Định vị kinh tế và xu hướng chiến lược của các nước Nam Bán cầu

Đến năm 2022, quy mô kinh tế của các nước Nam Bán cầu đã chiếm đến 58% kinh tế toàn cầu, trong khi quy mô nền kinh tế các nước Bắc Bán cầu giảm giảm xuống còn 42%.

Sức mạnh, địa vị và ảnh hưởng của Nam Bán cầu đang ngày càng tăng. Ảnh: AFP

Sức mạnh, địa vị và ảnh hưởng của Nam Bán cầu đang ngày càng tăng. Ảnh: AFP

Tạp chí Tri thức thế giới số 23/2023 đăng bài viết của Giáo sư Giang Thụy Bình tại Học viện ngoại giao Trung Quốc với tựa đề: “Định vị kinh tế và xu hướng chiến lược của các nước Nam Bán cầu”. Nội dung bài viết như sau:

Việc mở rộng thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở Nam Phi đã một lần nữa thu hút sự chú ý rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với khu vực Nam Bán cầu.

Sức mạnh, địa vị và ảnh hưởng của Nam bán cầu đang ngày càng tăng, nhưng thời gian gần đây khu vực này lại gặp phải nhiều lực cản đối với sự phát triển, làm chậm tiến trình trỗi dậy. Do đó, với tư cách là cơ chế hợp tác quan trọng nhất, việc mở rộng BRICS sẽ giúp tăng cường hơn nữa năng lực thúc đẩy cải cách ở cả bên trong và bên ngoài.

Tiến bộ vượt bậc

Trong một thời gian dài, kinh tế toàn cầu luôn bị chi phối bởi các nước phát triển hay các nước Bắc Bán cầu. Năm 2000, các nền kinh tế Bắc Bán cầu chiếm 79% nền kinh tế toàn cầu tính theo tỷ giá hối đoái danh nghĩa và 65% tính theo ngang giá sức mua, trong khi các nước Nam Bán cầu chỉ chiếm lần lượt là 21% và 35%.

Tuy nhiên trong thế kỷ mới, các nước Nam Bán cầu ngày càng trở nên nổi bật hơn về lợi thế tăng trưởng, sức mạnh kinh tế không ngừng gia tăng, có tiềm năng thay thế các nước Bắc Bán cầu để trở thành chủ thể toàn cầu.

Năm 2000-2022, quy mô kinh tế của các nước Nam Bán cầu tăng 4,9 lần tính theo tỷ giá hối đoái danh nghĩa trong khi quy mô trung bình toàn cầu và Bắc Bán cầu chỉ tăng lần lượt 1,9 lần và 1,1 lần. Tỷ trọng Nam Bán cầu trong tổng số toàn cầu tăng gấp đôi từ 21% lên 42%.

Tính theo ngang giá sức mua, quy mô kinh tế của các nước Nam Bán cầu bắt đầu vượt các nước Bắc Bán cầu vào năm 2007. Đến năm 2022, quy mô kinh tế của các nước Nam Bán cầu đã chiếm đến 58% kinh tế toàn cầu, trong khi quy mô nền kinh tế các nước Bắc Bán cầu giảm giảm xuống còn 42%.

Tương ứng, tỷ trọng và địa vị của các nước Nam Bán cầu trong các khía cạnh quan trọng khác như thương mại toàn cầu, đầu tư quốc tế, dự trữ ngoại hối và thực lực tài chính cũng đang tăng nhanh chóng.

Là đại diện của các cường quốc ở Nam Bán cầu, việc tăng cường sức mạnh kinh tế của các nước BRICS thậm chí còn thu hút sự quan tâm hơn. Tính theo tỷ giá hối đoái danh nghĩa, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước BRICS đã tăng vọt từ 2.767,2 tỷ USD vào năm 2002 lên 25.845,39 tỷ USD vào năm 2022, tương đương mức tăng 8,3 lần trong 22 năm, tỷ trọng trong kinh tế toàn cầu cũng tăng từ 8,1% lên 25,8%, tăng 17,7 điểm phần trăm.

Trong thời gian này, với tư cách là các nước lớn ở Bắc Bán cầu, GDP của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chỉ tăng 98,2%, tỷ trọng trong kinh tế toàn cầu giảm 21,2 điểm phần trăm, từ 64,9% xuống còn 43,7%. Tính theo ngang giá sức mua, tổng GDP của các nước BRICS hiện đã vượt các nước G7.

Những trở ngại

Mặc dù các nước Nam Bán cầu ngày càng có khả năng thay thế các nước Bắc Bán cầu trở thành “chủ thể” toàn cầu, nhưng điều đó không có nghĩa là những nước này có thể trở thành “chủ đạo” toàn cầu trong cùng thời điểm, đồng bộ, đồng đẳng.

