Điều trị bệnh lao xương

Bệnh lao xương khiến người bệnh đau đớn, giảm vận động, mất khối lượng cơ và biến dạng khớp. Nếu không điều trị, bệnh lao xương có thể gây tử vong...

NỘI DUNG:

1. Các lựa chọn điều bệnh lao xương

1.1. Thuốc chống lao

1.2. Thuốc kháng sinh

1.3. Can thiệp phẫu thuật

2. Lưu ý khi điều trị lao xương

Bệnh lao xương thường ảnh hưởng đến các khớp ở cột sống. Chỉ 2% - 3% trường hợp xảy ra ở các khớp khác, thường gặp nhất là ở hông và đầu gối. Bệnh lao xương rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng không xuất hiện cho đến khi nhiễm trùng nặng hoặc tiến triển. Mycobacteria là nguyên nhân chính gây bệnh lao xương, cùng loại vi khuẩn gây bệnh lao phổi.

Người mắc bệnh lao xương thường đau lưng dữ dội, viêm ở lưng hoặc khớp, khó di chuyển hoặc đi lại, đặc biệt là ở trẻ em, áp xe cột sống, sưng mô mềm, rối loạn thần kinh, tê liệt từ thắt lưng trở xuống hoặc cả bốn chi và đôi khi ở một số cơ quan cụ thể, biến dạng xương hoặc cột sống.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương xảy ra ở xương hoặc khớp, sẽ có các lựa chọn điều trị khác nhau.

Bệnh lao xương thường ảnh hưởng đến các khớp ở cột sống.

Bệnh lao xương thường ảnh hưởng đến các khớp ở cột sống.

1. Các lựa chọn điều bệnh lao xương

1.1. Thuốc chống lao

Phác đồ điều trị lao xương theo đề xuất của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) là 6 tháng. Trong đó điều trị ban đầu bằng isoniazid, rifampicin, pyrazinamide và ethambutol 2 tháng và 4 tháng điều trị bằng isoniazid, rifampicin. Các thuốc này có thể xâm nhập vào dịch não tủy và tấn công vi khuẩn. Có thể mất từ 6 đến 12 tháng để chữa khỏi bệnh lao xương.

- Isoniazid: Tác dụng mạnh, ít độc tính, khối lượng nhỏ và giá thành thấp nên nó được sử dụng rộng rãi trong điều trị.

Các tác dụng phụ: Chóng mặt, thờ ơ, mệt mỏi và nhiễm độc gan có thể hồi phục. Hiếm khi rối loạn tâm thần và co giật.

- Rifampicin có khả năng diệt khuẩn cao đối với cả trực khuẩn nội bào và ngoại bào đang nhân lên chậm.

Tác dụng phụ: Nhiễm độc gan, dịch tiết cơ thể đổi màu đỏ cam, hội chứng da, hội chứng bụng, hội chứng cúm, hội chứng hô hấp, ban xuất huyết.

- Pyrazinamide có tính diệt khuẩn trong môi trường axit (pH <6,0) và có thể xâm nhập vào các đại thực bào chứa vi khuẩn mycobacteria.

Tác dụng phụ: Tăng acid uric máu, nhiễm độc gan và đau khớp. Chống chỉ định ở trẻ em (do bệnh nhân không thể đánh giá và báo cáo các tác dụng phụ về thị giác hoặc thay đổi thị lực).

- Ethambutol có tác dụng kìm khuẩn chống lại vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng.

Tác dụng phụ: Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu là tác dụng phụ nghiêm trọng nhất, có thể gây giảm thị lực, ám điểm trung tâm và mất khả năng nhìn thấy màu xanh lục.

1.2. Thuốc kháng sinh

Tác dụng: Bệnh lao xương được điều trị bằng kháng sinh, tùy thuộc vào loại vi khuẩn cụ thể. Một số thuốc thường dùng: Streptomycin, kanamycin, amikacin, quinolone. Các thuốc kháng sinh thường có tác dụng diệt khuẩn chống lại vi khuẩn ngoại bào phân chia nhanh chóng.

Tác dụng phụ: Ảnh hưởng đến cả chức năng tiền đình và thính giác và có thể gây độc cho thận; có thể gây dị cảm quanh miệng, tăng bạch cầu ái toan, phát ban do thuốc và sốt.

Lưu ý, vi khuẩn kháng quinolone phát triển nhanh chóng. Kháng chéo xảy ra ở tất cả các quinolone. Thuốc quinolonecó thể gây ra không dung nạp đường tiêu hóa, phát ban, chóng mặt, nhức đầu, lú lẫn, co giật và suy thận cấp.

Ngoài ra, cóthể dùng corticoid để ngăn ngừa các biến chứng như viêm quanh tủy sống hoặc tim mạch, nhưng thuốc có thể cản trở đáp ứng miễn dịch thích hợp, thúc đẩy sự tăng sinh trực khuẩn, trì hoãn việc giải quyết quá trình lây nhiễm hoặc tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng không mong muốn khác.

Các thuốc này có khả năng tương tác với các thuốc chống lao khác và cản trở sự phân bố của thuốc trong mô, có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Do đó, việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng.

1.3. Can thiệp phẫu thuật

Trong một số trường hợp nhất định, phẫu thuật có thể cần thiết để giải quyết các biến chứng tổn thương cấu trúc do lao xương. Một số lựa chọn phẫu thuật bao gồm cắt bỏ, dẫn lưu áp xe, tái tạo khớp và ghép xương.

2. Lưu ý khi điều trị lao xương

- Bệnh nhân thường có thể cần các lựa chọn điều trị để kiểm soát cơn đau, hỗ trợ chỉnh hình, vật lý trị liệu… để bảo tồn chức năng khớp, giảm đau trong khi quá trình lành vết thương.

- Dùng thuốc đúng liều, vào cùng một thời điểm nhất định trong ngày, uống thuốc xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc cao nhất.

- Nên tái khám thường xuyên: Việc tái khám theo định kỳ giúp bác sĩ đánh giá sự cải thiện của bệnh nhân, đánh giá tác dụng phụ của thuốc, từ đó có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị theo yêu cầu.

- Cần thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị lao xương cho những trường hợp: Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai, bệnh nhân có bệnh lý gan như viêm gan cấp tính, bệnh gan mạn tính, có tổn thương gan do thuốc lao, bệnh nhân bị suy thận, bệnh nhân lao đồng mắc đái tháo đường...

Ngoài ra, để phòng tránh mắc lao xương, nên:

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh lao.

- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng: Thiếu vitamin D và chế độ ăn uống kém dẫn đến xương yếu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

- Đi khám khi có các triệu chứng nhiễm trùng, tránh để kéo dài. Lao xương thường tiến triển âm thầm, trước khi xuất hiện các triệu chứng, vi khuẩn nằm không hoạt động trong xương trong một thời gian dài. Điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị.

- Tiêm chủng: Việc không tiêm đủ vaccine trực khuẩn bacillus peaceette-guerin hoặc BCG cũng khiến dễ mắc bệnh lao.

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi.

BS. Đặng Xuân Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-benh-lao-xuong-169240725001946623.htm