Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số

Ngày 1.3, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp với Sàn thương mại điện tử Alibaba.com (TMĐT Alibaba.com) tổ chức Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ thế giới biến động không ngừng. Hội nghị thu hút gần 300 đại biểu từ các đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó mục tiêu số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo báo cáo thị trường “Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023” của Alibaba.com, hơn 50% doanh nghiệp lựa chọn thử sức với kênh thương mại điện tử hoặc số hóa và mở rộng kênh bán hàng để “sống sót” qua đại dịch. Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn.

Ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba.com khu vực châu Á Thái Bình Dương khẳng định: Thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, chúng ta có thể thấy rằng hàng hóa của Việt Nam đang đứng hàng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới và ngày càng nhiều đối tác mua hàng ngoại quốc sẵn sàng coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để thu mua. Sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Còn theo ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển thị trường và Đối ngoại Chính phủ, Alibaba.com Việt Nam, năm 2023 là năm được dự báo nhiều thử thách cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó sàn thương mại điện tử Alibaba.com tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ kết nối nhà xuất khẩu - nhà nhập khẩu, cung cấp thông tin thị hiếu thị trường để tăng tính hiệu quả khi các doanh nghiệp quyết định tham gia kinh doanh trên nền tảng. Từ phía doanh nghiệp, khi tham gia thương mại điện tử, doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng các nguồn lực như nhân sự và tài chính để đầu tư đúng và trúng.

Theo chuyển động kinh tế, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8% cao nhất từ năm 2011 đến nay, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại được đảm bảo. Khối lượng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh, góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua…

Lâm Hiển

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dinh-huong-chien-luoc-kinh-doanh-tren-nen-tang-so-i317524/