Điều trị biến chứng hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
Biến chứng hạ đường huyết rất thường gặp và nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân cần chú ý biến chứng này và điều trị ngay để tránh tử vong.
1. Hạ đường huyết là gì?
Nội dung
1. Hạ đường huyết là gì?
2. Các triệu chứng của hạ đường huyết
3. Điều trị hạ đường huyết như thế nào?
4. Điều trị phòng ngừa hạ đường huyết
Hạ đường huyết là khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống quá thấp, dưới 4 mmol/l, không đủ cho cơ thể hoạt động. Hạ đường huyết khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường, chủ yếu là do biến chứng của điều trị. Ước tính có tới 50% bệnh nhân đái tháo đường bị ít nhất 1 lần hạ đường huyết.
Khi bị hạ đường huyết, các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Dù cơ thể có khả năng huy động năng lượng từ các nguồn khác như từ lipid, protid nhưng cũng chỉ tạm thời và không đủ. Đặc biệt là não và hồng cầu là 2 cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose.
Vì thế hạ đường huyết nặng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương não nặng, thậm chí gây tử vong. Do vậy việc phát hiện và điều trị hạ đường huyết phải càng nhanh càng tốt.
2. Các triệu chứng của hạ đường huyết
Triệu chứng của một người bị hạ đường huyết cũng gần giống như khi bị đói, nhưng nặng hơn nhiều.
Các triệu chứng này xuất hiện qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Bệnh nhân có cảm giác đói, vã mồ hôi, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực và lo sợ… Đa số bệnh nhân bị hạ đường huyết cần nhận biết và tự điều trị ở giai đoạn này.
- Giai đoạn sau: Bệnh nhân có cảm giác yếu, mệt, đau đầu, nhìn mờ và lơ mơ.
- Giai đoạn cuối: Bệnh nhân sẽ đi vào hôn mê, có thể bị co giật.
Ở bệnh nhân đái tháo đường lâu năm, đã có các biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch hoặc bệnh nhân đã bị hạ đường huyết nhiều lần, thì các triệu chứng trên rất mờ nhạt, thậm chí có thể không có bất cứ triệu chứng nào.
Một số bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị các thuốc nhóm chẹn beta giao cảm như inderal, tenormin, betaloc (điều trị suy tim, tăng huyết áp…), thì các triệu chứng của hạ đường huyết cũng rất mờ nhạt, do hầu hết bị thuốc này làm giảm đi rất nhiều hoặc làm mất hoàn toàn triệu chứng. Những bệnh nhân này có thể đột ngột đi vào hôn mê mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào.
Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường thường ở mức nhẹ hoặc vừa và sau khi ăn thì sẽ hết. Tuy nhiên có một số trường hợp bị hạ đường huyết nặng, đặc biệt là hạ đường huyết do dùng thuốc nhóm sulfonylurea, ở những bệnh nhân có suy thận, thì tình trạng thường nặng và kéo dài. Sau khi được cấp cứu, mặc dù bệnh đã tỉnh nhưng rất dễ bị hạ đường huyết trở lại.
3. Điều trị hạ đường huyết như thế nào?
3.1 Hạ đường huyết nhẹ và vừa
Trường hợp bị hạ đường huyết nhẹ, bệnh nhân cần ăn hoặc uống ngay đồ uống có chứa đường glucose để làm tăng đường huyết lên nhanh đến mức an toàn. Ví dụ:
2-3 viên đường glucose
1/2 cốc nước hoa quả
1/2 cốc nước ngọt (coca cola, pepsi)
1 cốc sữa có đường
4-5 viên kẹo ngọt
1-2 thìa mật ong
1-2 quả chuối
2-3 cái bánh bích qui…
Sau 15 phút cần đo lại đường huyết. Nếu thấy đường huyết vẫn thấp thì phải ăn thêm thực phẩm nêu trên cho đến khi đường huyết tăng lên 4 mmol/l. Sau đó chuẩn bị ăn cơm hoặc ăn bữa phụ.
Lưu ý là khi bị hạ đường huyết không nên ăn các loại thức ăn như khoai lang, khoai sọ hay mì tôm... vì nó làm đường huyết tăng chậm.
3.2 Hạ đường huyết nặng
Với những bệnh nhân bị hạ đường huyết nặng có hôn mê, không thể ăn hoặc uống được thì cần tiêm ngay 1 ống glucagon. Đây cũng là 1 loại hormon của tuyến tụy, có tác dụng đối lập với insulin và làm tăng đường huyết. Nó được sản xuất dưới dạng ống thuốc có sẵn bơm tiêm để tiện cho việc sử dụng.
Trường hợp không có glucagon thì cần được cấp cứu bằng cách tiêm tĩnh mạch 30 - 50 ml các loại đường glucose ưu trương (20-30%).
