Định hình vùng chuyên canh rau và hoa tại Trà Đa
Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh song nhiều năm qua, việc sản xuất rau và hoa ở xã Trà Đa (TP. Pleiku) vẫn còn manh mún, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước thực tế này, UBND TP. Pleiku đã đề ra các giải pháp nhằm đưa Trà Đa trở thành vùng chuyên canh rau và hoa trong thời gian tới.
Mặc dù trời mưa rả rích nhưng các thành viên trong gia đình ông Đoàn Khắc Châu (thôn 1, xã Trà Đa) vẫn miệt mài trên ruộng rau trước nhà để thu hoạch đợt bắp sú cuối cùng gom bán cho thương lái. Vụ này thời tiết không thuận lợi nên ruộng bắp sú của gia đình ông bị sâu bệnh, năng suất thấp nhưng giá cả nhỉnh hơn so với năm trước.
Ông Châu vừa là Trưởng thôn vừa là thành viên nhóm sở thích trồng hoa và rau VietGAP ở địa phương trong suốt 10 năm qua. Vì thế, ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn giữ vai trò đầu tàu kết nối các nông dân khác trong thôn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất mà lại an toàn, hạn chế gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ông kể: “Người dân Trà Đa bắt đầu trồng rau màu và hoa từ sau ngày giải phóng. Ban đầu, bà con chỉ trồng một ít trong vườn để ăn, còn đa phần đất dành trồng cà phê. Mãi đến những năm 1994-1995, người dân mới phát triển rầm rộ cây rau với đủ chủng loại kết hợp trồng hoa lay ơn để bán vào dịp Tết, thay thế cho diện tích cà phê trên chân đất ẩm thấp kém hiệu quả. Riêng thôn 1 hiện nay có khoảng 14 ha chuyên trồng rau và hoa”.
Năm 2014, thể theo nguyện vọng của nông dân, TP. Pleiku đã đầu tư cho xã Trà Đa 1 nhà sơ chế rau củ quả và 3 kho lạnh đặt tại thôn 1, thôn 5 để bà con bảo quản giống hoa. Tổng chi phí xây dựng mỗi kho lạnh là 120-130 triệu đồng, trong đó người dân bỏ ra 30 triệu đồng, còn lại Nhà nước hỗ trợ. Nhận thấy hiệu quả, 2 hộ dân khác cũng tự bỏ kinh phí để đầu tư thêm 2 kho lạnh có cùng giá trị. “Mỗi kho lạnh chứa khoảng 5 tấn củ giống hoa lay ơn. Sau khi thu hoạch lấy củ, bà con sẽ gửi giống bảo quản trong kho 2-2,5 tháng với giá 20.000-40.000 đồng/khay/25 kg. Số tiền này chủ yếu để thanh toán tiền điện hàng tháng. Đến vụ gieo trồng, họ sẽ đưa giống ra khỏi kho 15 ngày trước khi tiến hành xuống giống. Từ ngày có kho lạnh, chúng tôi không phải lặn lội sang Đà Lạt lấy giống về trồng nữa”-ông Châu cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku: Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã có chuyến khảo sát thực tế tại Trà Đa và nhận thấy nơi đây rất có tiềm năng để hình thành vùng chuyên canh rau, hoa. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu xã liên kết nông dân lại trong một tổ chức câu lạc bộ hay tổ hợp tác sản xuất, tiến tới thành lập hợp tác xã để hỗ trợ người dân, đặc biệt là vấn đề đầu ra, tránh bị thương lái ép giá, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Quý-Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Đa-cho biết: Toàn xã có gần 20 ha rau màu các loại và hoa lay ơn, chủ yếu ở thôn 1 và thôn 5. Đây là 2 địa bàn trồng rau, hoa lâu năm của xã và có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước để phát triển. Vừa qua, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo về việc định hình vùng chuyên canh rau và hoa tại xã Trà Đa. Ngay sau đó, UBND xã đã chỉ đạo Hội Nông dân xã khảo sát để thành lập “Nông hội rau, hoa Trà Đa”. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho bà con học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh rau, hoa; chung tay xây dựng nền nông nghiệp đô thị; động viên và hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp; tìm các giải pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất trong sản xuất, kinh doanh rau, hoa cho các nhà vườn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sạch và hợp tác sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. “Hiện chúng tôi đã dự thảo nội quy, quy chế hoạt động của “Nông hội rau, hoa Trà Đa”; đồng thời tiến hành rà soát các hội viên, nông dân trồng rau và hoa trên địa bàn xã với 59 hộ. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ chỉ đạo các chi hội Nông dân phối hợp với Ban nhân dân thôn tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi chủ trương này để cho người dân nắm bắt, thống nhất rồi đăng ký tham gia. Dự kiến đến cuối tháng 9 này, xã sẽ cho ra mắt nông hội”-bà Quý thông tin thêm.
Dù chưa chính thức tham gia “Nông hội rau, hoa Trà Đa” song nhiều nông dân trên địa bàn xã đã tỏ ra vô cùng phấn khởi khi biết thông tin này. Vừa tranh thủ làm cỏ cho ruộng lay ơn sắp ra hoa, anh Mai Xuân Thương (thôn 1) vui vẻ chia sẻ: “Trước nay, người dân trong xã chủ yếu trồng tự phát nên nhiều lúc giá cả không ổn định, bấp bênh về đầu ra. Do đó, việc thành lập “Nông hội hoa, rau Trà Đa” là vô cùng hữu ích cho nông dân về mọi mặt. Bản thân tôi rất ủng hộ chủ trương này và nhất định sẽ tham gia. Theo tôi biết, ở Đà Lạt, người ta cũng trồng rau, hoa có tổ chức như thế này và không bao giờ lo ế ẩm cả”.
Ông Trần Văn Trung (thôn 5) cũng phấn khởi không kém. Tuy nhiên, ông cho rằng, khi tham gia nông hội, bà con phải thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng văn minh và an toàn cho người tiêu dùng. “Hiện nay, để đạt năng suất cao, nông dân thường sử dụng khá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, sáng phun chiều hái là chuyện không tránh khỏi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân người trồng, người tiêu dùng lẫn môi trường sống xung quanh đồng ruộng. Vì vậy, tôi thiết nghĩ, khi đã tham gia nông hội, bà con phải hạn chế tối đa việc dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, thay thế bằng các loại thuốc hữu cơ, vi sinh, hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững, chấp nhận năng suất thấp nhưng đổi lại giá thành sẽ cao và ổn định hơn”-ông Trung nhận định.