Không chủ quan khi bị chó, mèo cắn

Các gia đình đang nuôi chó mèo, nên đưa vật nuôi đi tiêm phòng dại. Việc tiêm phòng dại cho chó, mèo sẽ giảm được phần lớn nguy cơ lây truyền cho người.

Mới đây ghi nhận thêm 1 ca tử vong do nghi ngờ mắc bệnh dại tại tỉnh Đắk Lắk nâng tổng số ca tử vong nghi do bệnh dại tại địa phương này lên 6 ca. Năm 2023, các tỉnh vùng Tây Nguyên là khu vực có nhiều ca tử vong do bệnh dại nhất.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 65 ca tử vong vì bệnh dại. Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cả nước ta có gần 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng cách tiêm vaccine dại tại các cơ sở y tế. Trong những năm gần đây, các ca mắc bệnh dại đang có xu hướng tăng đột biến và trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.

Ở nước ta, trung bình mỗi năm có khoảng 70 người chết vì bệnh dại. Mặc dù đây là bệnh lý đã có vaccine phòng cho cả người và động vật nhưng lại trở thành căn bệnh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tạo gánh nặng về kinh tế - xã hội.

Tăng cường việc quản lý và tăng tỷ lệ tiêm phòng cho chó mèo với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh từ động vật.

Tăng cường việc quản lý và tăng tỷ lệ tiêm phòng cho chó mèo với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh từ động vật.

Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở người do bệnh dại thường do tâm lý chủ quan không đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn. Còn nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm phòng ở đàn chó, mèo tại các địa phương còn thấp.

Thời gian ủ bệnh của virus dại tính từ thời điểm bị chó mèo cắn, cào có thể từ 5 ngày cho đến hơn 1 năm, thời gian ủ bệnh trung bình rơi vào khoảng 2-3 tháng. Với các trường hợp đã lên cơn dại chắc chắn sẽ tử vong và không có phương pháp nào chữa trị được. Do vậy khi bị chó mèo cắn, cào người bệnh cần tiêm vaccine phòng dại sớm nhất có thể giúp tạo ra miễn dịch cho cơ thể ngăn chặn virus dại tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương (Trưởng Văn phòng chương trình khống chế và loại trừ bệnh Dại trên người - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) ở nước ta có đến 90% các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do không đi tiêm phòng. Qua khảo sát cho thấy người dân thường có tâm lý chủ quan vì do chó nhà nuôi cắn, thời điểm cắn động vật bình thường chưa có dấu hiệu dại, coi nhẹ vết mèo cào… Tuy nhiên, bệnh dại có thể lây truyền thông qua vết cào, xước của mèo do mèo có thói quen hay liếm móng vuốt và tuyến nước bọt có thể lây lan bệnh dại từ vật nuôi sang người cũng như con vật khác.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp người dân bị chó, mèo cắn thay vì đến cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý thì lựa chọn sử dụng thuốc nam hoặc các phương pháp khác chưa được Bộ Y tế công nhận để chữa bệnh dại. Tại các khu vực có tỷ lệ tiêm thấp nhất như các tỉnh Tây Nguyên thì tỷ lệ tử vong cũng chiếm phần trăm cao nhất.

Hiện nay vaccine phòng dại đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả cao, không có hại cho sức khỏe kể cả với phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người mắc các bệnh lý mạn tính... Do vậy khi bị chó mèo cào, cắn người bệnh cần chủ động đến cơ sở y tế để được xử lý và hướng dẫn tiêm phòng theo quy định. Ngay sau khi chó mèo cào, cắn thời điểm tiêm tốt nhất là trong vòng 6h đầu tiên.

Sau khi tiêm có thể gặp một số phản ứng phụ như nóng, đỏ, sưng tại chỗ tiêm hoặc mệt mỏi, sốt nhẹ... Nhưng đây hoàn toàn là điều hoàn toàn bình thường giống như khi bạn tiêm các loại vaccine khác. Người tiêm cần lưu ý tuân thủ theo đúng phác đồ đồng thời theo dõi con vật đã cắn, cào xem có biểu hiện gì bất thường và báo lại với nhân viên y tế. Sau khi tiêm người bệnh nên hạn chế vận động mạnh, vận động gắng sức, bổ sung thêm nhiều vitamin, chất dinh dưỡng vào thực đơn đồng thời hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...

Bệnh dại là bệnh lây từ động vật (chó, mèo…) sang người, để nâng cao hiệu quả phòng bệnh cần có sự kết hợp của các liên ngành một cách thường xuyên, chặt chẽ. CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) các tỉnh cần phối hợp với Chi cục Thú y tại địa phương để vận động người dân đi tiêm phòng dại cho vật nuôi. Phối hợp giữa các ngành các cấp để xử lý ổ dịch dại trên người, động vật tại địa bàn đồng thời giám sát các ổ dịch cũ trước đó. Địa phương cần có biện pháp để giám sát có hiệu quả đàn vật nuôi chó, mèo và xử lý những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại theo quy định, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp thả rông chó, mèo. Với các thành phố lớn hay các vùng du lịch cần xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên động vật và chủ động xử lý sớm những người bị chó, mèo cắn theo hướng dẫn.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-chu-quan-khi-bi-cho-meo-can-169241017123255507.htm