Đình Đầm Hà – điểm tựa tâm linh của người dân vùng cửa biển

Nằm ở trung tâm thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh), di tích đình Đầm Hà là một địa chỉ văn hóa tâm linh thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh cũng như du khách gần xa.

Theo các tư liệu lịch sử, đình Đầm Hà khởi đầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 ở khu vực chợ Đầm Hà cũ, cách vị trí đình hiện nay hơn 1km về hướng Đông. Giữa thế kỷ 19, đình bị giặc đốt phá cùng với chùa Đầm Hà. Đến cuối thế kỷ 19, dân làng xây dựng lại ngôi đình ở vị trí hiện nay.

Đình Đầm Hà thờ: Không Lộ chi thần; Giác Hải chi thần; Quý Minh chi thần; Thái Lệ linh ứng chi thần; Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị thượng đẳng thần. Ngoài các vị thần trên, dân làng Đầm Hà còn phối thờ Lý Thường Kiệt, 12 vị tiên nhân của dòng họ Hoàng, dòng họ Phan sinh sống lâu năm ở vùng đất Đầm Hà và 15 vị Hậu thần đã đóng góp điền sản xây dựng đình Đầm Hà.

Đình Đầm Hà thiết kế với mái vòm cổ kính lợp ngói âm dương, trên đỉnh nóc có đôi long chầu mặt nguyệt.

Đình Đầm Hà thiết kế với mái vòm cổ kính lợp ngói âm dương, trên đỉnh nóc có đôi long chầu mặt nguyệt.

Lễ hội truyền thống đình Đầm Hà xưa kia được tổ chức rất linh đình trong 6 ngày 5 đêm (từ 15 đến 20 tháng Giêng âm lịch). Ngoài các nghi thức rước, tế Thành hoàng, lễ hội đình Đầm Hà có nhiều nét độc đáo riêng biệt, đó là: Lễ rước 17 mâm cỗ chay trước khi rước Thành hoàng; lễ dừng kiệu xin rút ngắn ngày tổ chức lễ hội trong lúc đi rước Thành hoàng, nếu năm đó không tổ chức đủ 6 ngày như thường lệ; nghi thức chạy cờ xung quanh đình, miếu trong lúc rước; lễ dừng kiệu hát mừng trong lúc rước Thành hoàng về đình; sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế;

Đặc biệt, trong ngày hội đình Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) có một chương trình lễ rất độc đáo là Lễ Cáo trạng. Đến phần lễ này, những người con của quê hương Đầm Hà nếu được thăng quan tiến chức hay đỗ Sơ học yếu lược (lớp 4 thời xưa), cho dù rất bận cũng phải về dự. Lễ này tôn vinh tinh thần khuyến học, khuyến tài của người dân quê hương Đầm Hà đã được quy định trong lệ làng từ rất sớm. Tinh thần hiếu học đó đến nay vẫn được người dân Đầm Hà tiếp tục gìn giữ, phát huy.

Tấm biển chỉ dẫn vị trí Đình Đầm Hà và cụm di tích ở trung tâm thị trấn.

Tấm biển chỉ dẫn vị trí Đình Đầm Hà và cụm di tích ở trung tâm thị trấn.

Từ năm 1957, do nhiều nguyên nhân, lễ hội đình Đầm Hà không được tổ chức. Năm 1963, đình Đầm Hà cũng như nhiều ngôi đình khác trong huyện bị dỡ bỏ. Những hình ảnh về Đình và Lễ hội đình Đầm Hà, đặc biệt các điệu múa cổ, các bài hát cửa đình, xướng đào... chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của lớp người cao tuổi.

Vào năm 2009, Lễ hội truyền thống đình Đầm Hà được chính quyền huyện phục dựng lại sau 52 năm bị gián đoạn. Năm 2011, Cụm di tích Đình - Miếu, Chùa Đầm Hà được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Cùng năm, đình Đầm Hà được tôn tạo, xây dựng lại với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của huyện và nguồn kinh phí xã hội hóa. Công trình đình Đầm Hà được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng Lễ hội truyền thống Xuân Quý Tỵ 2013 - dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Di tích Đình Đầm Hà - Công trình chào mừng Kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Di tích Đình Đầm Hà - Công trình chào mừng Kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Lễ hội truyền thống đình Đầm Hà tạm ngừng tổ chức hoặc chỉ được tổ chức với quy mô thu hẹp. Tuy vậy, vẫn không ngăn được tấm lòng những người con của quê hương Đầm Hà và du khách đến với di tích để tham quan, chiêm bái. Theo quan sát, du khách đến thăm di tích đều thực hiện việc quét mã QR và tuân thủ quy tắc 5K trong phòng chống dịch.

Dịp đầu Xuân năm mới Nhâm Dần, rất đông người dân và du khách đến chiêm bái cửa đình để cầu xin sức khỏe, bình an, tài lộc cũng như mong con đường công danh, học hành hanh thông, thuận lợi.

Diệu Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dinh-dam-ha-diem-tua-tam-linh-cua-nguoi-dan-vung-cua-bien-post434565.html