Định hướng chọn trường trung học phổ thông cho mùa tuyển sinh lớp 10
Trong khi các em học sinh lớp 9 đang bước vào cao điểm ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025, thì phụ huynh cũng tất bật không kém trong cuộc chạy đua tìm trường phù hợp cho con. Tỷ lệ chọi tăng cao tại nhiều trường công lập so với năm trước càng khiến các gia đình trăn trở.

Học sinh lớp 9 chạy nước rút cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Thay vì dồn áp lực vào hệ thống trường công lập, nhiều người bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại các trường ngoài công lập, nơi không chỉ là phương án dự phòng mà là cánh cửa dẫn đến môi trường học tập ít cạnh tranh, khơi dậy đam mê và mở lối cho tương lai bền vững.
Vượt qua áp lực tỷ lệ chọi
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội từ lâu đã là một cuộc đua khốc liệt, nơi hàng chục nghìn học sinh nỗ lực giành suất vào các trường công lập. Với khoảng 127.000 học sinh lớp 9 nhưng chỉ gần 80.000 chỗ học tại 122 trường công lập, thì đồng nghĩa việc hơn 47.000 em phải tìm hướng đi khác.
Tỷ lệ chọi rất cao tại các trường hàng đầu càng làm không khí thi cử thêm căng thẳng. Như Trường trung học phổ thông Yên Hòa chỉ tuyển 765 học sinh từ hơn 2.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ chọi 1:2,44; Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều chọn 675 em từ 1.066 hồ sơ, tỷ lệ 1:1,58. Ngay cả những trường từng có điểm chuẩn thấp như Trường trung học phổ thông Ngọc Tảo cũng chứng kiến tỷ lệ chọi tăng từ 1:1,09 lên 1:1,46, khiến phụ huynh không thể chủ quan.
Áp lực này khiến học sinh chìm trong lịch học dày đặc, còn phụ huynh rơi vào trạng thái lo âu.
Chị Nguyễn Thị Lan, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy, chia sẻ: “Con tôi học ngày, học đêm nhưng vẫn lo không đủ sức cạnh tranh vào trường công lập”. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, nhận định: “Tỷ lệ chọi cao không chỉ tạo áp lực tâm lý mà còn khiến nhiều học sinh mất cơ hội phát triển tiềm năng nếu chỉ tập trung vào trường công lập". Trước thực trạng này, nhiều gia đình buộc phải tìm phương án thay thế.
Tiêu chí chọn trường ngoài công lập
Trước áp lực cao từ kỳ thi vào trường công lập, thì trường ngoài công lập không chỉ là giải pháp thay thế mà là lựa chọn chiến lược, giúp học sinh tránh căng thẳng và phát triển toàn diện. Phụ huynh cần cân nhắc các tiêu chí như chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, chi phí minh bạch, và môi trường học tập.
Tại buổi tọa đàm "Chọn trường cho con: Một khởi đầu đúng, cả hành trình an tâm" do Trường trung học phổ thông Trí Đức, thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chia sẻ những hướng dẫn thiết thực trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, môi trường giáo dục chất lượng là chìa khóa để các em khám phá tiềm năng, phát triển kỹ năng và định hình nghề nghiệp tương lai, đặc biệt khi hệ thống trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu, buộc phụ huynh phải tìm kiếm mô hình phù hợp.

Phụ huynh chạy đôn đáo, tìm trường, đặt cọc giữ chỗ cho con.
Đồng tình với quan điểm này, bà Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trí Đức chỉ ra rằng, mối băn khoăn lớn nhất của phụ huynh chính là chất lượng môi trường học tập mà con em sẽ trải qua trong những năm tháng quan trọng này. Để giải đáp băn khoăn đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam đưa ra 3 tiêu chí trọng tâm mà phụ huynh nên cân nhắc khi chọn trường.
Trước hết, triết lý giáo dục của nhà trường phải được đặt lên hàng đầu, bởi nó phản ánh tầm nhìn và giá trị cốt lõi mà trường hướng tới, thậm chí còn quan trọng hơn cả cơ sở vật chất.
Tiếp theo, ông nhấn mạnh văn hóa trường học, nơi mối quan hệ giữa thầy và trò cần vượt qua khuôn khổ truyền thống để trở thành sự đồng hành, truyền cảm hứng, và đôi khi là tình bạn chân thành, giúp học sinh cảm thấy được thấu hiểu và động viên.
Cuối cùng, chương trình giáo dục cần được thiết kế linh hoạt, cá nhân hóa để phù hợp với từng nhóm học sinh, thay vì áp dụng một mô hình chung cho tất cả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cũng khuyến nghị phụ huynh tham khảo thêm các chỉ số như danh tiếng, thứ hạng của trường, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, và tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các đại học hàng đầu để có cái nhìn toàn diện hơn.

Lớp học thảo luận tại Trường trung học phổ thông Trí Đức.
Một học sinh lớp 10 tại trường bày tỏ: “Sau buổi trải nghiệm, em đã biết cách đặt mục tiêu cụ thể cho tương lai và cảm thấy tự tin hơn”.
Cô Trần Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trí Đức bổ sung: “Chúng tôi không chỉ hỗ trợ học sinh xây dựng kế hoạch học tập mà còn đồng hành cùng các em trong hành trình định hình cuộc sống, thông qua những buổi định hướng thực tế và sâu sắc".
Những nỗ lực này của Trường trung học phổ thông Trí Đức đã nhận được sự đánh giá cao từ phụ huynh, khi họ nhận thấy con em mình không chỉ phát triển về học thuật mà còn trưởng thành về tư duy và kỹ năng sống, sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn trên hành trình giáo dục.
Chiến lược đăng ký nguyện vọng và chọn trường

Tiết học stem của học sinh Trường trung học phổ thông Trí Đức.
Chọn trường cần dựa trên năng lực và sở thích của học sinh, thay vì chạy theo danh hiệu trường “tốp đầu". Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam lưu ý: “Phụ huynh nên giúp con xác định sức học, tránh áp lực quá sức hoặc nuối tiếc vì chọn trường dưới khả năng".
Tại Hà Nội, học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng trường công lập không chuyên, không được đổi sau khi công bố số lượng thí sinh. Chiến lược là đặt nguyện vọng 1 vừa sức, nguyện vọng 2 thấp hơn, và nguyện vọng 3 là trường ngoài công lập để bảo đảm an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình), nhấn mạnh: “Tỷ lệ 'chọi' cao chưa chắc điểm chuẩn đã cao. Đó chỉ là một trong những thông tin để thí sinh tham khảo. Bên cạnh đó, phụ huynh cần cân nhắc khoảng cách địa lý nếu chọn trường ngoài công lập, nhưng quan trọng vẫn là chọn nơi con phát triển toàn diện, giảm áp lực từ cuộc đua điểm số, để các em có nền tảng vững chắc cho tương lai".