Định hình tương lai của phụ nữ Việt Nam, hòa bình và an ninh
Việc Việt Nam triển khai xây dựng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh (2024-2030) có nhiều ý nghĩa quan trọng, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự Phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc.
Nghị quyết 1325 - nền tảng xuyên suốt
Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn quốc gia về dự thảo Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh ngày 6/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã dẫn lời Charles Fourier, nhà tư tưởng người Pháp đầu thế kỷ XIX cho rằng “giải phóng phụ nữ là thước đo trình độ giải phóng xã hội”. Cùng với tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”.
Thực tế lịch sử đã cho chúng ta thấy, tăng cường vai trò của phụ nữ gắn liền với sự phát triển và tiến bộ của xã hội loài người. Chỉ khi phụ nữ được trao quyền, được bình đẳng, chỉ khi tiếng nói và kinh nghiệm của phụ nữ được coi trọng và nâng cao thì các giải pháp mới thực sự mang tính toàn diện, bền vững và lâu dài.
Với nhận thức và tư duy đó, theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ và bình đẳng giới đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, trong đó phải kể đến thành tựu về Chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh (PNHBAN).
Nghị quyết 1325 (2000) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã đánh dấu sự ra đời của Chương trình nghị sự quan trọng này, với 2 mục tiêu: Bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ, trẻ em gái và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt giai đoạn của tiến trình giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình.
Hai năm sau khi Nghị quyết 1325 được thông qua, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), khi đó có tên là UNIFEM, đã tiến hành đánh giá độc lập và thu thập thông tin về vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình ở những quốc gia chịu ảnh hưởng của xung đột.
Báo cáo này nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cấp thiết của việc chuyển hóa khuôn khổ quốc tế về PNHBAN thành các hành động cụ thể ở từng quốc gia, khu vực. Bởi vậy, từ năm 2002, HĐBA LHQ đã đưa ra các khuyến nghị về việc thực hiện Nghị quyết 1325 thông qua các “chương trình hành động quốc gia" (CTHĐQG).
Đến năm 2005, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên xây dựng CTHĐQG PNHBAN. Hiện nay, có 107 quốc gia thành viên LHQ (chiếm khoảng 55%) đã thông qua CTHĐQG PNHBAN; trong đó, 56 quốc gia có CTHĐQG đầu tiên về PNHBAN, 27 quốc gia có CTHĐQG thế hệ hai, 15 quốc gia có CTHĐQG thế hệ thứ ba. 6 quốc gia đã có bốn CTHĐQG PNHBAN và 2 quốc gia đang triển khai CTHĐQG thứ năm về vấn đề này.
Hành trình hiện thực hóa mục tiêu
Suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã có nhiều trải nghiệm về chủ đề PNHBAN. Phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, chính những trải nghiệm đó đã thúc đẩy Việt Nam có những ưu tiên quan trọng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế kể từ lần đầu tham gia HĐBA LHQ năm 2008-2009.
Việt Nam đã ghi dấu ấn quan trọng khi chủ trì thúc đẩy HĐBA thông qua Nghị quyết 1889 (2009) về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hậu xung đột - được coi là 1 trong 4 Nghị quyết trụ cột của Chương trình nghị sự PNHBAN của HĐBA.
Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước Chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương về bình đẳng giới với nhiều sáng kiến cụ thể, đặc biệt các sáng kiến của Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực như phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, quyền phụ nữ ven biển và biến đổi khí hậu…
Việt Nam hiện cũng là nước có tỷ lệ nữ chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ở mức cao, đạt 16%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của LHQ là 4%.
Và trong năm 2020, cũng tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị quyết 1325 của HĐBA LHQ, sự kiện toàn cầu duy nhất trong năm kỷ niệm, đồng thời thông qua Cam kết hành động Hà Nội, với 75 nước đồng bảo trợ, trong đó kêu gọi các nước xây dựng CTHĐQG về PNHBAN.
Tuy vậy, Việt Nam cũng hiểu rằng chặng đường hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới nói chung và chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh nói riêng còn đứng trước nhiều thách thức. Dù chiến tranh trôi qua đã lâu, người dân và nhất là phụ nữ Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ thường nhật cũng như những hậu quả nặng nề do bom mìn, vật nổ và chất độc hóa học/dioxin còn sót lại, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh thường nhật và sinh kế của hàng triệu người…
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá, việc Việt Nam triển khai xây dựng CTHĐQG về PNHBAN vào thời điểm này có nhiều ý nghĩa quan trọng, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự PNHBAN, tạo cộng hưởng cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy Chương trình nghị sự này.
CTHĐQG về PNHBAN hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực hòa bình và an ninh, góp phần duy trì hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.
Chương trình hành động này bao gồm 4 mục tiêu chính: Tăng cường sự tham gia đầy đủ, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực chính trị đối ngoại, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn xã hội, xử lý và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế; Phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt trong bối cảnh sự cố, thảm họa; Tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, khắc phục hậu quả chiến tranh và trong thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát huy vai trò và tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy Chương trình nghị sự về PNHBAN ở các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại ASEAN và LHQ.
CTHĐQG sau khi được xây dựng sẽ bổ sung và hoàn thiện các khuôn khổ chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt sẽ là khuôn khổ tổng thể đầu tiên về nội dung này trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể để thúc đẩy hơn nữa các hành động vì PNHBAN, nhất là trước những thách thức mới nổi, các thách thức an ninh phi truyền thống.
Việt Nam luôn có "bạn đồng hành"
Chia sẻ tại Hội thảo này, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng CTHĐQG về PNHBAN.
Bà Caroline Nyamayemombe cho rằng, đây là hành động hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam trong triển khai Cam kết hành động Hà Nội đạt được tại Hội nghị năm 2020, đó là công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong việc tạo lập hòa bình và phát triển bền vững.
Theo bà Caroline Nyamayemombe, thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường sự tham gia đối với phụ nữ, tăng cường hội nhập, thể hiện cách tiếp cận quan trọng để phụ nữ chung tay giải quyết xung đột, có cam kết nhất quán để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. “LHQ sẽ đồng hành trên con đường này đối với Việt Nam”, bà Caroline Nyamayemombe nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại diện ngoại giao đến như nhiều nước trên thế giới có chung đánh giá cao về việc Việt Nam xây dựng CTHĐQG về PNHBAN.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Indonesia – quốc gia đã thực hiện Chương trình hành động quốc gia này được 10 năm, đại diện phòng Chính trị của Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam cho biết, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về PNHBAN, Indonesia đặc biệt chú trọng tới việc tham gia của cấp địa phương, cơ sở trong chương trình này, đây được coi là những hạt nhân quan trọng nhất để đạt được thành công của Chương trình ở cấp quốc gia, lớn dần là khu vực và quốc tế.
Là quốc gia đang thực hiện CTHĐQG về PNHBAN ở thế hệ thứ 5, Na Uy cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đại diện từ Đại sứ quán Na Uy nhấn mạnh rằng, việc tạo ra một quy chuẩn đánh giá việc thực hiện chương trình rất quan trọng, tạo ra một hệ quy chiếu hoạt động xuyên suốt từ địa phương đến trung ương. Do vậy, Việt Nam cũng cần lưu ý đến yếu tố này trong cách triển khai Chương trình hành động của mình.
Như vậy, có thể thấy rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của CTHĐQG về PNHBAN của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Như lời Quyền Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam khẳng định: “Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta không chỉ định hình một tài liệu mà chúng ta đang định hình tương lai của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam cũng như hòa bình và an ninh của chính đất nước các bạn".