Đình Lập: Phát huy hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm
Những năm qua, hơn 1,6 nghìn lao động trên địa bàn huyện Đình Lập đã được hỗ trợ tạo việc làm từ chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện triển khai.
Gia đình chị Lý Thị Nga, thôn Bản Hả, xã Bắc Lãng là một trong những hộ tiêu biểu trong việc sử dụng nguồn vốn chương trình cho vay tạo việc làm. Chị Nga chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa, ngô nên thu nhập bấp bênh. Năm 2017, tôi được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện hướng dẫn và được vay 50 triệu đồng từ chương trình tạo việc làm, từ đó gia đình tôi đã có vốn để trồng được 6.000 cây keo. Cuối năm 2023 vừa qua, gia đình tôi khai thác rừng keo đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng. Đầu năm 2024, gia đình tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng để trồng mới được 6 ha rừng.
Không chỉ gia đình chị Nga, những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, rất nhiều gia đình trên địa bàn huyện được vay vốn để phát triển kinh tế hiệu quả. Theo đó, hiện nay, Đình Lập đang triển khai 16 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có dư nợ cao nhất, đạt trên 80 tỷ đồng, dư nợ tăng trưởng 11,7 tỷ đồng so với 31/12/2023, với gần 1.000 hộ đang vay vốn. Hiện Đình Lập là đơn vị có dư nợ chương trình cho vay tạo việc làm cao thứ hai toàn tỉnh (sau thành phố).
Để có kết quả đó, những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ông Lương Cao Cường, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Để phát huy hiệu quả chương trình, hằng năm, đơn vị tổng hợp nhu cầu vay vốn từ các thôn bản để xây dựng kế hoạch vốn phù hợp. Khi được tỉnh giao vốn, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện phân bổ cho các xã, thị trấn triển khai cho vay kịp thời. Đặc biệt, địa bàn huyện Đình Lập có thế mạnh phát triển đồi rừng, do đó, chúng tôi phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp cận, hướng dẫn các hộ có nhu cầu vay đầu tư phù hợp với điều kiện gia đình, phát huy được lợi thế của địa phương, hiện 100% số hộ vay chương trình này để trồng, chăm sóc rừng thông, keo.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Hiện nay, tổng dư nợ chương trình cho vay tạo việc làm trên địa bàn thị trấn đạt trên 14 tỷ đồng, với 174 hộ vay. Đây là chương trình phát huy hiệu quả nhất trên địa bàn thị trấn thời gian qua. Nguồn vốn chương trình đã tạo điều kiện giúp người dân đầu tư trồng, chăm sóc trên 520 ha rừng thông, keo, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động. Để chương trình đến đúng đối tượng, chúng tôi chỉ đạo các thôn tổ chức họp dân, bình xét đối tượng vay vốn công khai, chặt chẽ, bên cạnh đó, kiểm tra thường xuyên các hộ trong quá trình vay vốn.
Ngoài ra, đối với chương trình cho vay tạo việc làm, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, do vậy, những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tính toán khả năng thu hồi vốn chương trình để cho vay quay vòng vốn kịp thời, không để tồn đọng, lãng phí vốn. Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay chương trình giải quyết việc làm. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, vốn ngân sách huyện chuyển sang Phòng Giao dịch NHCSXH huyện trên 4 tỷ đồng, đơn vị đã thực hiện giải ngân cho vay chương trình tạo việc làm.
Hiệu quả của chương trình đã giúp người dân trên địa bàn huyện được vay vốn, tạo việc làm mới cho nhiều lao động. Từ khi triển khai đến nay, chương trình đã tạo việc làm cho hơn 1.600 lao động trên địa bàn, góp phần giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.