Định hình tương lai cho TP HCM
TP HCM cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, xác định nhiệm vụ trọng tâm và có những giải pháp đột phá, đồng bộ thì mới có thể đạt được các chỉ tiêu trong giai đoạn 2026 - 2030
Sáng 24-8, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo tham vấn định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2026 - 2030.
Cần thể chế vượt trội
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 - nhấn mạnh cần lý giải bài toán phát triển TP HCM trong giai đoạn 2026 - 2030 với 3 quan điểm lớn: tận dụng thời cơ - khai thác nguồn lực - tăng trưởng nhanh, bền vững.
"Tức là tiếp cận theo bài toán ngược để định hình chính sách và giải pháp phát triển với quyết tâm chính trị cao nhất, để vừa giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang tồn tại vừa tạo nền tảng cho việc xây dựng thành phố toàn cầu, ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới" - TS Trần Du Lịch phân tích.
Theo TS Trần Du Lịch, để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP HCM trong giai đoạn 2026 - 2030, cần đổi mới tư duy và cách làm. Thời cơ đang mở ra cho giai đoạn phát triển mới, trong đó việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng với nền tảng xanh và số mang tính tất yếu. Cần xây dựng bài toán ngược để tính toán về phương thức huy động nguồn lực thông qua khâu đột phá về thể chế.
"Trong giai đoạn 2026 - 2030, TP HCM vẫn phải vừa triển khai những chương trình dự án mới theo quy hoạch nhưng vẫn phải thực hiện dứt điểm nhữ̛ng công trình, dự án đang tồn tại, gây lãng phí nguồn lực. Do đó, cần đổi mới phương thức thực thi, tránh lối mòn và phải khơi dậy được truyền thống năng động sáng tạo của cả hệ thống chính trị" - TS Trần Du Lịch nói.
Theo TS Dư Phước Tân, bên cạnh hỗ trợ hoàn thiện pháp lý khi triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội hiện nay TP HCM cần bổ sung đề xuất về việc xem xét phân cấp, phân quyền cho TP HCM nhiều hơn nữa. Đặc biệt, một giải pháp tối ưu trong giai đoạn 2026 - 2030 cho TP HCM là cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng và ban hành Luật Quản lý và Phát triển thành phố đặc biệt.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, cũng cho rằng TP HCM phải có một thể chế vượt trội, công khai, minh bạch. Ông cho biết sau khi sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, TP HCM kỳ vọng có Luật Đô thị đặc biệt. Nếu TP HCM tạo được thể chế, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng; năng lực y tế, chăm sóc sức khỏe tốt; tình hình an ninh chính trị, an toàn thì chắc chắn việc đầu tư vào thành phố sẽ vượt trội.
Vượt bẫy thu nhập trung bình
Theo PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật TP HCM, TP HCM cần tiếp tục kiên trì theo đuổi việc đề nghị trung ương phân cấp nhiều hơn, mạnh hơn và triệt để hơn cho TP HCM theo đúng tinh thần "cái gì phân cấp được thì nên phân cấp".
Ông Nhiêm cũng kiến nghị TP HCM nên tập trung vào một số vấn đề để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, chủ động tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để chủ động đề xuất với trung ương, không chờ trung ương "nghĩ giùm". Kiên trì định hướng phát triển TP HCM thành "đô thị thông minh"; Đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng giao thông để khắc phục tình trạng ùn tắc. Phân cấp mạnh hơn, triệt để hơn cho các quận và TP Thủ Đức.
Theo GS-TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP HCM, TP HCM cần cân bằng 3 khía cạnh để hướng đến mô hình phát triển bền vững. Đó là: kinh tế, phúc lợi xã hội và môi trường. Cụ thể, cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều thuận lợi cho tăng trưởng khu vực công nghệ cao, thương mại và du lịch; thúc đẩy kinh tế sáng tạo; tăng cường chất lượng giáo dục; xây dựng mạng lưới giao thông hỗ trợ giao thông đa phương tiện; tăng cường an toàn công cộng, bảo đảm độ bao phủ cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân...
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết nhiều tổ chức và chuyên gia nhận định Việt Nam còn 10 năm nữa để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Do đó, việc hoạch định những định hướng, nhiệm vụ giải pháp về kinh tế - xã hội đến năm 2030 sẽ khai mở, đặt nền tảng để đến năm 2035 TP HCM sẽ góp phần cùng với cả nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Ông Mãi nhấn mạnh TP HCM phải đi tiên phong, "tự ta phải vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình".
Cũng theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trong giai đoạn 2025 - 2030, kinh tế TP HCM phải tăng trưởng khoảng 9%. Để đạt được mục tiêu này, TP HCM phải tiến hành hàng loạt công việc từ huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Muốn vậy, TP HCM phải có một thể chế phù hợp, phải nâng cao năng lực hấp thụ vốn đầu tư, cải cách mạnh mẽ bộ máy và đội ngũ cán bộ.
Cũng theo ông Mãi, TP HCM phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao; chọn những nội dung trọng tâm, những công việc và công trình, dự án cụ thể để tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm 2025 và cho giai đoạn 2025 - 2030.
"Cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, phải xác định được nhiệm vụ trọng tâm và có những giải pháp đột phá, đồng bộ thì TP HCM mới có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra. Đứng ở góc độ người điều hành, tôi tự tin là TP HCM có đủ điều kiện để thực hiện" - Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định.
10 thách thức lớn của TP HCM
Theo GS-TS Sử Đình Thành, với quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam, TP HCM đương đầu nhiều thách thức của một đô thị lớn.
Cụ thể: đô thị hóa nhanh, chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn yếu kém; ùn tắc giao thông và giao thông công cộng không đầy đủ; vấn đề nhà ở và khả năng chi trả của người dân; vấn đề môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí và quản lý chất thải; chênh lệch về cơ hội kinh tế và bất bình đẳng thu nhập; áp lực về tài nguyên thiên nhiên và quản lý nguồn nước; dễ bị tổn thương trước thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu; những thách thức về quản trị và quy hoạch của một đô thị lớn; các vấn đề xã hội của một đô thị lớn (thất nghiệp, nhập cư, dân số già...); tăng trưởng kinh tế và mối quan tâm về tính bền vững.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dinh-hinh-tuong-lai-cho-tp-hcm-196240824191153895.htm