Đinh Su Giang và 'Người đánh cá trên sông Đăk Bla'

Nhà văn Đinh Su Giang (47 tuổi) - Ủy viên Ban Chấp hành Hội VH - NT các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam, Chủ tịch Hội VH - NT tỉnh Kon Tum (cũ) là cây bút người DTTS hiếm hoi ở Kon Tum vẫn đang bền bỉ sáng tác, kể lại những câu chuyện về di sản văn hóa các DTTS sinh sống phía ở tây của tỉnh Quảng Ngãi.

Người kể chuyện núi rừng

Là người con của dân tộc Xơ Đăng, sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũ (nay là xã Măng Bút, tỉnh Quảng Ngãi), nhà văn Đinh Su Giang được xem là người kể chuyện núi rừng. Anh từng là giáo viên công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kon Plông cũ. Những năm tháng sống cùng đồng bào các DTTS đã để lại trong anh một kho tư liệu sống động về đời sống, phong tục, tập quán và tâm hồn con người ở phía tây của tỉnh. Đây là ngọn nguồn sáng tạo, là chất liệu quý để anh “dệt” nên những tác phẩm để đời trong nghiệp viết.

Tác phẩm “Người đánh cá trên sông Đăk Bla” của nhà văn Đinh Su Giang.

Tác phẩm “Người đánh cá trên sông Đăk Bla” của nhà văn Đinh Su Giang.

Trong hơn 20 năm qua, anh đã sáng tác được hàng trăm truyện ngắn, tùy bút, tản văn, tập trung vào các chủ đề về thiên nhiên, tín ngưỡng, văn hóa và con người của các dân tộc như Ba Na, Xơ Đăng, Gié - Triêng, Gia Rai... Những tác phẩm của anh luôn mang vẻ đẹp mộc mạc, thấm đẫm chiều sâu văn hóa và tràn đầy sức sống như chính mảnh đất đại ngàn nơi anh sinh ra và trưởng thành.

Chia sẻ về hành trình sáng tác, anh Đinh Su Giang bảo rằng, người DTTS có đời sống tinh thần vô cùng phong phú, có tình yêu sâu nặng với núi rừng, với những gì thuộc về buôn làng, thế nhưng những giá trị ấy đang dần mai một. Bởi vậy, tôi viết để lưu giữ, để truyền lại những điều đẹp đẽ đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên cho thế hệ mai sau.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống ở phường Đăk Cấm, tỉnh Quảng Ngãi nhận xét, Đinh Su Giang viết rất đều tay, tạo được tiếng vang trong giới văn chương. Truyện ngắn của anh thường viết về phong tục, tập quán của các DTTS với chiều sâu văn hóa. Để nắm được lịch sử, văn hóa, con người của mỗi dân tộc, anh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tìm gặp những người già ở trong làng để có được thông tin chính xác và truyền tải vào bài viết một cách sống động.

Mộc mạc nhưng tha thiết

Đăk Bla được biết đến là dòng sông chảy ngược từ Đông sang Tây ở phía tây của tỉnh Quảng Ngãi, gắn liền với đời sống văn hóa của các DTTS nơi đây. Dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Đinh Su Giang là tập truyện ngắn “Người đánh cá trên sông Đăk Bla” được xuất bản gần đây. Tập truyện gồm 11 truyện ngắn xoáy sâu vào văn hóa, thiên nhiên và con người nơi đại ngàn; phản ánh khát vọng bảo tồn văn hóa của các dân tộc tại chỗ thông qua ngôn ngữ nghệ thuật tinh tế, đượm màu sử thi và phong cách hiện thực huyền ảo. Tiêu biểu trong đó là truyện ngắn cùng tên “Người đánh cá trên sông Đăk Bla” được xem là bản giao hưởng kỳ diệu kết hợp giữa hiện thực và truyền thuyết, giữa thiên nhiên và con người, giữa xưa và nay. Tác phẩm lấy cảm hứng từ một đêm trăng trên dòng sông Đăk Bla và những câu chuyện truyền khẩu của người Ba Na. Trong truyện, hình ảnh người đàn ông Ba Na cả đời chỉ đánh cá xuôi dòng, bỗng một ngày nhận ra rằng mình chưa bao giờ ngược dòng và đi ngược lại để tìm về cội nguồn, vượt qua giới hạn, định kiến và sự quên lãng.

Nhà văn Đinh Su Giang đã giành được nhiều giải thưởng uy tín như Giải B của Hội VH - NT các DTTS Việt Nam (2017), Giải thưởng Liên hiệp các Hội VH - NT Việt Nam (2017), Giải A Hội VH - NT tỉnh Kon Tum (2020), Giải C Cuộc thi viết về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Và gần đây nhất, anh đoạt giải A với tác phẩm “Người đánh cá trên sông Đăk Bla” trong Cuộc thi sáng tác VH - NT tỉnh Kon Tum năm 2025.

Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, nhà văn Đinh Su Giang kể, tôi đi thăm làng của người Ba Na, nghe kể lại truyền thuyết về dòng sông Đăk Bla. Trong tôi bất chợt nảy ra hình ảnh người đánh cá đi xuôi dòng suốt đời. Nhưng rồi ông nhận ra dòng sông ấy phải đi ngược lên mới thành Đăk Bla hùng vĩ. Câu chuyện ấy làm tôi nghĩ đến việc con người cũng phải dũng cảm ngược dòng để tìm lại chính mình. Và truyện ngắn này đã được ra đời như thế.

Truyện ngắn này không chỉ được đánh giá cao về mặt nghệ thuật mà còn được chọn đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ - thành viên Ban biên soạn giáo trình địa phương học cho biết: Tôi đề xuất đưa truyện này vào chương trình giáo dục địa phương lớp 12 và được Ban biên soạn thống nhất cao. Truyện sẽ giúp các em học sinh hiểu sâu sắc hơn về nơi mình sinh ra và lớn lên.

Sức hấp dẫn của “Người đánh cá trên sông Đăk Bla” nói riêng và các truyện ngắn của Đinh Su Giang nói chung đều là sự dung dị mà chạm sâu cảm xúc. Cách kể chuyện nhẹ nhàng, kết thúc mang tính mở để người đọc tự chiêm nghiệm, tất cả tạo nên một thế giới nghệ thuật rất riêng của anh. Anh không cố gắng gây ấn tượng bằng thủ pháp hay kỹ thuật phức tạp, mà chỉ đóng vai trò như người chép lại, người thư ký của thời gian, của núi rừng.

Nhà văn Đinh Su Giang vẫn viết đều, vẫn đi về các ngôi làng để lắng nghe, ghi chép, để sống lại những ký ức đang lặng lẽ tan biến, để giữ hồn các DTTS phía tây của tỉnh bằng chữ. Và mỗi con chữ của anh là một nốt nhạc dịu nhẹ, mộc mạc nhưng thiết tha cất lên từ lòng đại ngàn.

Bài, ảnh: DƯƠNG NƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/dinh-su-giang-va-nguoi-danh-ca-tren-song-dak-bla-54184.htm