóng để lấy chỗ làm ăn... Đây là bảo kê chứ còn gì. Nó mới ăn đây thôi, từ hồi dịch” - một tiểu thương nói.

Dọa sẽ có người xuống xử lý

Nhiều người bán hàng ở chợ mới Long Thành cho biết nếu ra bán hàng mà không đóng tiền thì chỉ ba ngày là bị dẹp.

Hai ngày sau lần giáp mặt Ninh, lúc 8 giờ 30 ngày 26-10, khi chúng tôi chạy xe ba gác đến khu vực cửa Tây số 5, chợ mới Long Thành bán chuối, cam thì Ninh tấp ngay xe bán bí đỏ tới cặp hông, hỏi ngay: “Ông ở đâu đến bán?”.

Chúng tôi nói là từ huyện Định Quán, đem trái cây ế dưới quê lên bán thì Ninh nói luôn: “Bán ở đây 1 triệu rưỡi một tháng”.

Khi chúng tôi không đồng ý đóng tiền với lý do đã đóng 500.000 đồng cho người khác thì Ninh lấy điện thoại ra gọi cho ai đó. Qua điện thoại, Ninh hỏi: “Có thằng xe Hoa Lâm, bán chuối với cam nói đóng 5 xị rồi”. Sau đó, Ninh gằn giọng: “Ông đóng cho ai? Làm gì có chuyện bán ở đây mà đóng 5 xị?”.

Sau đó, có hai thanh niên cũng kéo xe bán hàng trong chợ như Ninh đến chửi đổng: “Ông nói láo. Chợ này làm gì có thằng nào đóng 5 xị. Đóng 5 xị ở đâu, tôi gửi cho ông 8 xị”.

Ngó qua các hình xăm của chúng tôi, Ninh cười khẩy, nói: “Toàn hình xăm đểu, thứ đó gặp tao hồi xưa, tao đập đầu”.

 Dù lực lượng chức năng đẩy, đuổi nhưng xung quanh chợ mới Long Thành luôn có nhiều xe lôi, xe ba gác bán hàng rong.

Dù lực lượng chức năng đẩy, đuổi nhưng xung quanh chợ mới Long Thành luôn có nhiều xe lôi, xe ba gác bán hàng rong.

Đóng tiền vẫn bị đuổi

Trước đó, ngày 24-10, chúng tôi đang đứng bán bưởi thì có một nhóm mặc đồ bảo vệ chợ cùng một người đàn ông mặc quần Tây, áo sơ mi cầm loa đi đẩy, đuổi vì đây là khu vực cấm tụ tập buôn bán.

Khi chúng tôi nói: “Em bán ở đây có đóng tiền cho anh Ninh” thì người đàn ông mặc đồ bảo vệ gắt giọng: “Ai đóng? Ông Ninh nào? Ai đóng tiền ở đây? Chỗ này không cho ai đóng tiền hết á. Ở đây có cho đóng tiền cho người dân bán nhưng 8 giờ sáng là dẹp hết”.

Trong lúc rời chợ, chúng tôi gặp Ninh cũng đang kéo xe bí đỏ nên hỏi: “Ủa anh, mình đóng tiền rồi cũng bị đuổi nữa hả?”. Ninh cười: “Đây là bảo vệ chợ mà”.

Một người đàn ông bán rau củ nghe vậy tỏ ra hiểu chuyện: “Đóng tiền là cho hội khác, hội đuổi lại là hội khác... Họ ăn rơ với nhau mà, không đóng là không xong đâu. Thằng kia (tức Ninh) có 2-3 xe gì đấy, chắc nó không phải đóng tiền…”. Lúc này, Ninh chạy xe qua nên người đàn ông bỏ lửng câu nói.

Bị “làm luật” từ hồi dịch

Việc người bán hàng rong bị thu tiền “làm luật” gần như công khai và nhiều người biết chuyện này. Họ cũng khẳng định nếu không đóng tiền, xe sẽ bị lực lượng chức năng đến bắt giữ. Một người đàn ông chạy xe lôi bán bắp tỏ ra rành việc, cho biết mình cũng phải đóng tiền như bao người.

Trong lúc chúng tôi bán chuối để thu thập thông tin thì một phụ nữ tới mua cho biết mình là người dân nhưng cũng biết các xe lôi bán ở đây phải đóng tiền. “Triệu rưỡi một tháng á” - người phụ nữ mua chuối cho biết. Chúng tôi ngạc nhiên: “Chuyện này chị cũng biết hả?” thì người phụ nữ nói: “Biết chứ, mấy người đi bán người ta nói”.

Tiếp xúc với nhiều người buôn bán bằng xe lôi, họ đều cho biết phải đóng tiền cho đúng người tên Ninh mới được. “Đừng đưa tiền cho thằng khác” - các tiểu thương dặn.

Những người bán hàng rong bằng xe lôi khẳng định họ chỉ phải đóng tiền mấy năm nay thôi. “Ai cũng phải đóng, tháng nào cũng phải đóng. Đóng cho nó để lấy chỗ làm ăn chứ đâu có luật nào cho thu đâu. Đây là bảo kê chứ còn gì. Nó mới ăn đây thôi, từ hồi dịch”.

Việc Ninh thu tiền “làm luật” tồn tại đã lâu và ngay sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp trao đổi thông tin, Công an huyện Long Thành đã đưa Ninh về trụ sở làm việc.

Công an huyện Long Thành đang đấu tranh làm rõ việc Ninh đứng ra thu tiền “làm luật” này.•

Công an huyện Long Thành đưa Ninh về trụ sở làm việc.

Công an huyện đã đưa người thu tiền “làm luật” vào diện quản lý, theo dõi

Ngày 21-11, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) lập hồ sơ, lấy lời khai đối với Hà Thọ Ninh (33 tuổi, quê huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) để làm rõ hành vi thu tiền “làm luật” của tiểu thương chợ mới Long Thành mà báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải.

Trong ngày, Công an huyện Long Thành đã khám xét nơi ở của Ninh tại một phòng trọ trên địa bàn huyện Long Thành.

Theo đại diện lãnh đạo Công an huyện Long Thành, trước đó, từ khoảng tháng 6-2023, qua nguồn tin trinh sát địa bàn, công an huyện đã phát hiện Ninh có hành vi cho vay lãi nặng.

Qua nắm tình hình, công an phát hiện Ninh còn có hành vi cưỡng đoạt tài sản của một số người dân buôn bán nhỏ, chạy xe ba gác, xe lôi tại khu vực chợ mới Long Thành, buộc mỗi người phải đóng cho mình từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng thì mới được buôn bán tại khu vực này.

Công an huyện đã đưa Ninh vào diện quản lý, theo dõi về hành vi cưỡng đoạt tài sản và cho vay lãi nặng.

Trong khoảng thời gian này, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu về hành vi của Ninh và biết Công an huyện Long Thành đang theo dõi Ninh nên chủ động phối hợp, cung cấp một số thông tin liên quan cho Công an huyện Long Thành phục vụ việc đấu tranh, xử lý đối với hành vi của Ninh.

Sau khi đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 20-11, Công an huyện Long Thành mời Hà Thọ Ninh đến làm việc. Bước đầu Ninh đã thừa nhận hành vi cưỡng đoạt tiền của các tiểu thương kinh doanh tại chợ mới Long Thành.

Công an đang mở rộng, làm rõ vụ việc.

Nguồn PLO: https://plo.vn/dieu-tra-nguoi-ban-hang-rong-bi-lam-luat-bai-2-giap-mat-thanh-nien-chay-xe-loi-thu-tien-bao-ke-post762730.html