Đỉnh cao chiến thuật của Tuchel: Cánh phải ảo diệu của Chelsea
Chelsea thắng thuyết phục Man City trong trận chung kết Champions League và Thomas Tuchel có lần thứ 3 liên tiếp đánh bại Pep Guardiola. Một lần nữa, tư duy chiến thuật mạch lạc của người Đức lại được thể hiện trước những tính toán của người Tây Ban Nha.
Đầu tiên, cần phải khẳng định, đây là trận đấu của những pha bắt bài nhau. Trước đêm ở Dragao, Chelsea trong tay Tuchel từng 2 lần đánh bại Man City trong mùa này, một ở bán kết FA Cup và một ở lượt về Premier League.
Những đúc kết từ 2 trận đấu đó rất rõ ràng, Chelsea sẽ chủ động chơi phòng ngự phản công. Thực tế thì phần lớn đội nào gặp Man City mà chẳng đá phòng ngự phản công? Điều khác biệt của Chelsea là họ có đủ nhân sự chất lượng để bóp nghẹt tuyến giữa của City, đồng thời bịt kín những lối vào khung thành của Mendy dựa trên hệ thống 3 trung vệ, kết hợp 2 wing-back và 2 tiền vệ chuyên phòng ngự. Đối đầu City, cứ phòng ngự chắc là có cơ hội.
Ở những thất bại trước, City đi vào lối mòn khi cầm bóng rất nhiều nhưng không thể tạo ra số cơ hội nguy hiểm tương ứng. Lối chơi của họ thiếu điểm nhấn và nếu thế trận bị đẩy vào thế giằng co, bất lợi sẽ đến với hàng thủ luôn dâng cao của City.
Pep biết Tuchel sẽ bắt bài mình nên dụng ý... bắt bài lại. Dù nhiều người chỉ trích nhưng không phải ngẫu nhiên mà Pep bất ngờ điền tên Raheem Sterling vào đội hình chính. Sterling từ lâu đã mất vị trí vào tay Foden ở hành lang trái nhưng Pep muốn dành sự bất ngờ này cho Tuchel.
Theo lời giải thích của Pep thì tốc độ của Sterling sẽ là chìa khóa giải mã hàng thủ kín kẽ của Chelsea. Sự đột biến mà City thiếu trong 2 lần gặp mặt trước sẽ nằm cả ở những pha đi bóng lắt léo của cựu thành viên Liverpool.
Dụng ý của Pep được thể hiện rất rõ ràng trong hiệp 1. Hướng tấn công chủ đạo của City là bên cánh trái. Từ quả phất bóng dài chuẩn xác của Ederson lên cho Sterling mở tốc độ phá bẫy việt vị thoát xuống ngay phút thứ 8, đến những pha phối hợp sau đó đều lệch hẳn về hành lang này.
Những lần Sterling xâm nhập vòng cấm, đến cơ hội dứt điểm của Foden bị Rudiger chặn lại cũng xuất phát từ bên cánh trái. Nhưng Pep cao tay thì Tuchel cũng chẳng phải tay vừa. Những con người trong đội hình xuất phát của Chelsea ở Dragao không có gì đặc biệt so với những lần đối đầu City trước, nhưng đặc biệt lại đến ở cách sắp xếp.
Trước khi đấu City, ở 3 trận gần nhất, Tuchel đều sắp xếp lạ khi kéo Reece James - một cầu thủ chuyên đá wing-back, về đá trung vệ lệch phải. Trong khi lại kéo Azpilicueta theo hướng ngược lại. Đây được cho là biện pháp để tận dụng tốc độ của James nhằm ngăn chặn các mũi nhọn nhanh nhẹn như Jamie Vardy và Ollie Watkins.
Nhưng khi nhận thấy Sterling có tên trong đội hình xuất phát của City, Tuchel lại đảo lại vị trí của James và Azpilicueta. James bắt chết được Sterling là coi như bài toán lại trở về dạng ban đầu dù có đổi thông số như thế nào đi chăng nữa.