Quyền chủ đạo trật tự quốc tế ngày nay vẫn thuộc về các nước Bắc Bán cầu, đặc biệt là “cường quốc Bắc Bán cầu” do Mỹ chủ đạo. Sự phát triển kinh tế xã hội của các nước Nam Bán cầu vẫn bị hạn chế nghiêm trọng bởi trật tự quốc tế không công bằng, bất hợp lý do các nước Bắc Bán cầu chủ đạo. Sự trỗi dậy nhanh chóng của các nước Nam Bán cầu phần lớn là do toàn cầu hóa, nhưng lại đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dòng chảy ngầm của tiến trình phi toàn cầu hóa.

Quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang tăng tốc trên toàn thế giới đã dẫn đến những khó khăn cho các nước Nam Bán cầu, vốn đang chịu áp lực phát triển và sa lầy trong khoảng cách số. Tác động của dịch bệnh vẫn còn, xung đột địa chính trị trỗi dậy, làm xói mòn nghiêm trọng và gây tổn hại đối với sự trỗi dậy ổn định của các nước Nam Bán cầu.

Gần đây, “các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ” ở Mỹ và phương Tây đã gây ra những cú sốc nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế và ổn định của các nước Nam Bán cầu thông qua cách kích hoạt dòng vốn chảy ra bên ngoài, đẩy nhanh sự mất giá của đồng nội tệ, lạm phát nhập khẩu, gia tăng áp lực trả nợ. Những điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế các nước Nam Bán cầu.

Hậu quả trực tiếp của những khó khăn trở ngại này là việc các nước Nam Bán cầu đánh mất lợi thế tăng trưởng lâu dài, làm chậm lại đà tăng và gặp phải những khó khăn nghiêm trọng.

Ví dụ, 10 năm trước vào năm 2014, tốc độ tăng trưởng của các nước Nam Bán cầu trung bình cao hơn 4,6 điểm phần trăm so với các nước Bắc Bán cầu. Tuy nhiên, trong 5 năm sau năm 2015, lợi thế tăng trưởng đã giảm một nửa, xuống còn 2,3 điểm phần trăm.

Sau khi trải qua đại dịch COVID-19, từ năm 2021 và năm 2022, khoảng cách được thu hẹp xuống còn 1,4 điểm phần trăm, không bằng 1/3 mức bình quân của 10 năm trước. Tốc độ tăng trưởng của các nước Nam Bán cầu trong cục diện kinh tế toàn cầu giảm đi rõ rệt.

Năng lực cải cách

Các xu hướng trên cho thấy các nước Nam Bán cầu nói chung vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là ứng phó với trật tự quốc tế từ bên ngoài, cải cách mô hình phát triển trong nước, củng cố lợi thế tăng trưởng và ổn định tiến trình trỗi dậy.

Trong bối cảnh tác động đan xen giữa chống toàn cầu hóa và “toàn cầu hóa mới”, các quốc gia Nam Bán cầu sẽ phải tập hợp thành một tổng thể, tăng cường ảnh hưởng đối ngoại trong cục diện toàn cầu và tiếng nói trong trật tự quốc tế. Ở trong nước, cần tăng cường giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau, tự cường tự chủ, lựa chọn con đường phát triển và mô hình hợp tác phù hợp.

Sự hình thành và mở rộng cơ chế BRICS phù hợp với xu thế của thời đại và để gánh vác sứ mệnh lịch sử này. Hội nghị thượng đỉnh BRICS đầu tiên được tổ chức tại Nga vào tháng 9/2019 đã chứng minh cho cộng đồng quốc tế một mong muốn mạnh mẽ để thúc đẩy định hướng chiến lược nói trên. Các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo đã mở rộng và làm sâu sắc thêm định hướng chiến lược này ở các mức độ khác nhau ở các cấp độ khác nhau.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây ở Johannesburg, Nam Phi, Tuyên bố chung một lần nữa nhất mạnh các nước BRICS sẽ tiếp tục tập trung tăng cường khuôn khổ hợp tác cùng có lợi về chính trị an ninh, kinh tế thương mại tài chính và giao lưu nhân dân, khôi phục và cải cách hệ thống đa phương thông qua thúc đẩy hòa bình, xây dựng trật tự quốc tế ngày càng mang tính đại diện, công bằng hơn, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược BRICS, mang lại hạnh phúc cho người dân các nước BRICS.

Hội nghị thượng đỉnh lần này đã mở rộng thành công số thành viên của BRICS từ 5 quốc gia lên 11 quốc gia, tăng cường hơn nữa tính đại diện và ảnh hưởng của cơ chế BRICS, qua đó thúc đẩy tiếng nói và sức mạnh hành động để hướng tới định hướng chiến lược nêu trên./.

Mạnh Cường (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dinh-vi-kinh-te-va-xu-huong-chien-luoc-cua-cac-nuoc-nam-ban-cau/317777.html