Dinh Bà ở Cửu An thờ ai?
Tên gọi 'dinh Bà' cho chúng ta biết rằng đây là nơi thờ nữ thần, nhưng là vị thần nào thì thực tế khá phức tạp song lại rất thú vị. Bởi tìm hiểu sâu vấn đề này, chúng ta sẽ thấy được đặc tính cũng như lịch sử văn hóa tín ngưỡng của cư dân vùng Cửu An từ thế kỷ XVIII đến nay.
Dinh Bà còn gọi là miếu An Điền, miếu An Điền Bắc, hiện thuộc địa bàn thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê. Ngôi miếu này được xem là vết tích xa xưa nhất còn lại được người địa phương vùng Cửu An ghi nhận, chứng cứ lịch sử hiện còn là bức bình phong và 2 trụ biểu cũ có niên đại ước đoán cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Như tên gọi dân gian, “dinh Bà” hẳn nhiên là nơi thờ phụng nữ thần. Tuy nhiên, đó là vị thần hay những vị thần nào thì mỗi nguồn tài liệu cho biết các thông tin khác nhau.
Văn cúng tại dinh Bà hiện còn lưu giữ gồm loại văn bản viết bằng chữ Nho và văn bản phiên âm ra chữ Quốc ngữ đang sử dụng. Tổng hợp từ 2 nguồn văn bản này, chúng tôi thấy, trong các vị thần linh được thờ phụng tại dinh có 3 vị nữ thần là Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi, Nguyên hoàng Hậu thổ Vạn Phước phu nhân và Chúa Ngung man nương.
Từ nguồn tài liệu khác như tập “Ấp Tây Sơn Nhì-Những tục danh di tích Tây Sơn” (UBND xã Cửu An, Tài liệu đánh máy lưu hành nội bộ, 2003) cho biết: “Bà” ở đây còn có thể hiểu là “Bà Hỏa” (thần Lửa).
Từ nguồn điền dã thu thập thông tin tại xã Cửu An, ông Trần Thanh Luân-Trưởng ban Quản lý đình Cửu An-cho biết: “Bà” ở đây là Thiên Y A Na. Còn ông Trương Văn Thiệu (SN 1932, sống gần dinh Bà) và ông Trương Nghiệp (SN 1934) thì đều cho rằng đó là “bà vợ của ông Nguyễn Nhạc”.
Như vậy có tất cả 5 vị nữ thần từ các nguồn tài liệu chúng tôi thu thập được.
Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi thường được dân gian gọi tắt là “Bà Thiên Y”, “Bà A Na”, vốn là “Bà Mẹ xứ sở” của người Chăm, sau đó được Việt hóa, nên còn tên gọi khác là “Bà Chúa Ngọc”, “Bà Chúa Tiên”.
Quyền lực của Bà Thiên Y bao trùm cả vùng miền rộng lớn bao gồm nhiều làng xã, không chỉ bảo hộ cho những người làm ruộng nương, mà còn bảo hộ cho cả người buôn bán, đánh bắt thủy-hải sản. Hầu hết các đình miếu ở thị xã An Khê lẫn huyện Đak Pơ đều thờ Bà Thiên Y.
“Chúa Ngung man nương” suy luận từ mặt chữ có nghĩa đen là bà chúa của núi rừng người Thượng, có khi được đồng hóa với Bà Thiên Y, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa xứ, Poh Yang Inư Nagar, gắn với tín ngưỡng thờ nữ thần của người Chăm. Tục thờ Chúa Ngung man nương gắn với tục và lễ tá thổ (mượn đất). Tục này xưa từng phổ biến ở vùng Cửu An nhưng nay đã mai một. Chúng ta cũng có thể thấy lễ tá thổ khá phổ biến tại các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên.
“Chúa Ngung man nương” là một danh từ chung. Vì vậy, có thể hiểu đó là “Bà vợ người dân tộc thiểu số của ông Nguyễn Nhạc”. Bởi theo truyền thuyết, bà cũng có tư cách của một nữ chúa.
Trong văn cúng đất (tá thổ) tại một số tỉnh miền Trung như: Bình Định, Phú Yên cũng thường xuất hiện danh hiệu “Vạn Phước phu nhân”. Nguồn gốc của vị nữ thần này khá bí ẩn, có người cho bà là vợ của “Khai hoàng Đại đế Hậu thổ Nguyên quân”. Như vậy, “Vạn Phước phu nhân” có thể là “Mẹ Đất” hay nữ thần cai quản đất đai.
