Định hướng xã hội hóa cung cấp dịch vụ các phương tiện tránh thai
Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)/sức khỏe sinh sản (SKSS) là chủ trương của Đảng, Nhà nước về vận động, tổ chức sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, toàn xã hội vào phát triển mạng lưới cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS; xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế thuận lợi cho các hoạt động cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, phát triển rộng rãi các hình thức hoạt động do các tập thể hoặc các cá nhân tiến hành trong khuôn khổ chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mở rộng các cơ hội cho các tầng lớp nhân dân tham gia chủ động và bình đẳng vào các hoạt động trên. Đồng thời mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo điều kiện cho cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn.
Xã hội hóa là mục tiêu, là động lực, là chính sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của chương trình dân số - KHHGĐ; tăng đầu tư của xã hội trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ và trực tiếp tới đối tượng thụ hưởng. Đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước, điều phối của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao hiệu quả và chất lượng các PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội. Cùng với đó, tạo điều kiện để toàn xã hội, mọi cá nhân thực hiện xã hội hóa, được tham gia đóng góp, quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực này.
Xã hội hóa phải đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực chung của Nhà nước, của mọi đối tượng trong xã hội; đảm bảo quyền lợi cơ bản của mọi người dân, trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phát triển các vùng sâu, vùng xa và thực hiện công bằng xã hội. Xã hội hóa cung ứng PTTT và hàng hóa KHHGĐ/SKSS, cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS vừa là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường, vừa là một trong những giải pháp huy động đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác dân số - KHHGĐ để thực hiện các mục tiêu dân số và KHHGĐ.
Tạo cơ hội cho sự lựa chọn của khách hàng là một bước chuyển vững chắc để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu vì sự phát triển bền vững của chương trình dân số - KHHGĐ trong thời gian tới. Từng bước đưa dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng đến các đối tượng có nhu cầu, tạo cho khách hàng tiếp cận sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp với tâm lý, khả năng chi trả của khách hàng và điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng miền và đáp ứng nhu cầu tránh thai phù hợp của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong thực hiện KHHGĐ, chăm sóc SKSS, góp phần trực tiếp vào tăng tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai, đảm bảo số người sử dụng các biện pháp tránh thai. Từ đó, điều chỉnh mức sinh và duy trì mức sinh thay thế; điều chỉnh quy mô dân số ở mức hợp lý, bảo vệ được thành quả chương trình dân số - KHHGĐ đã đạt được trong hơn 50 năm qua để nâng cao chất lượng dân số và phát triển kinh tế - xã hội.
Cung cấp các biện pháp tránh thai cho vị thành niên và thanh niên là giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tránh thai ngoài ý muốn nhằm giảm đáng kể tình trạng phá thai nói chung và tình trạng phá thai vị thành niên, thanh niên nói riêng. Kết quả này sẽ làm giảm đáng kể chi phí cho các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Đầu tư cho chương trình dân số là đầu tư cho phát triển và mang lại hiệu quả rất cao.
Kết quả giảm sinh sẽ tiết kiệm cho các khoản chi, các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống của Nhân dân. Huy động sự đóng góp nguồn lực xã hội thông qua xã hội hóa một mặt làm giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, mặt khác làm tăng sự quan tâm của quần chúng nhân dân đối với mục tiêu dân số - KHHGĐ, tăng ý thức xã hội của các tầng lớp nhân dân. Xã hội hóa cũng là hình thức tạo cơ hội cho các cơ sở y tế công lập tham gia thị trường. Sự cạnh tranh trên thị trường là yếu tố, điều kiện quan trọng để cơ sở y tế công lập thúc đẩy đầu tư, nâng cao trình độ kỹ thuật của cán bộ cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp PTTT hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ.