Điều trị nội khoa bệnh trào ngược dạ dày - thực quản lâu ngày gây nhồi máu cơ tim, bệnh thận...

Thông tin trên được GS Lê Quang Nghĩa cho biết tại Hội thảo khoa học cập nhật điều trị ngoại khoa bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) do Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) tổ chức hôm nay (6.4).

Theo Hội Nội khoa Việt Nam, năm 2022 cả nước có 7 triệu người bị trào ngược dạ dày - thực quản, trong đó có khoảng 60% người bệnh không điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, ung thư thực quản…

Phẫu thuật điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản tại Bệnh viện Bình Dân - Ảnh: BVCC

Phẫu thuật điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản tại Bệnh viện Bình Dân - Ảnh: BVCC

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản dễ xuất hiện ở người thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng, có thói quen ăn uống không lành mạnh và một số loại thuốc. Nếu không được điều trị hiệu quả, người bị trào ngược dạ dày - thực quản có thể phải chịu đựng những triệu chứng của bệnh suốt đời.

Phân tích của GS Lê Quang Nghĩa (Bệnh viện Bình Dân) cho thấy, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản gây ra rát bỏng thượng vị ở 30% người bệnh trên 50 tuổi. Đây là bệnh chiếm hàng đầu trên thế giới về rối loạn tiêu hóa, đứng đầu về số lần khám.

Những người có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là do bất thường hệ thống cơ vòng dưới thực quản, hiatus hernia, chậm làm trống thực quản, dịch vị, chậm làm trống dạ dày, tăng áp lực trong ổ bụng, khẩu phần và môi trường…

Người mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản thường có triệu chứng là rát bỏng và trào ngược, béo phì, thức giấc trong đêm vì dịch vị kích thích hầu họng, nuốt đau hay nuốt nghẹn.

Ngoài ra, còn có một số triệu chứng ngoài thực quản như: đau ngực khiến lầm lẫn với bệnh mạch vành, nhiễm trùng ngực tái diễn, ho kinh niên và hen suyễn, mòn chân răng (mất dentin)…

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm đối với người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản hiện nay là việc điều trị nội khoa bằng các thuốc ức chế proton (PPI) đang bán trên thị trường như: Omeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Dexlansoprazole, Esomeprazole… có giải quyết được căn bệnh này hay không?

Theo GS Nghĩa, PPI là thuốc dễ dung nạp. Phản ứng phụ tức thời rất hiếm gặp và thường là nhẹ gồm có nhức đầu, đau bụng, đầy bụng, táo bón và tiêu chảy.

Điều đáng nói, các nghiên cứu cho thấy tác dụng phụ khi dùng PPI lâu ngày sẽ gây loãng xương, nguy cơ gãy xương, lú lẫn (dementia), nhồi máu cơ tim, thiếu các vi chất (magnesium, sắt, B-12), nhiễm trùng với Clostridium difficile, bệnh thận và tương tác với thuốc ức chế tiểu cầu.

“Vì vậy cần phải cẩn thận sử dụng các loại thuốc ức chế proton trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản”, GS Nghĩa nói.

GS Nghĩa đặt vấn đề về điều trị ngoại khoa đối với căn bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Với những trường hợp trào ngược dạ dày - thực quản có triệu chứng: rát bỏng, thời gian bệnh kéo dài, thoát vị hoành, viêm thực quản, thiểu năng cơ vòng dưới, thử nghiệm pH và manometry dương… có thể thực hiện điều trị ngoại khoa.

“Trong trường hợp này chúng ta sẽ thực hiện mổ tạo van chống trào ngược. Hiện có 3 loại van chống trào ngược dạ dày - thực quản thường dùng là: Nissen, Toupet và Dor”, GS Nghĩa cho biết.

Dù vậy, việc mổ tạo van chống trào ngược để điều trị trào ngược dạ dày - thực quản theo GS Nghĩa vẫn để lại một số biến chứng như: tràn khí màng phổi, tổn thương dạ dày hay thực quản, tổn thương lách, tổn thương lách xảy ra khi bóc tách phình vị và bờ cong lớn dạ dày; đồng thời có thể phẫu thuật thất bại.

“Như vậy có thể thấy bệnh trào ngược dạ dày - thực quản rất phức tạp, thường bệnh nhân đến khám với bác sĩ nội tiêu hóa, ít có cơ sở đo manometry và pH thực quản. Các phẫu thuật viên Việt Nam không có kinh nghiệm về loại bệnh này”, GS Nghĩa nhấn mạnh.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dieu-tri-noi-khoa-benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-lau-ngay-gay-nhoi-mau-co-tim-benh-than-215799.html