Đình làng La Hà - nơi bảng vàng ghi danh
Đình làng La Hà (thôn La Hà Nam, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) là nơi thờ tự thành hoàng của làng. Di tích này được các nhà nghiên cứu quan tâm bởi là nơi lưu giữ thành quả về học vấn khoa bảng của các thế hệ con cháu trong làng.
Đình xây dựng trên khu đất cao với khuôn viên rộng 2.000 m2 ở phía Tây Nam của làng, hướng về ngọn núi Hòn Vắp. Trước cửa đình là nơi giao hội của các nhánh sông Nan, sông Son. Hòn Vắp hình thù như con hổ đang nằm phủ phục nhìn về làng, nên các bậc cao niên nói đình có hướng "Long hồi hổ phục".
Ông Phạm Văn Mùi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quảng Văn, cho biết đình xây dựng vào năm 1859, do con cháu của các dòng họ Mai, Phạm, Tạ và 2 nhánh họ Trần Côi, Trần Dưới đóng góp công, của. Đình lúc đầu chỉ làm đơn giản bằng tranh tre, nền đất. Năm 1904, cụ Trần Văn Thống - một người con La Hà lúc bấy giờ đỗ đạt cao và giữ đến chức Thượng thư Bộ Công dưới thời nhà Nguyễn - kêu gọi con cháu góp tiền của tạo dựng lại ngôi đình kiên cố và bề thế, từng nổi tiếng khắp vùng về quy mô cũng như kỹ thuật bài trí, chạm khắc. Đình có 5 gian. Gian chính giữa là nơi thờ tự, các gian xung quanh là nơi dân làng hội họp. Cột đình làm bằng gỗ lim, xà kèo đều uốn lượn và chạm trổ công phu.
Đình làng La Hà thờ tự những vị thần tổ khai khẩn lập làng. Sau này, do làng có nhiều người đỗ đạt nên đình có thêm khu văn miếu để thờ. Hiện trong đình thờ 5 vị tiến sĩ và phó bảng đỗ đạt qua các kỳ thi trong triều Nguyễn và lưu giữ thành quả về học vấn khoa bảng của các thế hệ con cháu các dòng họ trong làng.
Sự học ở La Hà đã thành truyền thống. Người ta thi đua nhau trong dòng họ để học tập, nghèo đói không nản chí các nho sĩ. La Hà là vùng đất được xếp thứ 2 trong "bát danh hương" và là làng khoa bảng nổi tiếng nhất Quảng Bình. Đơn cử như cụ Trần Văn Chuẩn, đỗ tiến sĩ thời vua Tự Đức, làm Thượng thư Bộ Công kiêm Phó Khâm sai Đại thần; cụ Trần Văn Thống, đỗ tiến sĩ thời vua Thành Thái, làm Thượng thư Bộ Công; cụ Tạ Hàm, cũng đỗ tiến sĩ thời vua Thành Thái, làm Tham biện nội các triều đình…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, La Hà là một trong những làng chiến đấu nổi tiếng của Quảng Bình. Từ năm 1947 đến 1950, Pháp mở 5 đợt càn quét vào làng. Đình làng được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí, lương thực, tập hợp lực lượng dân quân du kích và là trung tâm căn cứ chỉ huy đánh giặc. La Hà rào làng chiến đấu, bắn cháy nhiều ca-nô, diệt nhiều quân giặc, bảo vệ xóm làng. Bởi thế nên có câu: "Cự Nẫm anh hùng, Cảnh Dương anh dũng, La Hà chiến thắng".
Năm 1967, đình bị máy bay Mỹ đánh sập. Mãi đến năm 2016, đình được tôn tạo với kinh phí hơn 2 tỉ đồng do con em quê hương đóng góp.
Theo ông Phạm Văn Mùi, hằng năm, vào dịp ngày rằm tháng giêng, con em La Hà khắp nơi tề tựu để tổ chức lễ hội đình làng, tưởng nhớ các vị thần tổ khai khẩn lập làng và những bậc công thần là con, cháu đỗ đạt cao. Đặc biệt, trong làng cứ mỗi lần có người thi cử, đỗ đạt cao thì dân làng lại tổ chức rước về đình, rồi ăn mừng.
"Trong tâm thức của mỗi người dân làng tôi, dù đi đâu về đâu vẫn nhớ ngôi đình, cây đa, bến nước, giếng làng, luôn tự hào về mảnh đất với truyền thống học hành khoa bảng" - ông Mùi chia sẻ.
Năm 2003, đình làng La Hà được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và trở thành địa chỉ du lịch tham quan ý nghĩa.