Định hướng Cần Giờ thành đô thị sinh thái hiện đại vùng Đông Nam bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa cùng lãnh đạo TPHCM khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong nội dung kết luận, ông lưu ý việc phối hợp giữa các địa phương , ban ngành, để phát huy tốt nhất các thế mạnh, biến Cần Giờ giàu tiềm năng thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ.
Baochinhphu.vn đưa tin, sau hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ đã khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ cùng với lãnh đạo TPHCM.
Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây nam – Đông bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 héc-ta, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.
Thủ tướng giao TPHCM phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch thành phố gắn với quy hoạch vùng Đông Nam bộ và bổ sung quy hoạch Cần Giờ theo hướng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược cho TPHCM và cả khu vực theo định hướng Nghị quyết 98/2023/QH15.
Quan tâm công tác bảo vệ môi trường; chú trọng giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp; quan tâm việc sắp xếp, bố trí dân cư, hạ tầng xã hội cho Cần Giờ và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân ở mức cao hơn hiện nay.
Thủ tướng lưu ý khi triển khai quy hoạch mới cần chú trọng phát triển hạ tầng trước, phát triển thuận thiên, thành phố trong rừng, rừng trong thành phố; sử dụng, khai thác tối đa không gian ngầm trong lòng đất trong khu vực. Quy hoạch Cần Giờ cần tính tới việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, các dự án dân cư, du lịch, lấn biển… Các nhà đầu tư đã có các dự án cần bám sát quy hoạch mới để điều chỉnh phù hợp, tiếp tục triển khai.
Liên quan tới dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng lưu ý, cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép -Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh, biến Cần Giờ giàu tiềm năng thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ.
Theo báo cáo của TPHCM, vị trí cảng nằm tại khu vực cù lao Phú Lợi, cửa sông Cái Mép thuộc huyện Cần Giờ, kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy. Khu vực này nằm trong vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và việc xây dựng cảng không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến 5,4 tỉ đô la Mỹ, cảng Cần Giờ sẽ được đầu tư khai thác với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tối ưu hóa hoạt động. Theo lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được triển khai trong năm 2023-2024, đến năm 2026 triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ năm 2027. Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT. Tổng chiều dài bến chính và bến sà lan lần lượt là 6,8km và 1,9km.
Do cảng nằm ở vị trí cù lao độc lập, hiện tại chưa có hệ thống giao thông kết nối đường bộ đến cảng. Do đó từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ làm cầu Cần Giờ kết nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Cùng với đó là nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác, xây nút giao tuyến này kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Sau năm 2030, thành phố làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác. Đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức – Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.