Còn “Bà Hỏa” không phải thần Lửa trong huyền thoại hay được thờ tại các “dinh Cô” trong sân đình miếu mà là nhân vật lịch sử thời Tây Sơn, tham gia phong trào khởi nghĩa với anh em Nguyễn Nhạc, được sử xưa gọi là “nữ chúa Chiêm Thành (tên Thị Hỏa)”.
Các di tích thời Tây Sơn ở Cửu An gắn liền với tên tuổi của “Tây Sơn Tam kiệt” (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) và Yă Đố-một nhân vật đặc biệt người Bahnar có mối quan hệ vợ chồng với Nguyễn Nhạc. Bà còn nhiều danh xưng khác như: Cô Hầu, Cô Hầu Đốc Tướng...
Các tên gọi “Bà vợ của ông Nguyễn Nhạc”, “Bà Yă Đố” chỉ một người hay nhiều người khác nhau vẫn là một vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Bởi bà vợ Nguyễn Nhạc là một nhân vật có thật trong lịch sử nhưng lại được bao phủ trong nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại mà các tài liệu và kết quả hiện tại chưa minh định được.
Trong khi đi thực địa tìm hiểu thông tin liên quan đến dinh Bà, chúng tôi thu thập được những câu chuyện liên quan đến mối quan hệ giữa 2 danh xưng này. Trong đó, có những chuyện kể cho rằng người được thờ trong dinh Bà ở đây là bà vợ người dân tộc thiểu số của Nguyễn Nhạc. Còn tên bà là gì thì hiếm người nói giống sách vở là “Bà Yă Đố”.
Ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1957, xã Cửu An)-người dành nhiều thời gian tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng Cửu An và ghi chép lại-cho biết: “Bà” được thờ phụng nơi đây là người dân tộc tại chỗ. Sở dĩ được thờ cúng là bởi bà có công khai hoang, giúp nhà Tây Sơn gây dựng cơ nghiệp. Trước kia, mỗi lần dinh Bà cúng, con cháu Bà Yă Đố còn về tham dự, nhưng mấy năm gần đây không thấy nữa.
Như vậy, dựa vào tên gọi, chúng ta có thể xác định rằng thần chủ (vị thần chính) của dinh Bà tại Cửu An là nữ thần, các thần linh khác ghi trong văn cúng là phối thờ, tòng tự (thờ theo, đóng vai trò phụ). Tuy nhiên, “Bà” ở đây lại không phải một vị mà gồm nhiều vị, tính riêng văn cúng đã có 3 vị: Thiên Y A Na, Chúa Ngung man nương và Vạn Phước phu nhân.
Dù đã được văn bản hóa nhưng các vị thần này cũng đều là tín ngưỡng dân gian. Thế nên các vị có tên ngoài văn cúng chính thức tại dinh Bà như Bà Hỏa, Bà vợ ông Nguyễn Nhạc/Bà Yă Đố cũng cần được nhìn nhận và chấp nhận thuộc về tín ngưỡng thờ Bà tại dinh, bởi các tư liệu cũng đều phát sinh từ dân gian địa phương này, được người dân tin thờ.
Dinh Bà là ngôi miếu duy nhất tại Cửu An có thần chủ là nữ thần. Đặc biệt, dinh Bà gắn liền với truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Yă Đố, người vợ Bahnar của Nguyễn Nhạc-là minh chứng cụ thể cho tình đoàn kết cũng như sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa người Kinh và người Thượng tại vùng Tây Sơn Thượng Đạo. Trên những cơ sở này, cá nhân người viết cho rằng, có thể xem dinh Bà là nơi thờ bà Phi (vợ) người Thượng của Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc với tư cách là vị thần chính.
Tuy có ý nghĩa sâu sắc và giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo là thế, nhưng chánh điện dinh Bà đã sụp đổ từ lâu, kiến trúc thay thế hiện tại rất sơ sài. Những cấu kiện kiến trúc cổ xưa còn lại thì xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sụp đổ hoàn toàn nếu không kịp thời có biện pháp gia cố, trùng tu đúng đắn.
Năm 2022, dinh Bà được xếp vào danh mục các điểm di tích quốc gia đặc biệt thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Hy vọng, trên cơ sở này, dinh Bà sẽ được quan tâm nhiều hơn và việc xây tượng đài 2 vợ chồng vị vua đầu tiên của nhà Tây Sơn tại dinh Bà hoặc An Khê trường sẽ là một ý tưởng hay, làm nên nét hấp dẫn đặc sắc cho khu di tích Tây Sơn Thượng đạo.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dinh-ba-o-cuu-an-tho-ai-post269083.html