Định hình Trung tâm Tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh

Sau hơn 20 năm 'thai nghén', Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh đã có bước tiến mới tích cực trong thời gian gần đây, khi Bộ Chính trị chính thức đồng ý chủ trương này.

Một góc TP Hồ Chí Minh năng động, hiện đại. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Một góc TP Hồ Chí Minh năng động, hiện đại. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Với lợi thế sẵn có, việc định hình Trung tâm Tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước. Tuy vậy, để rút ngắn khoảng cách và tạo điểm thu hút khác biệt so với các trung tâm tài chính hiện hữu, TP Hồ Chí Minh vẫn cần có chiến lược tổng thể và một mô hình phát triển phù hợp mang tính vượt trội.

Cơ hội trở thành một Fintech Hub

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS), mô hình trung tâm tài chính quốc tế ngày nay đã khác rất nhiều so với thời điểm thành phố đặt vấn đề cách đây 20 năm, nhưng ý tưởng chung là cần cơ chế thúc đẩy và quản lý hiệu quả.

Đại diện HIDS cho rằng, TP Hồ Chí Minh sẽ lựa chọn mô hình với góc nhìn phù hợp và hình thành nên chính sách đi cùng; trong đó, việc ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong Trung tâm Tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh là vấn đề rất quan trọng.

Thực tế, tại Việt Nam hiện cũng đã ứng dụng vào một số lĩnh vực như cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox) trong cho vay ngang hàng (P2P Lending); ứng dụng AI để đánh giá tín dụng, chấm điểm tín dụng; ứng dụng AI vào khởi nghiệp ở TP Hồ Chí Minh…

Trước đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh Tế TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, Fintech được dự báo sẽ làm thay đổi cuộc chơi của các trung tâm tài chính quốc tế trên toàn thế giới. Điều này sẽ gợi ý về việc phát triển một Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam, với TP Hồ Chí Minh là điểm đến lý tưởng để triển khai, bước đầu bằng việc tập trung vào lĩnh vực Fintech.

Việc xây dựng TP Hồ Chí Minh thành một trung tâm công nghệ tài chính (Fintech Hub) cũng là gợi ý của nhiều chuyên gia trong bối cảnh thị trường Fintech toàn cầu đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị đạt khoảng 310 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Theo Robocash Group, Fintech tại Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN chỉ sau Singapore và được dự đoán đạt khoảng 18 tỷ USD trong năm 2024.

Theo bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, thị trường Fintech phát triển và được hỗ trợ bởi rất nhiều ứng dụng trong các giải pháp tài chính cũng như tài sản kỹ thuật số. Các nhà phân tích đã ước tính trong 5 - 10 năm tới, thị trường Fintech có thể tăng trưởng 25 - 30% mỗi năm nhờ ứng dụng AI, máy học (machine learning), khả năng tiếp cận xuyên biên giới ngày càng tăng lên.

Tại Việt Nam, sự phát triển của Fintech trong thời gian qua được đánh giá khá nhanh với những ứng dụng như thanh toán số, ví điện tử, cho đến vay ngang hàng (P2P), công ty chứng khoán thuần công nghệ… Đáng chú ý, phần lớn các doanh nghiệp Fintech hiện nay đều quy tụ TP Hồ Chí Minh, với thống kê sơ bộ có khoảng hơn 150 doanh nghiệp Fintech hoạt động.

Dự thảo Nghị định Sandbox cùng với kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đã tạo môi trường thuận lợi để startup Fintech phát triển. Bên cạnh đó, sự hợp tác mang tính “cộng sinh” giữa các ngân hàng và các công ty Fintech đã thúc đẩy các doanh nghiệp Fintech ngày càng lớn mạnh.

Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng thu hút sự chú ý của các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ tài chính toàn cầu như Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts, Quỹ Blackstone, Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (ADIA); bên cạnh các thương hiệu quen thuộc như Samsung, Hyosung, Intel, Google, Amkor, Hana Micron, Synopsys…

Đáng chú ý, báo cáo xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI) lần thứ 36 (tháng 9/2024) cho thấy, trong lĩnh vực Fintech, TP Hồ Chí Minh đạt 609 điểm, xếp hạng 100/116, tăng 4 bậc và tăng 6 điểm so với báo cáo trước. So với các trung tâm tài chính trong khu vực, TP Hồ Chí Minh xếp sau Jarkarta - Indonesia (xếp hạng 94), nhưng đứng trên Manila - Philippines (101) và Bangkok - Thái Lan (102).

Những dữ kiện trên cho thấy TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội để trở thành một Trung tâm Tài chính quốc tế theo mô hình Fintech Hub. Tuy vậy, nếu nhìn ra quốc tế, thị trường Fintech trong nước vẫn ở trong giai đoạn khá sơ khai với rào cản lớn nhất là khung pháp lý chưa hoàn thiện.

Cơ hội thử nghiệm

Theo các chuyên gia, để sớm hiện thực hóa cơ hội, Trung tâm Tài chính quốc tế Tp. Hồ Chí Minh có thể thử nghiệm mô hình kinh doanh Fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong bối cảnh tiền mã hóa đang có xu hướng phát triển mạnh trên toàn cầu. Điều này cũng tương đồng với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam.

Cụ thể, một trong những cơ chế ưu đãi đặc biệt với trung tâm tài chính là cho phép thực hiện cơ chế sandbox với mô hình kinh doanh Fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa; đồng thời thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho trung tâm tài chính. Các giao dịch bằng tài sản mã hóa trong trung tâm tài chính dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2026.

Đề xuất này đang nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, bởi lẽ làn sóng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ mạnh mẽ và dịch vụ tài chính ngày càng dựa vào công nghệ. Bản chất của các trung tâm tài chính sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu; đồng thời là cơ hội cho trung tâm non trẻ ra đời.

Tại một tọa đàm mới đây, ông Đức Trần, Giám đốc Quỹ Đầu tư IDG Capital Vietnam Blockchain cũng cho rằng, khi triển khai mô hình sandbox cho Fintech có thể vừa làm vừa điều chỉnh. Nhiều năm trước, thị trường tài chính Việt Nam đã từng có một số trường hợp áp dụng cơ chế thử nghiệm mô hình thanh toán, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tạo thành liên minh thanh toán và đều thành công.

Tuy nhiên, theo ông, việc thử nghiệm cơ chế cho Fintech ở Trung tâm Tài chính quốc tế Tp. Hồ Chí Minh cần phải độc lập với hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm ở hiện tại. Đồng thời, cần có hệ sinh thái rõ ràng cả về mặt pháp lý và môi trường để có thể triển khai cũng như tránh rủi ro có thể xảy ra.

Theo các chuyên gia, khung sandbox nên đi theo hướng khuyến khích các Fintech trở thành “cánh tay nối dài” của các tổ chức tài chính truyền thống. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát dòng tiền, các định chế tài chính thường có hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos 55 mới đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhận định, Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố hứa hẹn thúc đẩy phát triển các lĩnh vực như Fintech, tài chính xanh; đồng thời nâng cao vị thế thành phố trên bản đồ tài chính khu vực và thế giới.

Tại đây, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, mục tiêu đưa TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của thành phố mà còn là quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Theo người đứng đầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thành phố đang tập trung tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, cam kết mạnh mẽ về phát triển các ngành then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng số. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang hình thành cơ chế khuyến khích các đề tài ứng dụng trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang hoàn chỉnh hồ sơ về Trung tâm Tài chính quốc tế để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội trong phiên họp tháng 5/2025. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kỳ vọng Trung tâm Tài chính quốc tế sẽ là động lực mới để cho thành phố tăng tốc phát triển, bứt phá trong thời gian tới.

Hứa Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dinh-hinh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tp-ho-chi-minh-20250203103855740.htm