'Điều trị' dứt điểm căn bệnh ngại khó

Chủ trì phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải diễn ra ngày 10/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần phải thần tốc hơn nữa, 'chỉ bàn làm, không bàn lùi'; vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết...

Đây vừa là lời nhắc nhở, vừa là lời cảnh báo cho các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước.

Bàn lùi đồng nghĩa với không muốn làm, không muốn tiến hành công việc vì sợ khó. Điều này tất yếu gây ra những lãng phí về cơ hội, các nguồn lực con người và xã hội, tiền của, thời gian, tài nguyên đất nước, làm chậm tiến độ các công trình, dự án quốc gia và đã trở thành “căn bệnh” trầm kha, ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu tăng trưởng, đời sống của người dân, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Căn bệnh” này nếu không được “điều trị” dứt điểm sẽ tạo ra rào cản cho sự phát triển và cũng làm giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước, hậu quả mà nó gây ra khó có thể đong đếm được.

Cần tích cực hơn nữa trong việc giải quyết các công trình giao thông trọng điểm.

Cần tích cực hơn nữa trong việc giải quyết các công trình giao thông trọng điểm.

Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã xử lý nhiều cán bộ sai phạm khiến một số người có tâm lý sợ sai, không dám quyết, không dám làm. Hay đây là hệ quả từ việc chúng ta bổ nhiệm những cán bộ, lãnh đạo quản lý thiếu chuyên môn, năng lực và sở trường cho nên họ không có đủ kiến thức cũng như bản lĩnh để có thể đảm đương được những công việc được giao. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh để thay thế, buộc từ chức đối với những cán bộ thiếu bản lĩnh và sợ trách nhiệm.

Nhưng có những cán bộ có tư tưởng bàn lùi chưa hẳn đã do năng lực chuyên môn yếu kém mà có thể còn do đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có người đã chót “nhúng chàm” nên ẩn mình, phòng thủ, sợ bị phát hiện. Với tâm lý “Làm ít thì sai ít, không làm thì không sai”, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa, nên khi có vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm cần phải giải quyết, cái cớ cho việc thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm là không nằm trong thẩm quyền để đẩy qua đơn vị khác; người khác cũng có lý do để nói không thuộc trách nhiệm của mình. Điều đáng nói là dường như ai cũng có lý do để “đá” quả bóng trách nhiệm thật nhanh về phía không phải là... mình. Lại có một số cán bộ, công chức nghĩ “chuyện quốc gia đại sự” là chuyện của lãnh đạo, để cho lãnh đạo giải quyết. Còn lãnh đạo thì nghĩ đó là chuyện của lãnh đạo cấp cao hơn. Thay vì hành động thực tế thì người ta càng dè dặt, dè dặt đến nỗi cuối cùng chẳng ai có động thái gì.

Nếu nhìn lại những thành quả mà chúng ta đã đạt được về kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID -19 thật đáng tự hào. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023 chúng ta đang có những dấu hiệu thụt lùi khi mà GDP chỉ tăng 3,72% và cứ đà này thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023. Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta tăng trưởng thấp trong thời gian qua chính là do một bộ phận cán bộ đang còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công vụ của mình.

Vì vậy cần phải nhanh chóng loại bỏ tư tưởng bàn lùi thì những quyết định đúng cần phải đẩy mạnh thực hiện; đồng thời, kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ lãnh đạo, quản lý e ngại, sợ trách nhiệm, nhất là người ngụy biện về việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển của đất nước. Về lâu dài, cần thực hiện thi tuyển để chọn vào bộ máy những người có đức, có tài, có tinh thần phục vụ nhân dân, tuyệt đối không để xin việc phải mất tiền, bổ nhiệm phải chạy chọt, lo lót. Bên cạnh đó, có cơ chế để bảo vệ cán bộ có tư duy sáng tạo, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm và cần cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và người làm công tác tham mưu sửa đổi, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Với quyết tâm cao, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì không có vấn đề nào không thể giải quyết, không khó khăn nào không thể vượt qua”. Như vậy, nếu cán bộ, công chức không trách nhiệm hơn, trí tuệ hơn với công việc, không thể nói đến thành công. Nếu không hoàn thành với kết quả cao nhất nhiệm vụ đang đảm trách, không thể nói đến chuyện đất nước cường thịnh. Nguyện ước, khát vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi mỗi cá nhân đánh thức được tiềm lực của chính mình và vượt qua chính mình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/dieu-tri-dut-diem-can-benh-ngai-kho-i703941/