Việc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch như trên cần có người được đào tạo chuyên môn. Nếu tại gia đình không thể thực hiện được thì bôi mật ong, mứt ngọt vào trong miệng của bệnh nhân. Sau đó người nhà phải liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện gần nhất.
Lưu ý là cần điều trị cấp cứu tại nhà cho bệnh nhân ngay. Không nên đợi đưa bệnh nhân vào viện mà không điều trị cấp cứu gì ở nhà. Do đó, khi trong nhà có người mắc đái tháo đường, cần dự trữ các loại thuốc, mứt… cần thiết.
Một nguyên tắc quan trọng là khi nghi ngờ bị hạ đường huyết mà không thể đo được đường huyết là bệnh nhân nên ăn ngay để dự phòng. Bởi nếu đúng thì sẽ ngăn ngừa được hạ đường huyết nặng hơn, hạn chế những biến chứng. Còn nếu sai thì dù làm đường huyết tăng lên nhưng cũng ít gây nguy hiểm cho cơ thể hơn là khi bị hạ đường huyết.
4. Điều trị phòng ngừa hạ đường huyết
Việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải tìm nguyên nhân gây hạ đường huyết để có phương pháp điều chỉnh ngay.
4.1 Xem xét các thuốc dùng để điều trị đái tháo đường
Bệnh nhân đái tháo đường có thể bị hạ đường huyết khi sử dụng các thuốc để điều trị tăng đường huyết.
Hạ đường huyết thường xảy ra trong những trường hợp sau đây:
- Uống/tiêm liều quá cao các thuốc điều trị đái tháo đường như insulin, sulfonylurea (diamicron, glibenclamide…). Các thuốc glucobay, glucophage, avandia hay pioz không gây hạ đường máu khi dùng một mình nhưng có thể gây hạ đường máu khi phối hợp với các thuốc khác.
- Một số nguyên nhân gây hạ đường máu ít được để ý: Tương tác thuốc làm tăng tác dụng của các thuốc điều trị đái tháo đường, gây hạ đường máu như các thuốc chống viêm giảm đau: Meloxicam, diclofenac, aspirin. Một số thuốc điều trị nấm hoặc kháng sinh như biseptol…
Do đó, bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị các vấn đề sau:
Liệu có phải các thuốc điều trị đái tháo đường đang dùng gây hạ đường máu không?
Nên uống thuốc vào lúc nào?
Nên dùng liều thuốc là bao nhiêu?
Khi bị ốm thì có phải thay đổi liều lượng thuốc gì không?
Cần phải điều chỉnh thuốc như thế nào khi tập thể dục hoặc lao động?
4.2 Chế độ ăn
Ăn quá ít, bỏ bữa ăn hoặc ăn chậm sau khi uống/tiêm thuốc điều trị đái tháo đường là nguyên nhân gây hạ đường huyết.
Do đó bệnh nhân cần đặt câu hỏi:
Có tuân thủ đúng chế độ ăn mà bác sĩ dinh dưỡng kê chưa?
Ăn có đều bữa không?
Có bỏ bữa ăn nào không ?
Ăn sau khi uống/tiêm thuốc bao nhiêu lâu?
Chế độ tập thể dục thể thao, lao động đã hợp lý chưa?
Có uống quá nhiều rượu bia không?
4.3 Các bệnh mắc kèm
Bệnh nhân đái tháo đường mắc kèm các bệnh về gan, thận, tim, viêm nhiễm nặng, suy giáp hoặc suy thượng thận thì rất dễ bị hạ đường máu. Do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc phối hợp dùng thuốc khi điều trị các bệnh lý đi kèm.
Tuy nhiên, có một điều khó tránh là: Dù được điều trị và theo dõi tốt đến đâu thì các bệnh nhân đái tháo đường vẫn có nguy cơ bị hạ đường máu. Vấn đề quan trọng là làm sao có thể phát hiện sớm những trường hợp bị hạ đường máu và hạn chế các trường hợp hạ đường máu nặng.
Muốn vậy các bệnh nhân đái tháo đường cần:
Tuân thủ đúng chế độ điều trị do bác sĩ hướng dẫn.
Có máy đo đường máu cá nhân, đo đường máu thường xuyên để phát hiện sớm trường hợp đường máu rơi vào vùng nguy hiểm.
Tại nhà và nơi làm việc luôn có đồ ăn uống như kẹo, sữa, nước ngọt mật ong để ăn hoặc uống ngay khi bị hạ đường máu.
Luôn mang theo thẻ hoặc vòng đeo cổ tay có ghi rõ mình là bệnh nhân đái tháo đường, thuốc đang điều trị là gì, số điện thoại của gia đình và của bác sĩ điều trị.