Dính án phạt nặng, cử tạ Việt Nam lo cho SEA Games 30

Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) vừa chính thức công bố án phạt cấm thi đấu 4 năm đối với nam lực sĩ Trịnh Văn Vinh và 3 năm đối với nữ lực sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh vì bị phát hiện doping. Kèm theo đó, cả hai đều chịu thêm mức phạt tiền 5.000 USD/VĐV từ IWF.

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh bị cấm thi đấu 4 năm vì dính doping. Infographic: HỮU VI

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh bị cấm thi đấu 4 năm vì dính doping. Infographic: HỮU VI

Thật ra, thông tin 2 lực sĩ chủ lực của đội tuyển quốc gia là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh bị phát hiện sử dụng chất cấm đã nhen nhóm từ hồi đầu năm nay, sau khi WADA bất ngờ yêu cầu cả hai nộp mẫu A thử doping hồi cuối năm 2018 và cho kết quả vào tháng 2-2019. Nhưng sau đó, khi WADA đề nghị nộp tiếp mẫu thử B thì bị 2 VĐV này từ chối với lý do thiếu khoản kinh phí 3.000 USD kèm theo.

Chính vì vậy, WADA đã xác nhận cả 2 lực sĩ của Việt Nam dính doping, để đến hôm qua, IWF chính thức thông báo án phạt cấm thi đấu có thời hạn đối với Văn Vinh và Phương Thanh. Theo ông Đỗ Đình Kháng (Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ Việt Nam), đây là điều rất đáng tiếc, bởi lẽ 2 lực sĩ này đang là chủ lực ở đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế quan trọng như châu Á, thế giới và thậm chí rất tiềm năng cho cuộc chạy đua tìm kiếm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020.

Theo công bố của WADA và IWF, do cả Văn Vinh lẫn Phương Thanh bị phát hiện doping ở thời điểm sau khi tham dự Đại hội TDTT toàn quốc 2018, nên các thành tích quốc tế của họ trước đó đều không bị tước bỏ. Cụ thể, Văn Vinh vẫn giữ được ngôi Vô địch thế giới năm 2017 hạng cân 61kg nam, HCB Asiad 2018 và HCV SEA Games 2017…

Theo lý giải của Văn Vinh, việc anh dính doping khá… vô tình, bởi lẽ trước khi dự tranh Đại hội TDTT toàn quốc 2018, anh đã bị đau lưng nên tự tìm đến bác sĩ để tiêm thuốc. Đến khi WADA bất ngờ yêu cầu nộp mẫu thử vào tháng 11-2018, anh vô tư nộp mà không nghĩ mình đã mắc sai lầm.

Lực sĩ Phương Thanh cũng bị chấm thi đấu đến năm 2022.

Lực sĩ Phương Thanh cũng bị chấm thi đấu đến năm 2022.

Theo ông Kháng, do thời điểm cả 2 lực sĩ này đã rời khỏi Đội tuyển quốc gia nên trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về đơn vị quản lý (Trịnh Văn Vinh thuộc ngành TDTT Công an nhân dân, còn Nguyễn Thị Phương Thanh thuộc Sở VH-TT Hà Nội), Bộ môn cử tạ cũng như Liên đoàn cử tạ Việt Nam chỉ có thể cấm thi đấu các giải trong nước đối với cả hai theo đúng thời gian mà họ nhận án phạt từ IWF, đồng thời không triệu tập lên ĐTQG cho đến khi chấp hành xong.

Qua câu chuyện đáng tiếc của Văn Vinh và Phương Thanh, thêm một lần nữa năng lực quản lý của giới chức ngành TDTT nói chung và địa phương, ngành tham gia đầu tư cho thể thao nói riêng lại được nhắc đến theo hướng tiêu cực. Căn bệnh hám thành tích đã trở thành trầm kha, cho nên khiến không ít địa phương, ngành và bản thân các HLV cũng như VĐV cố tình gian lận trong thi đấu để nhắm tới những kết quả cao ở các giải Vô địch quốc gia và Đại hội TDTT, mà không lường hết được hậu quả nghiêm trọng nếu như bị phát hiện.

Thành thử, thiệt thòi giờ đây thuộc về 2 lực sĩ Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh, thậm chí có thể khiến họ tiêu tan sự nghiệp VĐV bởi lẽ thời gian cấm thi đấu kéo dài từ 3-4 năm cũng đồng thời tước đi rất nhiều thứ, từ các đợt tập huấn đến thi đấu trong nước lẫn quốc tế. Gần nhất, đội tuyển cử tạ Việt Nam mất đi năng lực tranh chấp HCV tại SEA Games 30 và các đợt tuyển chọn VĐV cho Olympic 2020.

NGUYÊN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://thethao.sggp.org.vn/dinh-an-phat-nang-cu-ta-viet-nam-lo-cho-sea-games-30-613224.html