Định vị chủ 'siêu dự án' KCN ứng dụng công nghệ cao 600ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Dự án KCN ứng dụng công nghệ cao - đô thị - dịch vụ tại phường Hắc Dịch (600ha) được lãnh đạo địa phương kỳ vọng sẽ là điểm nhấn thu hút khoảng 3 tỷ USD vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động.
Ngày 30/10/2018, ông Nguyễn Văn Trình (Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chủ trì cuộc họp nghe Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) báo cáo về việc bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng KCN ứng dụng công nghệ cao - Đô thị - Dịch vụ tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp ở Việt Nam định hướng đến năm 2020.
Theo báo cáo tại cuộc họp, Liên danh CTCP Đầu tư Xây dựng Hamek – CTCP Bất động sản Quang Anh – CTCP Tập đoàn HVT đã đề nghị thành lập KCN ứng dụng công nghệ cao – Đô thị - Dịch vụ tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ.
Dự án có tổng diện tích đầu tư dự kiến khoảng 600 ha, bao gồm 450 ha đất dành cho khu công nghiệp (KCN) ứng dụng cao và 150 ha đất dành cho khu đô thị - dịch vụ. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.200 tỷ đồng.
Các lĩnh vực chuyên ngành dự kiến thu hút đầu tư vào khu công nghiệp cho dự án rất đa dạng như: công nghệ chuyển hóa và lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo; công nghệ chế tạo vật liệu siêu bền, siêu nhẹ thân thiện với môi trường hoặc sử dụng trong môi trường khắc nghiệt; công nghệ sản xuất vật liệu polyme tổ hợp và composite nền cao phân tử chất lượng cao, bền với khí hậu nhiệt đới; công nghệ chế tạo vật liệu sợi thủy tinh đặc biệt, sợi cacbon.
Dự án sau đó nhận được sự thống nhất ủng hộ chủ trương bổ sung vào quy hoạch từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Lãnh đạo địa phương cũng kỳ vọng khi dự án đi vào hoạt động, KCN này sẽ thu hút khoảng 3 tỷ USD vốn đầu tư, nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động, giải quyết vấn đề nhà ở cho khoảng 15.000 người dân và người lao động.
Tới ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 426 về việc đồng ý điều chỉnh quy hoạch các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020.
Trong đó, quyết định bổ sung phần diện tích khu công nghiệp thuộc khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ HD với diện tích 450 ha tại phường Hắc Dịch, Thị xã Phú Mỹ vào Quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định của Thủ tướng sẽ mở cánh cửa để liên danh các nhà đầu tư CTCP Đầu tư Xây dựng Hamek – CTCP Bất động sản Quang Anh – CTCP Tập đoàn HVT triển khai dự án. Tuy nhiên, tên tuổi và năng lực thực sự của các nhà đầu tư này vẫn khá bí ẩn số lớn với phần đa công chúng.
HVT - Hamek - Quang Anh
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Tập đoàn HVT (HVT) mới được thành lập từ tháng 5/2018, đăng ký địa chỉ trụ sở tại một số nhà thuộc Khu đô thị Văn Khê, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Khi mới thành lập, HVT có quy mô vốn 100 tỷ đồng, trong đó, 97% vốn thuộc về vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Thủy (77%) - Phạm Hùng Mạnh (20%). Nữ cổ đông còn lại của HVT là bà Nguyễn Thị Thanh Hoa với tỷ lệ sở hữu 3% vốn điều lệ. Tới cuối năm 2018, HVT tăng vốn lên mức 200 tỷ đồng.
Trên trang chủ, HVT giới thiệu đang hoạt động trong các lĩnh vực quản lý và đầu tư bất động sản, tư vấn thiết kế xây dựng, xúc tiến và đầu tư thương mại.
Phối cảnh dự án KCN ứng dụng công nghệ cao 600ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Nguồn: HVT)
Hai doanh nghiệp còn lại trong liên danh là CTCP Đầu tư Xây dựng Hamek (Hamek) và CTCP Bất động sản Quang Anh (Quang Anh) có nhiều mối liên hệ với một nhóm nhà đầu tư kín tiếng.
