Định hướng hoạt động khoa học, công nghệ trong giáo dục giai đoạn 2025-2030

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có Quyết định ban hành định hướng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2025-2030.

Quyết định nhằm định hướng cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GDĐT xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hằng năm, trong giai đoạn 2025-2030. Ảnh: ST

Quyết định nhằm định hướng cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GDĐT xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hằng năm, trong giai đoạn 2025-2030. Ảnh: ST

Theo Quyết định, Bộ GDĐT yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, năng lực nghiên cứu và khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ của giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, viên chức và người học.

Từ đó, tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới để phát triển khoa học và giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với năng lực khoa học, công nghệ của cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, xây dựng các cơ sở nghiên cứu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các vườn ươm công nghệ, gắn với phát triển công nghệ và tạo ra sản phẩm mới; ứng dụng các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho người học; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học) trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Đồng thời, đổi mới dạy học hướng theo STEM, STEAM; ứng dụng các hoạt động giáo dục này trong việc vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua các dự án; đồng thời gắn với thực hiện các giải pháp đồng bộ về phân luồng, hướng nghiệp cho người học.

Bộ GDĐT định hướng tập trung nghiên cứu các lĩnh vực thuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng sạch. Nghiên cứu cơ bản phục vụ xây dựng chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đến năm 2030”; chương trình Toán học, Vật lý, chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và khoa học biển, cùng với các đề án, chương trình khoa học công nghệ khác do Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt.

Ngoài ra, nghiên cứu về khoa học giáo dục gắn với đổi mới hiệu quả, chất lượng GDĐT; phục vụ hoàn thiện thể chế, chính sách về giáo dục; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với năng lực học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập; hội nhập quốc tế…

Đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của người học, Quyết định nêu rõ, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ người học tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu, nội dung và chương trình giáo dục, chương trình đào tạo mà người học đang theo học và định hướng hoạt động khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động về giáo dục STEM, STEAM trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông, tạo nguồn nhân lực chất lượng về khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Cùng với đó, đổi mới tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông theo hướng thiết thực, hiệu quả, tin cậy, đánh giá đúng năng lực của học sinh và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.

Về đổi mới phương thức quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Quyết định nhấn mạnh, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cấp Bộ của Bộ GDĐT phù hợp với các quy định hiện hành.

Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

PHƯƠNG LAN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dinh-huong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-trong-giao-duc-giai-doan-2025-2030-35236.html