Điều trị bệnh chân voi như thế nào?

Bệnh chân voi (phù chân voi) là biến chứng của nhiễm giun chỉ bạch huyết, căn nguyên do viêm tắc hệ thống bạch huyết ở chân, tay, bộ phận sinh dục, làm các bộ phận này sưng to dần, biến dạng quá mức...

Bệnh chân voi không lây trực tiếp từ người bị bệnh sang người lành mà phải qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Nếu muỗi đốt người bệnh và bị nhiễm ấu trùng, sau đó đốt người khác thì có thể lây bệnh sang người khác. Ấu trùng di chuyển đến mạch bạch huyết và phát triển thành giun tại đây.

Giun chỉ có thể trú ngụ trong cơ thể người từ 5 – 8 năm và sản sinh ra rất nhiều các ấu trùng giun, khiến mạch bạch huyết bị tổn thương và gây rối loạn hệ thống miễn dịch. Đồng thời thâm nhập ngược lại vào cơ thể muỗi nếu chúng đốt người bệnh. Vì vậy chúng ta cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe thường xuyên nhằm phát hiện sớm các bệnh lý và kịp thời điều trị.

1. Các phương pháp điều trị bệnh chân voi

1.1 Dùng thuốc chống ký sinh trùng

Một số thuốc tiêu diệt giun chỉ trong máu, nhằm ức chế sự lây lan của bệnh như:

Thuốc diethylcarbamazine (DEC)

Tác dụng: Thuốc diethylcarbamazine giúp tiêu diệt những ấu trùng giun chỉ trong máu bằng cách làm rối loạn quá trình chuyển hóa acid arachidonic trong những tế bào nội mô của vật chủ và ấu trùng. Điều này dẫn đến hiện tượng co mạch, kết tập bạch cầu hạt và tiểu cầu xung quanh các ký sinh trùng có màng đã bị tổn thương.

Tác dụng phụ: Có thể gặp một số tác dụng phụ như đau khớp, đau đầu, ngứa, sưng mặt/mắt, yếu/mệt mỏi bất thường.

Lưu ý: Không dùng thuốc cho những người có:

- Tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

- Bệnh ung thư vú.

- Bị tổn thương nghiêm trọng ở mắt gây ra bởi giun chỉ Onchocerca volvulus.

- Chống chỉ định tương đối cho người bị suy thận, tăng huyết áp, phụ nữ mang thai và cho con bú.

Người mắc bệnh chân voi thường có cánh tay/chân sưng to hơn nhiều so với bình thường.

Người mắc bệnh chân voi thường có cánh tay/chân sưng to hơn nhiều so với bình thường.

Thuốc ivermectin

Tác dụng: Thuốc được dùng trong điều trị nhiễm giun chỉ gây bệnh chân voi.

Tác dụng phụ: Có thể gặp một số tác dụng phụ như sốt đột ngột, phát ban, ngứa, khó thở, viêm gan cấp tính, làm thay đổi một số xét nghiệm (tăng men gan, tăng bilirubin trong máu, tăng bạch cầu ái toan), tiểu ra máu, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…

Lưu ý: Nên uống thuốc khi bụng đói và không ăn bất kỳ thứ gì trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc, bởi thức ăn có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc trong cơ thể.

Ngoài ra, việc sử dụng diethylcarbamazine kết hợp với ivermectin có hiệu quả cao hơn trong điều trị bệnh chân voi.

Thuốc albendazole

Tác dụng: Thuốc albendazole được dùng trong điều trị bệnh chân voi nhờ khả năng ức chế sinh sản của giun trưởng thành.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như sốt, đau đầu, chóng mặt, gan suy yếu, đau bụng, nôn ói, tóc rụng nhiều...

1.2. Liệu pháp phức hợp điều trị suy giảm (CDT)

Việc áp dụng CDT trong điều trị bệnh chân voi là để tăng thoát bạch huyết, giảm sưng, khó chịu, xơ hóa, nguy cơ viêm mô tế bào, từ đó giúp cải thiện chức năng cơ thể và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giai đoạn tấn công:

- Sử dụng kỹ thuật xoa bóp được gọi là thoát bạch huyết thủ công, băng bó ngắn, các bài tập để tạo và tăng cường cơ chế bơm bên trong, chăm sóc da và giáo dục trong việc tự quản lý.

- Chăm sóc da để ngăn ngừa nhiễm trùng, kiểm soát sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm, loại bỏ sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong các kẽ hở trên da, làm ẩm da để tránh khô và nứt nẻ da.

Giai đoạn duy trì:

- Sử dụng quần áo nén vào ban ngày, với các bệnh nhân ở giai đoạn nặng hơn buộc phải nén về đêm bằng cách băng bó hoặc thay thế bằng thiết bị nén và thiết bị nén tùy chỉnh.

- Xoa bóp và tập thể dục giúp điều trị duy trì phù bạch huyết.

1.3. Phẫu thuật

Tác dụng:Có thể thực hiệnmột số phương pháp phẫu thuật như nối tĩnh mạch với mạch bạch huyết hoặc cắt bỏ các mô mỡ, mô xơ thừa dưới da... trong những trường hợp bị chân voi có nguy cơ biến chứng cao, thường là ở vùng bìu.

Lưu ý: Phẫu thuật thường được tiến hành khi các phương pháp khác không giúp giảm triệu chứng. Phẫu thuật cắt bỏ hoặc gỡ rối và hút mỡ để giúp giảm các mô dư thừa, thường được dành cho những bệnh nhân có khả năng di chuyển kém và chất lượng cuộc sống bị giảm nghiêm trọng.

2. Lưu ý khi điều trị bệnh chân voi

- Việc điều trị có thể mất khoảng 8 tuần để loại bỏ tất cả các loại ký sinh trùng trong máu. Do đó, người bệnh cần kiên trì tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Có thể cần phải phối hợp thuốc trị giun sán với các thuốc chống viêm trong những trường hợp cần thiết và phối hợp các phương pháp điều trị với nhau sẽ làm tăng hiệu quả.

- Người bệnh không được tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi dùng thuốc cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Có cải thiện triệu chứng sưng viêm khó chịu, phục hồi chức năng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân bằng cách:

- Rửa và lau khô vùng bị sưng hàng ngày.

- Sử dụng kem dưỡng ẩm.

- Kiểm tra vết thương và sử dụng kem thuốc vào các vị trí bị đau.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Nếu tay, chân bị sưng, hãy nâng cao chúng khi nằm hoặc ngồi.

- Có thể băng chặt vùng bị ảnh hưởng để ngăn tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.

Giun sán: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa.

BS. Đặng Xuân Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-benh-chan-voi-nhu-the-nao-169240730150046395.htm