Định hướng nghề cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi

Hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi là một trong những hoạt động nhằm giúp các em hòa nhập cộng đồng. Với sự quan tâm đúng mức, định hướng kịp thời của các trung tâm bảo trợ, trung tâm dạy nghề... đã bù đắp phần nào những thiệt thòi và giúp các em nuôi ước mơ về ngày mai tươi sáng.

Học sinh tại Trung tâm Bảo trợ Sao Mai ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học. Ảnh: Dương Chung

Học sinh tại Trung tâm Bảo trợ Sao Mai ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học. Ảnh: Dương Chung

Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề Hội Người mù tỉnh đang nuôi dưỡng 21 trẻ khiếm thị. Cùng với việc chăm sóc, nuôi dưỡng các em, trung tâm cũng liên hệ các trường học trên địa bàn tạo điều kiện cho trẻ khiếm thị tham gia học hòa nhập.

Đồng chí Trần Quảng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề cho biết: “Sau khi được đi học hòa nhập, các cháu đã tiến bộ rất nhiều, nhiều cháu đạt thành tích học tập tốt, một số cháu đã phát huy được năng khiếu của bản thân…

Đối với các cháu lớp 12, tùy vào mức độ khiếm thị, trung tâm sẽ phối hợp với các nhà trường định hướng cho các cháu lựa chọn các trường phù hợp với khả năng, năng khiếu và sở thích.

Các cháu có thành tích học tập bình thường hoặc mức độ khiếm thị nặng, chúng tôi sẽ định hướng cho các cháu tham gia các lớp học nghề ngắn hạn do hội tổ chức như tẩm quất, bấm huyệt, xoa bóp cổ truyền; với các cháu có tố chất, năng lực tốt, tuy nhiên, mức độ khiếm thị nặng không có khả năng học tập, hội sẽ tạo điều kiện cho đi học lớp quản lý cán bộ tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Trung ương Hội, sau khi học xong, các cháu sẽ trở thành những cán bộ nguồn tại các cơ sở hội".

Nhờ những định hướng rõ ràng, nhiều học sinh khiếm thị tại trung tâm đã tự tin chạm tay đến ước mơ của mình. Điển hình như các em Lê Thanh Ánh, Nguyễn Văn Trung đã đỗ vào Khoa Giáo dục chuyên biệt, Học viện Quản lý giáo dục; em Lê Hồng Quang đỗ Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; em Đỗ Thanh Tùng đỗ Học viện Thanh thiếu niên…; nhiều em lựa chọn hướng học nghề ngắn hạn, hiện nay đã có việc làm và thu nhập ổn định.

Trung tâm Bảo trợ Sao Mai, huyện Tam Dương và Trung tâm Hy vọng, huyện Lập Thạch là 2 trung tâm được bảo trợ bởi Tổ chức PAMWF Hàn Quốc. Hiện, 2 trung tâm đang nuôi dưỡng, bảo trợ 40 trẻ em mồ côi, bán mồ côi độ tuổi từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng, bảo trợ, việc xây dựng mô hình học tập tại các trung tâm luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu, bởi các em đều xuất phát điểm là học sinh nghèo, tập trung ở khu vực huyện Tam Đảo và huyện Sông Lô; chất lượng sinh hoạt, môi trường học tập còn nhiều hạn chế nên sức học các em còn yếu.

Bà Đinh Thị Bích Huệ, cán bộ quản lý dự án Tổ chức PAMWF Hàn Quốc cho biết: "Những trẻ đến trung tâm đều có hoàn cảnh khác nhau, các em đều là trẻ em mồ côi hoặc bán mồ côi, thiếu thốn sự quan tâm của gia đình; thiếu các kỹ năng sống, giao tiếp còn nhút nhát; những việc nhỏ như soạn thời khóa biểu, làm bài tập về nhà hay giải quyết các vấn đề cá nhân, các hiểu biết về giới tính còn hạn chế…

Do đó, ngoài việc nuôi dưỡng, chăm sóc, tạo điều kiện học tập, trung tâm luôn chú trọng hướng nghiệp và định hướng tương lai cho các em. Trung tâm đã phân luồng chất lượng học tập của học sinh theo khối, lớp, để hướng dẫn các em học tập ngoài giờ lên lớp; phối hợp với Đoàn Thanh niên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, câu lạc bộ Đại học FPT, câu lạc bộ sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội… với hơn 700 gia sư trực thuộc trong hệ thống Hội Sinh viên đã và đang triển khai mô hình dạy kèm tại các trung tâm qua internet với 7 bộ môn lớp 12 và cho khối tiểu học, các em lớp 9 thi vào lớp 10…

Những sinh viên này đều được giảng viên của các ngành trong trường thẩm định về chuyên môn và kỹ năng".

Với cách làm như vậy, kết quả chất lượng học tập của học sinh đã tăng rõ rệt. Từ năm 2019 đến nay, cả 2 trung tâm đã có 12 em thi đỗ vào các trường đại học trọng điểm như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Thương mại Hà Nội…

Năm học 2021-2022, cả hai trung tâm có 9 em tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học; việc đôn đốc các em học tập cũng như định hướng nghề nghiệp đã được các cán bộ tại 2 trung tâm triển khai ngay từ đầu năm học.

Em Phạm Quỳnh Anh, Trung tâm Bảo trợ Sao Mai cho biết: “Ngoài việc học tập tại trường, chúng em còn được trung tâm mời các gia sư hướng dẫn, bổ sung kiến thức và được tham gia học một số môn năng khiếu để phát triển toàn diện các kỹ năng. Chúng em được cán bộ tại trung tâm quan tâm, định hướng nghề nghiệp.

Em cảm thấy rất may mắn khi được sống, học tập và sinh hoạt tại đây. Năm nay, em đã lựa chọn nguyện vọng thi vào Trường đại học Luật Hà Nội, hiện tại em đang nỗ lực học tập, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu và thực hiện ước mơ của mình”.

Tổ chức PAMWF Hàn Quốc luôn đồng hành để tìm kiếm các nguồn học bổng cho sinh viên, lo cho các em các khoản hỗ trợ học phí, tiền thuê nhà và các đồ dùng cần thiết khi học tập tại Hà Nội; tìm các công việc làm thêm để các em có thêm chi phí sinh hoạt, yên tâm học đại học. Đến nay, một số em đã ra trường, có việc làm, dần ổn định cuộc sống.

Trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi là đối tượng cần nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhiều nhất của xã hội. Việc hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật của các cơ sở bảo trợ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thời gian qua là việc làm thiết thực, giúp các em hòa nhập cộng đồng, tự chủ hơn trong cuộc sống, tự nuôi sống được bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

Bích Huệ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77956/dinh-huong-nghe-cho-tre-khuyet-tat-tre-mo-coi.html