Đúng như kỳ vọng, James khiến cho Sterling có một đêm mệt mỏi cùng cực. Tình huống ở phút thứ 8 là ví dụ tiêu biểu nhất, cú phất bóng của Ederson cực kỳ bất ngờ và Sterling có lợi thế xuất phát trước. Nhưng dù bị động hơn, James vẫn kịp quay về và chạm chân vào bóng, qua đó làm hẹp đi rất nhiều góc sút của Sterling.
Những màn đối đầu tiếp sau cũng đều đi theo kịch bản tương tự. James theo Sterling đến tận cùng và nếu chẳng may Sterling vượt qua, vẫn còn Azpilicueta ở phía sau bọc lót.
Bên cánh đối diện, Ben Chilwell cũng 1 kèm 1 rát như vậy với Riyad Mahrez. Áp sát ngay khi đối thủ nhận bóng, tranh chấp đến tận cùng không quên tặng kèm những "tiểu xảo" gây ức chế đối phương. Cả hai hành lang của Chelsea đều được bịt kín khiến việc cầm bóng nhiều của City vô tác dụng.
Đương nhiên, đây cũng là trận đấu mà mọi thành viên của Chelsea đều đạt phong độ cao, nổi bật như Kante, Rudiger và Mount nên cũng khiến những hướng thoát bóng khác của City đi vào bế tắc. Không những thế, đến tiền đạo cắm như Timo Werner cũng cực kỳ chịu khó lui về tranh chấp và gây khó thở cho City từ mọi hướng.
Bên cạnh đó, Pep cũng "giúp" Tuchel một phần khi không tung ra sân bất cứ tiền vệ trụ thực thụ nào. Thay đổi Sterling có thể không sai đến thế nếu đội hình của City cân bằng hơn với Fernandinho hoặc Rodri, thay vì "tham" dùng cả Foden ở tuyến tiền vệ.
Gundogan tranh chấp cực kém nhất là với những đối thủ tốc độ và kỹ thuật như Werner hay Havertz, Bernardo Silva và Foden cũng chẳng khá hơn khiến nhiệm vụ đoạt lại bóng ngay sau khi mất bóng trở nên quá tầm.
Phải mãi tới hiệp 2, khi De Bruyne chấn thương và buộc phải thay ra, cộng thêm Bernardo Silva thi đấu kém hiệu quả, Pep mới tung Fernandinho vào sân. Lúc đấy, chuyện đã quá muộn.
Cái "sai" này dẫn đến cái "sai" khác, đơn cử như dùng Jesus và Aguero. Đương nhiên, lúc cần bàn thắng thì tung tiền đạo thực thụ vào là hợp logic. Nhưng đó là với những đội bóng khác chứ không phải cỗ máy được lập trình theo tư duy "số 9 ảo" xuyên suốt mùa này của City.
Các đồng đội không quen thấy Jesus và Aguero trên sân, đặc biệt là cùng lúc, nên biết phối hợp làm sao khi mà cầu thủ sáng tạo bậc nhất như De Bruyne đã bị thay ra? Hãy để ý 20 phút cuối trận (cộng cả 7 phút bù giờ), City trở về đúng dạng yếu nhất của mình trong mùa này là thi đấu với 2 tiền đạo.
Chỉ thêm tiền đạo chứ không thêm sáng tạo, City thậm chí còn tự bộc lộ những điểm yếu của mình. Thời gian càng gấp, các đường tạt sớm từ 2 biên càng nhiều. City đã có tiền đạo mục tiêu nhưng họ đều không phải những cầu thủ cao lớn giỏi băng cắt. City lúc này chỉ là một đội bóng hỗn loạn, mất phương hướng và thi đấu tự phát. Ở thời khắc nguy nan nhất, đội bóng này đã "chữ thầy trả thầy", không còn một chút dấu ấn nào của Pep.
Trong khi đó, Tuchel đã đúng thì không việc gì phải sửa, cứ thế trung thành với chiến thuật đặt ra ban đầu. Nếu Werner sắc bén hơn, họ thậm chí có thể dẫn nhiều hơn 1 bàn sau hiệp 1. Nhưng dẫu sao, khoảng cách 1 bàn là quá đủ để chứng minh tài nghệ của Tuchel, và rằng đôi khi bất biến lại hơn vạn biến.