Khi giáo dục và đề tài khoa học được bàn tại nghị trường

Trong phiên chất vấn trực tiếp của kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh khóa XI diễn ra vào sáng 18/7, có 2 nội dung liên quan đến giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ được UBND tỉnh ủy quyền lãnh đạo sở ngành liên quan trả lời tại nghị trường.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh kết luận tại phiên chất vấn. Ảnh: Đ.Hòa

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh kết luận tại phiên chất vấn. Ảnh: Đ.Hòa

Có hay không học sinh “ngồi nhầm lớp”?

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Toàn Thắng về tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh không đáp ứng được yêu cầu bậc học nhưng vì nhiều lý do vẫn được lên lớp, vẫn được đánh giá hoàn thành chương trình.

Đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh chất vấn tại nghị trường.

Đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh chất vấn tại nghị trường.

Đại biểu (ĐB) Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đặt câu hỏi: “Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh không đáp ứng được yêu cầu bậc học có yếu tố trong đánh giá để đạt chuẩn nông thôn mới hay không? Làm thế nào để gia đình, xã hội hiểu được trình độ, năng lực học sinh để có định hướng phù hợp?”. ĐB Đỗ Văn Chung - đơn vị Tuy Phong đề nghị: “Cần làm rõ tình trạng chạy theo thành tích của một số trường và có hay không việc lấy kết quả thành tích của học sinh để đánh giá chất lượng giáo viên; có tình trạng dạy thêm, học thêm tại các trường hay không và giải pháp để chấm dứt tình trạng này?”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Toàn Thắng trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Toàn Thắng trả lời chất vấn.

Trả lời những nội dung chất vấn trên, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Hiện tượng ngồi nhầm lớp là cá biệt, vì ở tỉnh chưa có những ngôi trường chuyên biệt dành cho các học sinh có bệnh ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu. Thêm nữa, tại các xã xây dựng nông thôn mới không có nội dung về đánh giá chất lượng giáo dục mà chỉ đánh giá về xây dựng cơ sở vật chất, phổ cập giáo dục tiểu học. Thời gian qua, tình trạng dạy thêm, học thêm được ngành giáo dục tỉnh tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những trường hợp dạy thêm học thêm ngoài nhà trường không đúng quy định.

Đại biểu Đỗ Văn Chung chất vấn.

Đại biểu Đỗ Văn Chung chất vấn.

Giám đốc Sở GD&ĐT thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát chất lượng giáo dục học sinh tại các cơ sở giáo dục chưa được thường xuyên. Tình trạng điều chuyển giáo viên chưa cân đối, hợp lý tại cơ sở giáo dục, dẫn đến thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Một số cơ sở giáo dục giao chỉ tiêu thi đua đối với giáo viên, trong đó có chỉ tiêu học sinh hoàn thành chương trình lớp học cuối năm. Mặt khác, một số cha mẹ ít quan tâm đến việc học tập của con em mình, nhất là cha mẹ học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn khoán trắng cho nhà trường, xem việc giáo dục học sinh là nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường. Một số học sinh năng lực học tập còn hạn chế, chưa siêng năng, chăm chỉ trong học tập, nhất là học sinh khuyết tật khó hòa nhập...

Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá, xếp loại học sinh đảm bảo thực chất, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức quản lý giáo dục và giáo viên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả dạy, học ở từng lớp, của từng giáo viên; kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm trong việc đánh giá, xếp loại, xác nhận học sinh hoàn thành chương trình lớp học khi chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Tăng cường việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Cùng với đó, chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành GD&ĐT và ngành nội vụ trong công tác hợp đồng, tuyển dụng, bố trí, điều chuyển công tác viên chức quản lý giáo dục và giáo viên phù hợp với thực tế tại địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Sở KH&CN trả lời chất vấn.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Sở KH&CN trả lời chất vấn.

Phải xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu

Cũng trong phiên chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn nội dung về nhiều đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh trở lên được triển khai nghiên cứu bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được nghiệm thu, bàn giao cho đơn vị tiếp nhận thì không triển khai ra thực tế được hoặc triển khai không hiệu quả. Điều này, một mặt gây lãng phí, mặt khác thể hiện tính chưa hiệu quả và những hạn chế, bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học ở từng cấp, từng ngành nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Trả lời tại nghị trường, ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện 45 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh (trong đó có 41 đề tài, 4 dự án). Đến nay đã có 28 nhiệm vụ được đánh giá nghiệm thu, 2 nhiệm vụ bị thanh lý hợp đồng thu hồi kinh phí theo quy định và 15 nhiệm vụ đang trong thời gian triển khai thực hiện. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc tác động của các kết quả nghiên cứu khoa học đều có độ trễ nhất định. Tuy nhiên việc ứng dụng, hiệu quả của đề tài thì phải mất vài năm và thậm chí đến nay đề tài vẫn phát huy tác dụng.

ĐB Hoàng Thanh Liêm có ý kiến, Đảng ta xác định, cùng với giáo dục đào tạo thì khoa học công nghệ là một trong những quốc sách hàng đầu. Giải pháp nào được đề ra trong thời gian tới?

Phản hồi về vấn đề này, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp. Trong thời gian đến sẽ có nghiên cứu, tham mưu để mà tham mưu tỉnh triển khai nhiệm vụ. Qua đó để làm căn cứ xây dựng các phương án, kế hoạch để triển khai. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp về kinh phí và nguồn nhân lực phù hợp để đảm bảo phát huy và tăng cường hiệu quả ứng dụng.

Kết thúc phiên chất vấn nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và sự phát triển của tỉnh Bình Thuận, phải xác định khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu thực tế địa phương, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành và địa phương. Phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của Sở Khoa học và Công nghệ trong tham gia, phối hợp nghiên cứu, phản biện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng tư vấn, thẩm định nội dung, tài chính nhiệm vụ khoa học công nghệ…

THANH THỦY - KIỀU HẰNG, ẢNH Đ. HÒA

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/khi-giao-duc-va-de-tai-khoa-hoc-duoc-ban-tai-nghi-truong-120480.html