Định kiến 'đàn ông phải mạnh mẽ' khiến nhiều người khổ sở
Từ khi còn nhỏ, nhiều người đã bị nhồi nhét tư tưởng có phần cực đoan 'đàn ông phải mạnh mẽ'. Điều đó khiến khi trưởng thành, nam giới phải gồng mình với áp lực, không dám than thở.

Nam giới thường ngại chia sẻ khi gặp áp lực về tinh thần, vì sợ bị đánh giá là yếu đuối, nhu nhược. Ảnh: H.W.
Không dễ dàng gì để một cá thể chấp nhận được việc rời bỏ những “vai diễn” đã đồng hành cùng họ quá lâu. Sẽ có rất nhiều trăn trở, nhiều hoài nghi khi sắp tới sẽ chẳng còn lý do để bao biện, chẳng còn gì che đậy, rồi còn sắp phải đối mặt với thế giới bằng chính con người thật của mình.
Vậy nên, cơ chế phòng vệ vẫn sẽ được hình thành, nó ngăn chặn bạn hành vi có thể nguy hiểm đó và cũng chống lại tất thảy những sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Là con trai phải mạnh mẽ. Đó là những gì chúng ta đã được bố mẹ, anh chị và cả xã hội nhồi nhét vào đầu từ những ngày thơ bé. Điều đó thật kinh khủng, khi tôi hay tất thảy những người đàn ông ngoài kia, không ít lần phải kìm nén suy nghĩ, cảm xúc, phải gồng mình lên để thể hiện cái vẻ mạnh mẽ, hiên ngang bất khuất trước gia đình, người thân và xã hội.
Đàn ông thì không được khóc, và thế là chẳng mấy khi bạn thấy những giọt nước mắt của cánh mày râu. Không phải họ không buồn, không đau, không cảm xúc mà định kiến xã hội buộc họ phải nuốt những cảm xúc vào trong và hạn chế bộc lộ mình với thế giới.
Nhiều người luôn theo đuổi những suy nghĩ độc lập một cách độc hại như:Tôi là một người rất kín tiếng. Tôi không muốn bất cứ ai tham gia vào công việc kinh doanh của tôi. Tôi quá bận rộn cho những việc như vậy.
Có một sự thật là ai cũng cần sự giúp đỡ. Chúng ta không thể tự lập hoàn toàn dù rất cố gắng. Kể cả những câu chuyện thành công của một người đàn ông khởi nghiệp từ xưởng xe hay một vận động viên siêu sao thế giới, chính bản thân họ cũng nhận được rất nhiều sự trợ giúp trên hành trình thành công của mình.
Tìm đường về nhà cũng vậy, sẽ luôn luôn cần sự giúp đỡ để bạn có thể đi đúng hướng và sớm tìm thấy chính mình. Lớp mặt nạ cô độc và nghĩ mình có thể tự gặt hái thành công là thứ đầu tiên chúng ta cần rũ bỏ. Chỉ có vậy, bạn, lữ khách trên hành trình về nhà, mới thực sự mở lòng để đón nhận giúp đỡ.
Vấn đề thứ hai với việc nhận trợ giúp là bị ngắt kết nối với các hệ thống hỗ trợ. Văn hóa và tôn giáo cũng là một phần của những lý do đó. Chẳng hạn như các nghi thức huyền bí của thổ dân, nghi lễ “bar and bat mitzvahs” (nghi lễ trưởng thành) trong Do Thái giáo, hoặc lễ Thêm sức trong Kito giáo, thường bao gồm chỉ dẫn từ những người hướng dẫn hay các già làng, trưởng lão.
Sự giúp đỡ đã là một phần trong hành trình trưởng thành. Nhưng bây giờ, tách rời khỏi những truyền thống này, nhiều người sẽ cảm thấy lạc lõng và đôi khi mất phương hướng khi họ cố làm mọi thứ một mình, khước từ sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Hình thức kháng cự thứ ba mà chúng ta có thể phải đối mặt là có thể rất khó tìm thấy sự giúp đỡ cần thiết! Tuổi đời không nói lên sự trưởng thành của bạn. Có những người tuy lớn tuổi nhưng chưa đủ trải nghiệm sống cũng không thể được coi là một người trưởng thành; trong khi số khác, tỉnh thức sớm hơn, rũ bỏ sớm hơn, đắm mình trong vô định sớm hơn và chạm tới sự vẹn tròn cũng sớm hơn trên hành trình của họ.
Chắc chắn là trên hành trình ấy, họ đã tìm được cho riêng mình những sự giúp đỡ cần thiết. Đôi khi rất khó để tìm ra những người thật tâm giúp đỡ mình. Nhưng tôi tin chắc, họ sẽ chờ bạn, dang tay ra hỗ trợ bạn, ở đâu đó trên hành trình về nhà. Hãy giữ cho mình một tinh thần thật tốt, cởi mở và đón nhận sự giúp đỡ, bởi đôi khi chính bạn sẽ hiểu ra khi nào mình cần được giúp và có thể tìm chúng ở đâu.