Thành lập vào tháng 12/2017, Hamek có quy mô vốn điều lệ 20 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập là: Nguyễn Thị Hoa (5%), Hoàng Thu Hà (85%) và Nguyễn Thị Ngọc (10%). Tới tháng 5/2018, các cổ đông sáng lập thoái vốn khỏi Hamek, doanh nghiệp này bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tổng Giám đốc Hamek - ông Đinh Văn Trung (SN 1989) - còn đứng tên tại 7 doanh nghiệp cùng tên CTCP Hamek Ánh Dương được đánh số thứ tự từ 1 đến 7.
Các doanh nghiệp này đều được thành lập vào tháng 3/2018, vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, ban đầu có tên gọi là CTCP Helio Lộc Thịnh (1-7). Thêm nữa, các doanh nghiệp này đều đăng ký trụ sở chính tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Tại các công ty Helio Lộc Thịnh 1, 3 các cổ đông sáng lập là: CTCP Helio Power (Helio Power), CTCP Amber (Amber), CTCP Lemanh Brothers. Tại công ty Helio Lộc Thịnh 2, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: Helio Power, Quang Anh và Công ty TNHH Vinapharm (Vinapharm, đã ngừng hoạt động).
Cả Hamek và Quang Anh đều nằm trong “hệ sinh thái” đầy tham vọng trong mảng năng lượng tái tạo của một nhóm nhà đầu tư đang lên. Quang Anh và Helio Power đã được CTCP Tài chính Điện lực (EVNFC) trực tiếp rót vốn hàng trăm tỷ đồng trong năm 2019.
Với dòng vốn từ EVNFC, nhóm nhà đầu tư này đang bung mạnh mẽ trong mảng năng lượng tái tạo với 4 nhà máy điện gió tại huyện Krông Búk (công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng), dự án Điện mặt trời Mũi Né, Điện mặt trời Thuận Minh 2 (công suất 50MW, vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng).
Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư này còn rót vốn vào các dự án địa ốc như: Green Park 29 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), Khu du lịch Phương Mai - Dốc Lết (diện tích 160 ha, Khánh Hòa), Khu du lịch cao cấp ven biển Non Nước (diện tích 7 ha, Đà Nẵng).
Goldenstar Lộc Tấn
Trong khi đó, nhóm Vinapharm, ông Phạm Minh Quyết (SN 1986, Giám đốc Vinapharm) và ông Vi Tuấn Nghĩa góp vốn thành lập các công ty Helio Lộc Thịnh 4, 5, 6, 7.
Ông Phạm Minh Quyết còn là giám đốc của CTCP Đầu tư PHND. Doanh nghiệp này do Công ty TNHH Đầu tư Vinapharm, CTCP Thương mại dịch vụ Hàng Hải Hưng Phát và Công ty TNHH Năng lượng Vinacon sáng lập nên. Tới tháng 2/2017, Công ty TNHH Vinacon đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần.
Ông Vi Tuấn Nghĩa (SN 1982) hiện là người đại diện, đảm nhiệm chức vụ quan trọng tại CTCP ONEW E&C; Công ty TNHH Điện Mặt trời Golden Star Lộc Tấn 1 và Công ty TNHH Điện Mặt trời Golden Star Lộc Tấn 2.
Các pháp nhân này đều được thành lập trong năm 2018, có mối liên hệ với CTCP Đầu tư Golden Star (GSIC) - doanh nghiệp đầu tư đa ngành, đang sở hữu 2 nhà máy điện mặt trời Goldenstar Lộc Tấn 1 và 2 tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có công suất khoảng 100 MW.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, GSIC cũng chỉ mới được thành lập vào ngày 8/8/2018, quy mô vốn 20 tỷ đồng chia đều cho 4 cổ đông là các ông: Nguyễn Minh Thông, Nguyễn Tiến Phúc, Trương Phi Cường và Lý Trung Dũng.
Tuy nhiên, tới cuối tháng 8/2018, tổng tỷ lệ sở hữu của 4 cổ đông này tại GSIC chỉ còn 48% vốn điều lệ. Sau đó, vào đầu tháng 9/2018, GSIC tăng vốn lên 100 tỷ đồng.
GSIC còn có công ty thành viên là CTCP BCLand - đơn vị sở hữu 100% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Đoan Nguyên, chủ sở hữu 60.732 m2 đất thổ cư tại phường Bình Trưng Đông, Quận 2, Tp.HCM.
Năm 2018, Tập đoàn CapitaLand thông qua các công ty con đã mua lại toàn bộ vốn của CTCP BCLand./.