Điều trị bệnh gout cần lưu ý 3 điều sau

Gout là một bệnh viêm khớp do lắng đọng các tinh thể muối urat (monosodium urat) tại các khớp, các tế bào liên kết. Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.

Người mắc bệnh gout ngoài việc cần tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ thì các chế độ luyện tập, dinh dưỡng cũng có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cải thiện tình trạng bệnh, tránh tái phát các cơn đau cấp.

1. Chế độ ăn của người bị bệnh gout

Tùy từng người bệnh mà có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đối với người bị gout cấp thì cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng như:

Thời điểm bị gout cấp không uống rượu bia. Tránh các thực phẩm ở nhóm có purin cao. Sử dụng vừa phải các thực phẩm ở danh sách purin trung bình. Hàng ngày ăn các thực phẩm ở danh sách thấp purin.

Ăn số lượng vừa phải protein. Nguồn protein tốt là đậu phụ và các sản phẩm sữa ít béo, với số lượng nhỏ bơ thực vật và trứng. Ăn ít thịt, cá, gia cầm (tối đa 150g/ngày). Uống từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày. Nên sử dụng nước khoáng kiềm hoặc nước kiềm 14‰. Điều này sẽ làm tăng lượng nước tiểu 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng đọng urat trong đường tiết niệu.

Không ăn thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao và các món tráng miệng có chất béo cao, hạn chế thêm chất béo như bơ, margarin, dầu và các loại trộn salad.

Ở giai đoạn giữa các cơn gout cấp hoặc gout mạn tính cần có chế độ dinh dưỡng như: Hạn chế uống bia, rượu. Nếu có uống thì không uống quá 1 đơn vị rượu/ngày và 3 lần/tuần. Hạn chế sử dụng các thực phẩm ở danh sách purin cao. Chỉ ăn lượng vừa phải protein. Duy trì cân nặng nên có. Nếu thừa cân, béo phì thì cần giảm cân. Tiếp tục uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Gout là một bệnh viêm khớp do lắng đọng các tinh thể muối urat.

Gout là một bệnh viêm khớp do lắng đọng các tinh thể muối urat.

Những thực phẩm người bệnh gout cần chú ý

- Thực phẩm người bệnh gout nên dùng

Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Gạo, ngô, phở, mỳ gạo, miến, bánh mỳ, khoai củ. Các loại rau xanh như bí xanh, rau ngót... Các loại quả chín ngọt như lê, táo, mít, dưa hấu, dâu tây, chuối...

Các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như ngũ cốc, bơ, đường, sữa (nên chọn sữa ít béo), sữa chua, trứng, đậu phụ, pho mát, rau quả, lạc, vừng… Nếu ăn thịt chỉ ăn 100g với người có cân nặng < 50kg và 150g với người có cân nặng trên 50kg, ăn thịt nạc, cá nạc, thịt gia cầm bỏ da.

Các loại nước uống có bicarbonate như nước khoáng, baking soda... Ở bệnh nhân có nguy cơ hình thành sỏi thận cho uống nước có pha 4g Natribicarbonat/1 lít nước uống. Ngày uống từ 2 - 3 lít nước.

- Các thực phẩm người bệnh gout hạn chế dùng

Người bệnh gout nên hạn chế các thực phẩm có hàm lượng purin cao như nước luộc thịt, cá mòi, nấm, măng tây, súp lơ xanh, cà tím, rau chân vịt (đặc biệt là lá non, mầm non), giá đỗ, phủ tạng động vật như gan, bầu dục, tim…

Các loại quả có vị chua như cam chua, xoài xanh, cóc, me, nho chua… cũng nên hạn chế dùng. Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường fructose như nho ngọt, mật ong, siro ngọt…

- Thực phẩm người bệnh gout không nên dùng

Người bệnh gout không nên uống rượu, thức uống có cồn: Vì sẽ gây tăng lactat máu, làm giảm bài xuất acid uric qua thận. Không nên dùng cà phê, chè... vì cafein là một trimethylxanthin khi bị oxy hóa (men xanthin oxydaza) sẽ tạo thành methy acid uric.

2. Chế độ sinh hoạt cho người bị bệnh gout

Nếu ở giai đoạn gout cấp có đau thì tuyệt đối để khớp nghỉ ngơi, vì sự vận động sẽ làm phóng thích nhiều hơn các tinh thể muối urat vào trong khớp. Hậu quả là khớp sưng đau nhiều hơn. Tốt nhất nên nằm nghỉ ngơi hoặc bất động bằng nẹp sẽ giúp giảm đau tốt hơn.

Khi hết đau, người bệnh gout cần phải có chế độ lao động và sinh hoạt thích hợp với tình trạng khớp đau. Nếu làm quá sức sẽ làm cho khớp mau hư hơn.

Người bệnh cần giảm cân, tránh béo phì. Vận động nhẹ nhàng, vừa sức. Tập luyện nhẹ nhưng thường xuyên. Tránh làm việc nặng, quá sức hoặc luyện tập thể thao với cường độ mạnh. Giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh, tránh dầm mưa lạnh.

Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng (stress là một trong những yếu tố gây phát cơn gout cấp). Ngâm chân nước nóng hàng tối, có thể làm thường xuyên nhưng không nên dùng nước quá nóng, cũng không nên ngâm lúc đang bị viêm cấp.

3. Một số lưu ý khác với người bệnh gout

Khi chế biến thịt cá thì nên ăn ở dạng luộc và bỏ nước luộc hoặc muốn ăn xào, rán thì cũng nên luộc qua nếu có thể được.

Trường hợp muốn giảm cân thì cũng nên giảm từ từ 0,5 - 1kg mỗi tuần, tuân thủ chế độ ăn hợp lý để giảm cân. Không theo bữa ăn cao protein để giảm cân bởi vì có thể làm cho gout nặng thêm.

Tránh ăn no quá, nhất là vào buổi tối, vì bữa ăn nặng là yếu tố stress để hình thành acid uric. Uống đủ nước theo nhu cầu (35 - 40 ml/kg cân nặng/ngày) vì nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu và tăng đào thải acid uric ra ngoài.

TS.BS Vũ Thị Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-benh-gout-can-luu-y-3-dieu-sau-169241016235015773.htm