Đình công ở Hollywood: Nỗi ám ảnh mang tên AI

Chống lại trí tuệ nhân tạo (AI) và các khoản mà người biểu diễn đáng lẽ được nhận khi chiếu lại các bộ phim hoặc chương trình truyền hình trên các nền tảng trực tuyến là 2 lý do quan trọng nhất mà giới nghệ sĩ Hollywood nêu ra trong cuộc đình công lớn nhất lịch sử.

Bảo vệ chính khuôn mặt của mình

Buổi ra mắt bom tấn Oppenheimer tại Anh vào giữa tháng 7 đã phải dời lịch sớm hơn một giờ so với dự kiến để dàn diễn viên có thể bước lên thảm đỏ. Bởi chỉ vài giờ sau đó là thời hạn mà Hiệp hội Diễn viên màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) chính thức đình công chống lại các hãng phim Hollywood. Thậm chí, nhiều diễn viên đã bỏ về giữa buổi ra mắt.

Trong bản ghi nhớ dài 12 trang, SAG-AFTRA đã trình bày các yêu cầu và đề xuất phản đối với Liên minh Các nhà sản xuất phim và truyền hình (AMPTP). Trong số đó, 2 yêu cầu quan trọng nhất là khoản thanh toán cho diễn viên khi các tác phẩm họ từng tham gia được chiếu lại trên các nền tảng trực tuyến và việc ai sẽ sở hữu/sử dụng chân dung của một diễn viên được tái tạo bởi AI. Nếu vấn đề khoản thanh toán được cho là có thể thương lượng thì việc mua lại gương mặt diễn viên và dùng AI để thể hiện trong các tác phẩm lại không có cách giải quyết cụ thể.

Duncan Crabtree-Ireland, Giám đốc điều hành và cố vấn chung của SAG-AFTRA, cho biết: “Họ đề xuất những người biểu diễn sẽ được trả khoản phí một lần để quét hình ảnh khuôn mặt, sau đó các công ty sở hữu bản quét có thể sử dụng mãi mãi cho bất kỳ dự án nào, không cần sự đồng ý và không phải trả thêm. Đó là điều khó chấp nhận”.

Nam diễn viên Matt Damon thì nhấn mạnh: “Đây không còn là chuyện viễn tưởng. Đây là thứ sống còn”... Thực tế, việc sử dụng AI trong tái tạo khuôn mặt diễn viên không phải chuyện mới. 10 năm trước, khi đang quay bộ phim Fast & Furious 7, một trong những diễn viên chính là Paul Walker đã đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, các nhà làm phim đã tái tạo hình ảnh của anh bằng công nghệ vi tính một cách chân thực nhất. Chính Hollywood cũng làm phim về việc gương mặt diễn viên được số hóa và đưa vào các bộ phim mà bản thân diễn viên không hề hay biết cho đến khi xảy ra các hệ lụy xấu.

Có lẽ vì thế, cuộc đình công của các diễn viên Hollywood được giới nghệ sĩ cả thế giới chú ý bởi đây không thuần túy là hoạt động đòi quyền lợi mà còn ảnh hưởng chung đến tương lai ngành biểu diễn. Cùng thời điểm, các diễn viên ở Italy cũng đình công vì nỗi lo sử dụng khuôn mặt số hóa của diễn viên cho các tác phẩm mà họ không thể giám sát. Equity - Hiệp hội Các diễn viên Vương quốc Anh cũng cho biết họ sẽ đoàn kết bền vững với SAG-AFTRA trong cuộc đấu tranh này.

Thiệt hại kéo dài

Theo Internet movie database, một số bộ phim bom tấn lớn nhất hiện nay đang được sản xuất gồm: Ghostbusters 4; Mufasa: The Lion King và Avatar 3, 4; Paddington II - Paddington in Peru; Deadpool 3; Gladiator 2; Beetlejuice 2… tất cả sẽ dừng quay dù mọi khâu chuẩn bị đã xong.

Theo số liệu từ FilmLA, số giấy phép quay phim cho các dự án phim truyện và truyền hình, gồm cả truyền hình thực tế ở Los Angeles đã giảm 64% vào tuần trước, so với cùng kỳ 2022. Cuộc đình công này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động quảng bá, đặc biệt với các phim sắp ra mắt như Haunted Mansion (28-7), Teenage Mutant Ninja Turtles (2-8) hay A Haunting in Venice (2-9).

SAG-AFTRA có khoảng 160.000 thành viên, gồm diễn viên, người biểu diễn, người dẫn chương trình, người mẫu... Danh sách các ngôi sao hạng A đã ký tên tham gia cuộc đình công có Meryl Streep, Jennifer Lawrence, Charlize Theron, Joaquin Phoenix, Jamie Lee Curtis, Olivia Wilde, Ewan McGregor, George Clooney, John Cusack, Mark Ruffalo...

Ở lĩnh vực truyền hình, khi các biên kịch đình công đã làm gián đoạn các dự án lớn như loạt phim House of the Dragon (hậu truyện của loạt phim Game of Thrones). Tuy nhiên, cuộc đình công của các diễn viên đồng nghĩa với việc dù kịch bản đã hoàn thành thì dự án vẫn bị đình trệ, trong đó có nhiều dự án lớn như Night Court, Chicago Med, Fire và P.D, NCIS và Young Sheldon, Family Guy, The Simpsons...

Nhiều chương trình truyền hình được chờ mong như Stranger Things, The Last of Us, Yellowjackets, Saturday Night Live... thậm chí còn bị ảnh hưởng kép từ 2 cuộc đình công. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện điện ảnh quan trọng như lễ trao giải Emmy Awards hay các liên hoan phim Toronto, Telluride và Venice có thể diễn ra mà không có bất kỳ ngôi sao nào tham gia...

Cho đến nay, vẫn không ai biết các cuộc đình công sẽ còn kéo dài đến bao giờ khi mà các rào cản giữa hai bên còn quá lớn nhất là câu chuyện về AI, một tương lai bất định đầy ám ảnh của giới biểu diễn toàn cầu.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dinh-cong-o-hollywood-noi-am-anh-mang-ten-ai-post698821.html