Định lượng giá trị Quần thể danh thắng Tràng An
Từ những giá trị nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An, để phát huy cần kết nối, xây dựng niềm tin chung, bằng việc thúc đẩy du lịch di sản...
Từ những giá trị nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An, để phát huy cần kết nối, xây dựng niềm tin chung, bằng việc thúc đẩy du lịch di sản, truyền tải và củng cố bản sắc.
Giải bài toán “nồi cơm di sản”
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Hồng Thục tại hội nghị công bố đề án nghiên cứu “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”, do Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức cuối tháng 10/2024.
Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, việc lượng giá giá trị kinh tế của di sản không đơn thuần chỉ là công cụ để định lượng giá trị kinh tế, và cũng không chỉ dừng lại ở các con số. Vấn đề cốt lõi của đề án là nhận thức đúng giá trị cũng như mức độ quan trọng của di sản thế giới trong sự phát triển.
Vì vậy, đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách, chiến lược nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Quần thể danh thắng Tràng An cách hiệu quả, bền vững, hài hòa nhưng vẫn đảm bảo việc bảo tồn các giá trị di sản.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục khẳng định, Tràng An là một di sản thế giới hỗn hợp, đáp ứng tổng hòa các nội dung cốt lõi của hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ, đủ nền tảng và giá trị khoa học để phát triển tiếp nối hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ Tràng An vào tổ chức đô thị và đời sống đương đại.
Đặc biệt, khi cố đô Hoa Lư được công nhận Di sản thế giới, có vai trò to lớn và ý nghĩa chủ quyền, bản sắc văn hóa đối với quốc gia, mang đến cảm giác tự tôn dân tộc, thúc đẩy chủ quyền quốc gia. Di sản thế giới kép tạo cho Ninh Bình một vị thế phát triển khác biệt với Hội An, Huế và các nơi khác trên toàn cầu. Bởi vậy, việc nghiên cứu để giải bài toán đặt ra cho “nồi cơm di sản” là một nhiệm vụ.
“Trên thế giới chỉ có 27 di sản thế giới thiên niên kỷ hỗn hợp kép, và chỉ có 3 di sản có điều kiện tương đồng Thiên nhiên - Thành cổ như Tràng An. Chính vì vậy, hệ sinh thái di sản Tràng An có giá trị hấp dẫn và trở thành điểm đến toàn cầu, hay là một địa điểm đại diện của cộng đồng địa phương như một thương hiệu duy nhất”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cho hay.
Từ những giá trị nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục - Chủ nhiệm đề án cho rằng, để phát huy thì cần kết nối và xây dựng niềm tin chung, bằng việc thúc đẩy du lịch di sản, truyền tải và củng cố bản sắc. Nhìn rộng hơn là xây dựng chiến lược phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ bao gồm thành phố di sản và thành phố sáng tạo.
Phát triển đô thị thiên niên kỷ theo hướng bảo tồn
Theo ngành du lịch Ninh Bình, đề án được tiến hành bởi các chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng hành cùng giới khoa học quốc tế (UNESCO, Santagata Foundation, IOER Leitbild) để đảm bảo tính khoa học và chính xác cao. Các kết quả lượng giá đề án được công bố quốc tế về mặt khoa học và truyền thông quốc tế về những giá trị hiện tại cũng như giá trị tương lai của di sản.
Đề án xây dựng thông qua 4 nhánh nghiên cứu: Di sản tự nhiên; di sản văn hóa; di sản định cư; kinh tế du lịch và các giá trị phức hợp nổi bật của nhân loại và Đông Nam Á.
Đề án đã lượng giá giá trị thương hiệu - kinh tế của các địa điểm, công trình đại diện tại di sản đang đưa vào bảo tồn và khai thác du lịch. Đồng thời lượng giá tổng thể giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An gắn với bối cảnh chính sách, chiến lược, quy hoạch và đồng bộ kết nối cộng đồng dân cư bản địa...
Có được kết quả định lượng giá trị, các chuyên gia đã bổ sung cứ liệu, tạo nền tảng định hướng lấy di sản Tràng An - Hoa Lư làm động lực thúc đẩy kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo; bảo tồn di sản làm nguồn cội để phát triển đô thị thiên niên kỷ.
Theo giới chuyên gia, nghiên cứu tiền Hoa Lư cho thấy đô thành này có tính chất trung tâm buôn bán, phát triển thương cảng, thị cảng để rồi Đinh Tiên Hoàng chọn đây là kinh đô. Sau khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, Tràng An - Hoa Lư vẫn có một sức sống mãnh liệt không bị đứt gãy, cho thấy giá trị liên thời gian của một đô thị nghìn năm tuổi.
Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, 10 năm nữa không còn tìm thấy hình ảnh của một nông thôn thuần Việt, chứ chưa nói đến câu chuyện di sản của nghìn năm trước. Từ nhận thức đó, cần nhận diện và có cách ứng xử phù hợp với di sản.
Trước đó, tại hội nghị khoa học bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách, bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã nêu khái niệm về đô thị cảnh quan lịch sử, bài toán về sự cân bằng giữa việc bảo tồn và phát triển. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm để di sản không bị lãng quên. Kêu gọi cơ chế và chính sách rõ ràng trong việc thiết kế, quản lý, chia sẻ công bằng lợi ích trong di sản.
Xung quanh đề án, Ninh Bình đề nghị tổ chức một diễn đàn của UNESCO ra tuyên bố Tràng An hoặc cao hơn là Hiến chương về Di sản Thế giới Tràng An, đưa ra những thông điệp về mô hình mẫu mực, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Qua đó, thay đổi nhận thức với nhiều di sản Việt Nam về quan hệ giữa bảo tồn và kinh tế, nhận thức của hậu thế về di sản và công cuộc hồi sinh di sản.
Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” cũng phục vụ cho giai đoạn thực thi quy hoạch Ninh Bình được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 3/2024: Phát triển thành phố Hoa Lư từ cội nguồn của di sản Quần thể danh thắng Tràng An, theo tính chất Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố sáng tạo - là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Đồng thời định lượng giá trị di sản để xây dựng chính sách đổi mới mô hình phát triển bền vững gắn với kinh tế di sản, kinh tế du lịch, kinh tế sáng tạo.